Giá giảm gần 200 triệu, thêm trang bị so với bản nhập khẩu, Mitsubishi Việt Nam muốn tạo đột biến trong năm 2018.

Hôm 23/1, Mitsubishi Việt Nam ra mắt chiếc Outlander lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương, thay vì nhập khẩu từ Nhật như trước đó. Thiết kế của xe không thay đổi so với bản nhập khẩu nhưng trang bị và mức giá là những khác biệt lớn mà hãng xe Nhật kỳ vọng có thể tạo cú hích doanh số.

Mitsubishi Outlander lắp ráp giá từ 808 triệu - tham vọng đột biến tại Việt Nam

Xe có 3 phiên bản là 2.0 CVT, 2.0 CVT Premium và 2.4 CVT Premium, chỉ là cách đổi tên gọi so với lần lượt 2.0 STD, 2.0 CVT và 2.4 CVT trước đây. Mitsubishi Việt Nam bỏ hết bản 5 chỗ, tất cả đều 7 chỗ dạng 5+2. Bản lắp ráp cũng có thêm điện thoại rảnh tay trên vô-lăng cả ba phiên bản.

Ở mỗi bản lại có những nâng cấp riêng đáng kể. Mẫu 2.0 CVT mới có thêm chìa khóa thông minh, khởi động bằng nút bấm, gương chỉnh điện, vành đúc, vô-lăng bọc da, camera lùi, các công nghệ an toàn như phanh khẩn cấp BA, cân bằng điện tử, khởi hành ngang dốc.

Bản 2.4 Premium còn có thêm camera lùi, bên cạnh những trang bị phong phú như đèn pha LED tự động, gạt mưa tự động, rửa đèn, gương điện, cốp điện. Nội thất có điều hòa tự động hai vùng, lẫy sang số trên vô-lăng, kiểm soát hành trình, sưởi ghế trước, cửa sổ trời, màn hình DVD 6 loa.

Động cơ trên xe không đổi. Bản 2.0 4 xi-lanh công suất 145 mã lực, mô-men xoắn 196 Nm. Bản 2.4 cao hơn ở mức 167 mã lực và 222 Nm. Hai bản 2.0 sử dụng hệ dẫn động cầu trước trong khi 2.4 dùng dẫn động bốn bánh.

Mức giá gây bất ngờ lớn khi giảm sâu so với bản nhập khẩu, từ 165-181 triệu. Đại diện hãng cho biết, Nếu xe nhập khẩu từ Nhật Bản chịu thuế nhập 70% thì bộ linh kiện cũng nhập từ Nhật để lắp ráp tại Việt Nam chịu thuế 9-15%, nhờ đó tạo ra khoảng cách giá sâu.

Phiên bản Giá bản nhập khẩu Giá bản lắp ráp Mức giảm
 2.0 CVT 975 808 165
 2.0 CVT Premium 1.123 942 181
 2.4 CVT Premium 1.275 1.100 175

Đơn vị: triệu đồng

2.0 CVT là bản mang nhiều kỳ vọng nhất vì mức giá thấp hơn bản thấp nhất của CX-5 (869 triệu) nhưng trang bị đáng kể. Thấp nhất thị trường đang là Tucson với 760 triệu bản 2.0 2WD. Để tạo chút mới lạ, hãng có thêm bản Black Edition với bộ bodykit cản trước, nẹp lườn, trần xe sơn đen tương phản với màu đỏ ở thân xe. Không có gì thay đổi trong nội thất và công nghệ. Cách làm này tương tự như Nissan X-Trail.

Mitsubishi Việt Nam lên chiến lược chuyển sang lắp ráp Outlander từ 18 tháng trước. Outlander là một trong các mẫu xe không liên quan tới ASEAN của Mitsubishi, vì vậy các thị trường trong khu vực như Việt Nam, Thái Lan đều phải nhập trực tiếp xe từ Nhật Bản. Gần hai năm trước hãng tính toán, nếu đến 2018 tiếp tục nhập từ Nhật (thuế 70%) thì khó lòng cạnh tranh với xe nhập ASEAN (thuế 0%), vì vậy quyết định chuyển sang lắp ráp.

Black Edition.

Black Edition.

Quyết định này của Mitsubishi lại vô tình gặp đúng thời điểm Chính phủ ra Nghị định 116 khiến xe nhập khẩu chưa thể về nước. Outlander nhờ đó đứng trước cơ hội lớn để chiếm thị phần khi đối thủ giờ đây chỉ là những mẫu xe lắp ráp như CX-5, Tucson. Tầm quan trọng của thời điểm khiến lễ ra mắt Outlander còn có sự xuất hiện của ông Tsunehiro Kunimoto, Phó chủ tịch Mitsubishi Nhật Bản, cha đẻ của ngôn ngữ thiết kế Dynamic Shield.

Dynamic Shield là một yếu tố quan trọng để Outlander có thể tiếp cận khách hàng Việt, vốn ngày càng trẻ và không thích những đường nét cơ bản, không dấu ấn trên những mẫu Mitsubishi cũ. Tuy vậy, Dynamic Shield có thể phải đánh đổi những khách hàng trung niên, vì đầu xe có phần hơi “nghịch”.

Những thứ còn lại như hàm lượng công nghệ, thế mạnh động cơ bền bỉ được kiểm chứng nhiều năm hay dịch vụ sẽ quyết định việc Outlander có tranh thủ “hớt váng” thị trường được hay không. Hãng đặt mục tiêu 2.400 xe trong 2018, tăng 2,4 lần so với 2017 (bán 993 xe).

Mitsubishi Việt Nam còn lên kế hoạch chuyển Attrage từ nhập khẩu sang lắp ráp nếu doanh số tốt, tháng 8/2018 hãng sẽ giới thiệu X-pander, chiếc MPV lai SUV mang xu hướng hiện đại.

Đức Huy

vnexpress

BÌNH LUẬN