Chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc kiến nghị Quốc hội cho áp dụng chính sách thí điểm vượt luật.

Ngày 1/3, đoàn công tác do Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình hoạt động của khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định khu công nghệ cao Hòa Lạc đã đạt nhiều kết quả tốt trong thời gian qua. Năm 2017, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho ba dự án với tổng vốn lên tới 5.050 tỷ đồng. Đến tháng 12/2017, Hòa Lạc đã có 81 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký lên hơn 66.000 tỷ đồng trên diện tích 358 ha.

Nhiều trường đại học, cơ sở nghiên cứu đã đến Hòa Lạc như: Đại học FPT, Đại học Việt Nhật, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, hay Viện nghiên cứu Viettel. Điều này góp phần xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ cho Hòa Lạc nói riêng và cả nước nói chung.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chia sẻ những kết quả khu công nghệ cao Hòa Lạc đạt được trong thời gian qua. Ảnh: T.H

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh chia sẻ những kết quả khu công nghệ cao Hòa Lạc đạt được trong thời gian qua. Ảnh: T.H

Tuy đạt được nhiều kết quả tốt, khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn phải đối diện với không ít khó khăn liên quan đến luật.

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ kiêm Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc, cho biết hiện Hòa Lạc không chỉ được điều chỉnh bởi Nghị định 99 về quy chế khu công nghệ cao mà còn bởi các luật đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường…

“Một số điểm tại các luật này chưa phù hợp với thực tế về mô hình, tính chất của khu công nghệ cao; cơ chế chính sách ưu đãi áp dụng cho các nhà đầu tư chưa cụ thể, thiếu nhất quán, làm giảm tính minh bạch trong thực thi để thu hút đầu tư”, ông Dương nói.

Mặt khác, các chính sách ưu đãi không nổi trội so với các khu công nghiệp thông thường, chưa có các chính sách, chế độ đãi ngộ vượt trội để thu hút chuyên gia, cán bộ có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại khu công nghệ cao. Thẩm quyền của Ban quản lý cũng chưa đầy đủ để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Một khó khăn lớn nữa là công tác giải phóng mặt bằng với diện tích phải thu hồi là 1.586 ha. Ông Dương thông tin nếu như trước đây, giải phóng mặt bằng 200 ha mất khoảng 60 tỷ thì nay là 2.000 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy không thể cấp vốn giải phóng mặt bằng theo dạng dự án thông thường mà cần tính đến yếu tố thời điểm để tránh lãng phí.

“Với những vướng mắc trên, mục tiêu hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cho khu công nghệ cao Hòa Lạc vào năm 2020 theo yêu cầu của Chính phủ là hết sức khó khăn”, ông Dương nhận định.

Ông Phạm Đại Dương cho rằng khu công nghệ cao Hòa Lạc còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến luật. Ảnh: T.H

Ông Phạm Đại Dương cho rằng khu công nghệ cao Hòa Lạc còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến luật. Ảnh: T.H

Kiến nghị Quốc hội cho áp dụng các chính sách thí điểm vượt luật

Vì những khó khăn trên, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc kiến nghị với Quốc hội sửa đổi luật thuế thu nhập cá nhân, trong đó giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc cho dự án thuộc 4 lĩnh vực công nghệ cần ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định tại Luật Công nghệ cao; dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển, danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển.

Trong quá trình cấp phép đầu tư, Ban quản lý kiến nghị Quốc hội xem xét lại thời điểm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp để giảm thiểu bất lợi cho các nhà đầu tư mà vẫn đảm bảo được các vấn đề về môi trường.

Các cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành dựa trên quy định hiện hành trong khi khu công nghệ cao Hòa Lạc có những đặc thù về mô hình tổ chức, nguồn vốn và phương thức phát triển hạ tầng. Do đó, trường hợp cần thiết, Ban quản lý sẽ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ; Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho áp dụng các chính sách thí điểm vượt luật đối với khu công nghệ cao Hòa Lạc.

‘Đầu tư cho Hòa Lạc là dự án đầu tư trọng điểm nhà nước’

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm và giải pháp nhất quán của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc khi kiên trì với mục tiêu phát triển Hòa Lạc thành một thành phố khoa học và công nghệ, một đô thị sinh thái và thông minh.

Ông Phùng Quốc Hiển khẳng định đầu tư cho Hòa Lạc là dự án đầu tư trọng điểm nhà nước. Ảnh: T.H

Ông Phùng Quốc Hiển khẳng định đầu tư cho Hòa Lạc là dự án đầu tư trọng điểm nhà nước. Ảnh: T.H

Ông Hiển nhấn mạnh sự phát triển của Hòa Lạc không chỉ tạo động lực phát triển cho Hà Nội mà của cả khu vực, đáp ứng sự phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ghi nhận những vướng mắc của khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Hiển khẳng định Quốc hội coi đầu tư cho Hòa Lạc là dự án trọng điểm nhà nước và sẽ tập trung rà soát hệ thống cơ chế chính sách để phát triển đồng bộ khu công nghệ cao Hòa Lạc như đúng kỳ vọng.

“Cần có giải pháp mang tính đồng bộ, chiến lược mới giải quyết được bài toán lâu dài và quan trọng hơn là cần có tư duy đổi mới trong quản lý điều hành để có sự đột phá về phát triển”, Phó chủ tịch Quốc hội nói.

Dương Tâm – Tuyết Hạnh

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN