Phim mới của thương hiệu “Star Wars” mang không khí hào hùng, kể tiếp trận chiến vì tự do, sự dằn vặt của con người giữa thiện – ác.
Star Wars: The Last Jedi là phim điện ảnh thứ chín trong thương hiệu Star Wars(bao gồm tám phim trong mạch truyện chính và một phim ngoại truyện – Rogue One). Nội dung phim mới tiếp nối các tình tiết trong bom tấn Star Wars: The Force Awakens (2015). Sau khi phát hiện mình có Thần Lực (The Force), nữ anh hùng Rey (Daisy Ridley) tìm đến chỗ Luke Skywalker (Mark Hamill) – Jedi huyền thoại – để học cách trở thành một Jedi (hiệp sĩ phe thiện sử dụng Thần Lực).
Lực lượng quân kháng chiến dưới quyền nữ tướng Leia (Carrie Fisher) – em gái song sinh của Luke – tiếp tục chống trả Tổ chức Thứ nhất, thế lực tàn bạo muốn thôn tính vũ trụ. Trong khi đó, Kylo Ren (Adam Driver) – con trai của Leia – lún sâu vào Mặt Tối của Thần Lực. Trên thế giới, nhiều khán giả mong chờ phim để xem màn trình diễn cuối cùng của Carrie Fisher – minh tinh qua đời cuối năm ngoái.
Star Wars: The Last Jedi mào đầu với cấu trúc gợi nhớ đến Star Wars: The Empire Strike Back (1980) – phần phim được ngợi khen nhất của series. Người anh hùng đi rèn luyện với một bậc thầy ẩn dật, trong lúc các bạn của nhân vật chính vừa chống trả vừa trốn chạy kẻ thù. Tuy nhiên, càng về sau kịch bản càng hé lộ nhiều bất ngờ và các tình tiết đi chệch hướng suy đoán người xem.
Được dẫn dắt cảm xúc bởi phần nhạc phim của John Williams, tác phẩm giống một bản hùng ca về cuộc chiến của hai thế lực – ánh sáng và bóng tối. Sự hào hùng thể hiện qua số phận khắc nghiệt của các nhân vật, liên tục bị đặt vào tình thế phải hy sinh bản thân để phục vụ lý tưởng. Điều thú vị của series Star Warslà các nhân vật quan trọng có nội tâm phức tạp, chứ không chỉ dừng lại ở mô-típ người tốt – kẻ xấu đơn thuần. Rey là nữ anh hùng mạnh mẽ, nhưng cũng bị hấp dẫn bởi thế lực bóng tối, đồng thời mang tâm lý tự ti về xuất thân. Luke là Jedi huyền thoại, nhưng bị dằn vặt bởi truyền thống và một sai lầm trong quá khứ đến nỗi trở thành lão già lẩm cẩm.
Trong khi đó, Kylo Ren là người có cá tính thu hút nhất phim. Khi Star Wars: The Force Awakens ra mắt, nhiều khán giả chê bai nhân vật này quá xấu trai, dù là con của phi công Han Solo điển trai (Harrison Ford đóng) và công chúa Leia. Tuy nhiên, đây là dụng ý của các nhà làm phim để xây dựng nhân vật phản diện khác biệt với ác nhân Darth Vader của các phần trước. Darth Vader vốn là một Jedi lừng lẫy, sa ngã vào Mặt Tối bởi tính kiêu ngạo, tham quyền lực và nỗi đau cá nhân.
Còn Kylo Ren lại sa ngã bởi cảm giác thấp kém so với người khác. Anh không có sự hào hoa, quyến rũ của bố lẫn cốt cách của mẹ. Chàng trai nuôi dưỡng sự ức chế ngầm với gia đình và dần bị quyến rũ bởi Mặt Tối, xem ông ngoại – ác nhân Darth Vader – là thần tượng. Tuy nhiên, ngay cả khi theo đuổi con đường này, Kylo Ren vẫn cảm thấy bất lực bởi anh không đủ sự tàn bạo và trình độ như Vader. Thậm chí, trong The Force Awakens, anh còn thất bại trước Rey – người mới học cách sử dụng Thần Lực không lâu trước đó.
