Theo chuyên gia, thời tiết đông xuân độ ẩm cao, ít ánh sáng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Cùng với đó là tốc độ lây lan rất nhanh của virus cúm. Do vậy, số bệnh nhi mắc bệnh cúm tăng hơn so với các mùa khác và tăng so với năm trước.

Những ngày gần đây, thời tiết miền Bắc liên tục thay đổi thất thường khiến nhiều trẻ phải nhập viện vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa. Ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin tại bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi đến khám và được chẩn đoán mắc bệnh cúm A và cúm B (hay còn gọi là cúm mùa) có chiều hướng gia tăng. Trẻ nhập viện do sốt cao, co giật, có một số bệnh nhiễm trùng khác như viêm phổi.

Trao đổi với PV, Ths.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, việc gia tăng các các bệnh cúm vào thời điểm đông xuân không phải là sự bất thường mà hoàn toàn phù hợp với dịch tễ học.

Lý giải sự gia tăng ấy, Ths.BS Hải chỉ rõ, thời tiết đông xuân độ ẩm cao, ít ánh sáng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Cùng với đó là tốc độ lây lan rất nhanh của virus cúm. Do vậy, số bệnh nhi mắc bệnh cúm tăng hơn so với các mùa khác và tăng so với năm trước.

Các bệnh - Chuyên gia lý giải nguyên nhân cúm mùa có chiều hướng gia tăng

Tại bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ nhập viện do cúm mùa có chiều hướng gia tăng.

Thống kê cho thấy, hiện tại, mỗi ngày khoa Truyền nhiễm tiếp nhận khoảng 10-15 trường hợp bệnh nhi mắc cúm mùa tới khám và điều trị. Số bệnh nhi đang điều trị nội trú tại khoa khoảng từ 30-40 ca.

“Trẻ bị mắc cúm, hệ miễn dịch sẽ bị giảm. Do không đáp ứng thuốc nên trẻ có triệu chứng sốt cao, chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, họng đỏ. Nếu không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bội nhiễm dẫn tới các biến chứng viêm do vi khuẩn khác, sốt cao, co giật, viêm phổi…. Biến chứng nặng nhất của cúm mùa là viêm phế quản, viêm phổi (số lượng nhỏ)”, Ths.BS Hải cho hay.

Ở trẻ nhỏ khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), thường có những triệu chứng như sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi…

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh có thể chăm sóc tại nhà nhưng phải giảm sốt cho trẻ đúng cách.

“Trẻ bị cúm không dùng thuốc kháng sinh để điều trị vì không có tác dụng. Bệnh cúm sẽ nguy hiểm đối với các trường hợp bệnh nhi có cơ địa đặc biệt như hen phế quản, phế quản co thắt gây ra khó thở rất nhanh, viêm phổi mắc cúm, bệnh lý suy giảm miễn dịch, hội chứng thận, suy thận, ung thư, suy dinh dưỡng nặng. Khi trẻ sốt cao, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để xác định rõ nguyên nhân và hướng điều trị đúng”, Ths.BS Đỗ Thiện Hải khuyến cáo.

Nguyễn Huệ

nguoiduatin

BÌNH LUẬN