Phim về thủ tướng Anh Churchill nêu cao lòng dũng cảm trong thời khắc đen tối, tôn vinh sức mạnh lời nói có thể dẫn đường cho cả dân tộc.
Trong năm 2017, có hai tác phẩm về Thế chiến thứ hai được ngợi khen là Dunkirk của Christopher Nolan và Darkest Hour của Joe Wright. Điều thú vị là câu chuyện trong hai phim này diễn ra cùng một thời điểm trong lịch sử, nhưng khác nhau về không gian. Dunkirk kể về cuộc di tản của quân Đồng minh khỏi nước Pháp, còn Darkest Hour xoay quanh những hoạt động ở chính trường Anh trong những ngày đó.
Nhân vật chính trong Darkest Hour là Winston Churchill (Gary Oldman đóng) – người vừa nhậm chức Thủ tướng Anh vào tháng 5/1940, thời điểm được mệnh danh là “giờ đen tối” trong lịch sử nước Anh. Quân Đức liên tiếp thắng trận và đã tràn vào nước Pháp – đồng minh của Anh – với tốc độ vũ bão. Một khi nước Pháp sụp đổ, quân thù chỉ còn cách Anh một eo biển. Trong khi đó, nội bộ chính phủ đảo quốc mâu thuẫn nhau trong việc nên chống trả hay thương lượng với Hitler.
Ở tuổi 66, với sức khỏe suy giảm, Churchill có quá nhiều việc phải làm. Hơn 300.000 lính Đồng minh bị bao vây ở Dunkirk (Pháp). Cựu thủ tướng Anh Neville Chamberlain (Ronald Pickup đóng) và Tử tước Halifax (Stephen Dillane đóng) âm mưu lật đổ Churchill. Ngay cả nhà vua George VI (Ben Mendelsohn đóng) cũng không hoàn toàn tin tưởng vị thủ tướng mới bởi nhiều điều tiếng về ông.
Cảnh đầu phim là một nghị viện hỗn loạn với những lời lẽ kích động của các chính trị gia Anh. Churchill được nhắc đến nhưng không xuất hiện trong trích đoạn. Khán giả lần đầu thấy nhân vật là ở cảnh sau, qua mắt cô gái đánh máy Elizabeth Layton (Lily James đóng) đến làm việc cho ông. Với thân hình bệ vệ, dáng vẻ mệt mỏi của một ông già, Churchill bất ngờ bùng nổ với những lời quát mắng khiến cô gái khóc nức nở chạy khỏi phòng. Chỉ trong cảnh này, cá tính của nhân vật chính đã được bộc lộ rõ và sau đó duy trì xuyên suốt phim.
Với sự nóng nảy và một chút điên loạn – như ông tự thừa nhận, Churchill khiến mọi người khiếp sợ. Tuy nhiên, ông cũng có những tình cảm và nỗi lo lắng rất đời thường, được thể hiện qua vài cảnh nhỏ nhưng đắt giá như đoạn với người vợ hay tổng thống Mỹ. Lối xây dựng này giúp nhân vật có đời sống và góc cạnh, chứ không bị phát triển một chiều theo hướng lý tưởng hóa.
Ít khán giả nhận ra Gary Oldman dưới lớp hóa trang. |
Trong cách mô tả của phim, Churchill hiện ra như chính trị gia duy nhất của Anh triệt để chống Hitler và Đức quốc xã. Lòng tin của nhân vật đôi khi bị dao động bởi sự hùng mạnh của quân Đức, nhưng nhanh chóng được phục hồi bằng sự gắn kết với nhân dân. Dù là thủ tướng, ông không nắm quyền lực tuyệt đối mà vẫn bị giới hạn bởi các thành viên khác trong nội các. Những người khác – đạo mạo và chỉn chu – e dè phải bước vào một cuộc chiến tranh lớn khác khi những nỗi đau trong Thế chiến thứ nhất (1914 – 1918) còn chưa nguôi.
Tác phẩm đề cao sức mạnh của lời nói, ngôn ngữ trong việc truyền cảm hứng. Nhiều cảnh phim tập trung vào việc thủ tướng soạn thảo diễn văn, chăm chút độ chính xác trong từng từ ngữ. Cài cắm trong câu chuyện là hàng loạt bài diễn văn hùng hồn của Churchill để kêu gọi nhân dân, các chính trị gia khác giữ vững niềm tin. Những trích đoạn này nuôi dưỡng một bầu không khí nhiệt huyết cho tác phẩm, dù khán giả ít khi thấy cuộc chiến trong khung hình.
“Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng. Chúng ta sẽ chiến đấu ở Pháp. Chúng ta sẽ chiến đấu trên biển và đại dương, chúng ta sẽ chiến đấu trên bầu trời với sự tự tin và sức mạnh ngày càng tăng. Chúng ta sẽ bảo vệ hòn đảo của mình với bất kỳ giá nào. Chúng ta sẽ chiến đấu trên những bờ biển, chúng ta sẽ chiến đấu trên những bãi đáp. Chúng ta sẽ chiến đấu trên những cánh đồng và trên đường phố. Chúng ta sẽ chiến đấu trên những ngọn đồi. Chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng”, một trích đoạn trong bài diễn văn nổi tiếng của Churchill ngày 4/6/1940 được tái hiện trong phim.
Cảnh đầu tiên Churchill và nhà vua gặp nhau trong phim. |
Darkest Hour chỉ có vài cảnh mô tả chiến trường, trong đó có một trích đoạn ấn tượng, chuyển từ cảnh rải thảm bom sang chiến sĩ tử trận. Gần như toàn bộ phim diễn ra trong các căn phòng, với kịch bản gần như một vở kịch. Tuy vậy, cách quay của nhà quay phim Bruno Delbonnel giúp tác phẩm vẫn giữ được chất điện ảnh. Ở các cảnh hành lang, những tia nắng rọi qua cửa sổ được làm nổi bật, gây tương phản với không gian có phần tối bên trong. Trong tầng hầm – nơi nội các chiến tranh hội họp, máy quay không bị cứng đơ mà đôi khi có những vận động linh hoạt, theo chân các nhân vật.
Ở tuổi 59, Gary Oldman có vai diễn để đời trong Darkest Hour. Với chất giọng sang sảng và thần thái đầy dũng khí, tài tử thể hiện trọn vẹn chân dung một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Tổ hóa trang và làm tóc đã biến Oldman, cân nặng khoảng trên 70kg, thành một người to béo hơn 90kg. Lớp hóa trang dày còn khiến nam diễn viên như “biến mất” trong tác phẩm, hoàn toàn chìm vào nhân vật ông đóng. Màn trình diễn này biến Oldman thành ứng viên nặng ký ở cuộc đua giải nam diễn viên chính tại Oscar 2018.
Một vai khác cũng gây chú ý trong phim là nhà vua nói lắp George VI do Ben Mendelsohn đóng. Nhân vật này trước đây được nhiều khán giả biết đến qua diễn xuất của Colin Firth trong King’s Speech (tác phẩm giành giải Oscar “Phim xuất sắc” năm 2011). Firth tập trung vào sự mặc cảm của nhà vua với chứng nói lắp, còn nhân vật của Mendelsohn có phần nghiêm nghị và khó lường hơn.
Các chuyên gia hóa trang cho Oldman trong “Darkest Hour”. |
Trong Darkest Hour, nhà vua và Churchill có ba cảnh gặp gỡ, đều là các cột mốc quan trọng đánh dấu chuyển đổi tâm lý nhân vật. Ở cảnh đầu, cả hai trò chuyện ngắn, khách sáo và đầy tính lễ nghi. Ở lần thứ hai, cuộc nói chuyện hé lộ suy nghĩ tiêu cực của nhà vua dành cho Churchill, cũng như giới thiệu một phần nguyên nhân cá tính khó gần của vị thủ tướng. Ở lần thứ ba, họ vứt bỏ lớp mặt nạ xã giao để trao đổi những suy nghĩ thật lòng.
Tác phẩm không nhiều kịch tính, bất ngờ bởi câu chuyện bám sát lịch sử. Một số tình tiết nặng tính tuyên truyền với cách xử lý còn nông, tiêu biểu như cảnh Churchill đi chuyến xe để hỏi ý kiến người dân. Phản ứng đồng thanh, không chút e dè của dân chúng ở trích đoạn này mang nhiều sự áp đặt chứ không tự nhiên. Khuyết điểm này vốn khó tránh trong một tác phẩm mà ngay từ đầu mục đích làm ra là để tôn vinh tinh thần bất khuất của người Anh