Kylo Ren không phải một kẻ hùng mạnh và xa cách, mà trái lại có những phản ứng yếu mềm và rất con người. Anh ta tỏ vẻ kiểm soát được mọi thứ nhưng liên tục bị bẽ mặt. Anh ta muốn trở thành ác nhân vĩ đại nhưng vẫn chứa chấp sự lương thiện trong trái tim.
Sự đè nén và xung đột tâm lý nhân vật được tiếp nối tròn trịa trong Star Wars: The Last Jedi, đẩy lên cao trào trong một quyết định táo bạo nhưng phù hợp diễn biến.
Kylo Ren sa ngã vào Mặt Tối. |
Các trích đoạn tương tác của Luke, Leia, Rey và Kylo Ren – với diễn xuất thuyết phục của bốn diễn viên – được xây dựng khá nghiêm nghị, mang nhiều nét của phim chính kịch xen lẫn triết lý phương Đông. Trong khi đó, tuyến truyện của chàng phi công kháng chiến Poe Dameron (Oscar Isaac), người lính da màu Finn (John Boyega) và cô gái Rose Tico có nhịp điệu nhanh, mang màu sắc phiêu lưu quen thuộc của bom tấn Hollwyood. Tinh thần đấu tranh chống áp bức được đan cài khá tốt vào hành trình này, liên tục nhắc nhở khán giả rằng các nhân vật đang chiến đấu vì đại nghĩa.
Về hình ảnh, Star Wars: The Last Jedi có hai cảnh ấn tượng về thị giác – một với tông màu đỏ đậm ở hậu cảnh gợi cảm giác như tấm màn trong vở kịch, một diễn ra ở ngoài không gian với vẻ kỳ ảo, xoay quanh một nhân vật quan trọng. Những trích đoạn bắn phá bằng máy bay, phi thuyền, đọ súng diễn ra với thời lượng lớn trong phim, tạo cảm giác hùng tráng cần thiết của một bộ sử thi vũ trụ. Tuy nhiên, fan ruột của Star Wars có thể chưa hài lòng bởi phim mới có khá ít cảnh chiến đấu bằng kiếm ánh sáng, vốn là điểm đặc trưng của series.
Từ trái sang: Poe, Finn và Rose. |
Sau khi thương hiệu Star Wars được bán cho Disney, The Last Jedi được cài cắm một số tình tiết hài hước, dễ thương thường gặp trong các phim của hãng này. Các hình ảnh ngộ nghĩnh và câu nói dí dỏm xuất hiện với tần suất khá nhiều với dụng ý giảm bớt sự căng thẳng, nhưng đôi khi phá hỏng tinh thần triết lý của phim. Chúng phù hợp với Vũ trụ Điện ảnh Marvel hơn là một series có định hướng nghiêm nghị từ đầu như Star Wars. Một vài tình tiết ở đoạn giữa khá dài dòng, có thể khiến người xem thấy sốt ruột khi chờ đến hồi kết.
Ở Việt Nam, tác phẩm gây chú ý với sự tham gia của Ngô Thanh Vân. Người đẹp thủ vai Paige – một phi công đánh bom, xuất hiện trong một trích đoạn đầu phim. Nhân vật có thời lượng khá ngắn (vài phút) nhưng vẫn có đất diễn và thể hiện được khí phách anh hùng, đúng như những gì cô mô tả. Sự góp mặt của Ngô Thanh Vân và diễn viên gốc Việt Kelly Marie Tran (vai Rose Tico – em gái của Paige) cũng phản ánh thông điệp hòa hợp về chủng tộc, giới tính của series Star Wars nhiều thập niên qua.
Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 15/12 với nhan đề Star Wars: Jedi cuối cùng.
Ân Nguyễn