Phim kinh dị của Jennifer Lawrence và bạn trai cũ đầy hình ảnh ẩn dụ, gây phân cực dữ dội trong khán giả và giới phê bình.
Tác phẩm của nhà làm phim Mỹ Darren Aronofsky là một trong các phim gây tranh cãi nhất năm nay. Ra mắt ở Liên hoan phim Venice hồi tháng 9, phim khiến khán phòng chia làm hai phe: một bên vỗ tay tán thưởng còn một bên la ó. Khi phát hành ở Mỹ vào tháng 9, Mother! khiến nhiều người phẫn nộ và bị chấm điểm F (thấp nhất) trong hệ thống đánh giá CinemaScore dành cho khán giả. Trong lịch sử điện ảnh, chỉ có 19 phim phải nhận đánh giá này.
Nhiều trang như inews, Newshub, New York Times gọi đây là tác phẩm gây sốc, gây tranh cãi nhất năm.
Nhìn chung, các ý kiến về phim phân cực dữ dội, có cây bút chấm phim điểm 0 nhưng cũng có người gọi đây là tuyệt tác. Nhiều khán giả ở Mỹ sau khi xem xong cho biết hoàn toàn không hiểu nổi phim nói gì. Tuy nhiên, có thể khẳng định Mother! là tác phẩm dị biệt của Aronofsky, hàm chứa nỗ lực vượt khỏi tự sự thông thường để kể một câu chuyện nhiều tính ẩn dụ.
Phim mào đầu với một cảnh gây khó hiểu khi người chồng trung niên (Javier Bardem đóng) đặt một vật thể pha lê vào bệ, khiến cả ngôi nhà tươi mới trở lại sau vụ hỏa hoạn trước đó. Từ đó, tác phẩm được chia làm hai nửa với cấu trúc gần đối xứng. Bối cảnh phim là một ngôi nhà ở vùng hẻo lánh, nơi người chồng – một nhà thơ đang bế tắc trong việc sáng tác – sống cùng cô vợ trẻ (Jennifer Lawrence đóng). Cuộc sống của họ bị khuấy động với sự xuất hiện của những vị khách không mời – một cặp vợ chồng lớn tuổi có cách cư xử trơ tráo đến quái lạ (Ed Harris và Michelle Pfeiffer đóng).
Sau nửa đầu phim gần giống thể loại kinh dị tâm lý, bước ngoặt của phim diễn ra khi người vợ có bầu. Những người khách kỳ quặc nườm nượp kéo tới ngôi nhà, khiến cô ngày càng cảm thấy sợ hãi. Câu chuyện mang hơi hướm kiệt tác Rosemary’s Baby của Roman Polanski, nhưng sau đó leo thang với nhiều hình ảnh trần trụi và đẫm máu diễn ra với tốc độ chóng mặt, nối dài đến đoạn kết cũng gây sốc không kém.
Jennifer Lawrence diễn cảnh kinh hoàng. |
Darren Aronofsky thể hiện rõ dụng ý đặt người vợ vào trung tâm câu chuyện qua cách quay phim. Tác phẩm được quay bằng máy cầm tay, với cận cảnh gương mặt Jennifer Lawrence chiếm ưu thế, trừ một số cảnh thể hiện bước nhảy thời gian (như từ lúc cô mới mang thai đến khi thai lớn). Ở một số trích đoạn, máy quay được đặt để tạo điểm nhìn qua vai minh tinh, thể hiện thế giới từ hướng của người vợ. Với phong cách này, khán giả luôn tập trung vào cô ngay cả trong các cảnh đông nhân vật.
Gần như toàn bộ cảnh quay diễn ra bên trong ngôi nhà. Với màu lặng (các màu pha trộn thêm màu xám), ánh sáng yếu ớt, những hình ảnh kỳ dị và sự vắng bóng của nhạc phim, tác phẩm mang không khí gần giống một giấc mơ hay ảo giác. Nhịp điệu thay đổi từ bình lặng đến dữ dội, sau đó như một trận cuồng phong ở phần cuối.
Tác phẩm có nhiều tầng lớp, dày đặc các tình tiết và hình ảnh biểu tượng đến nỗi mỗi khán giả có thể tự đưa ra cách giải nghĩa riêng. Phim có thể là dụ ngôn về chân dung người nghệ sĩ đắm chìm vào nghệ thuật đến nỗi quên thực tại, vòng lặp của hỗn loạn và trật tự, sự xâm phạm của đám đông vào các khoảng trống riêng tư, thất bại của nền văn minh trước sự ngu muội, sự tàn phá môi trường hay sự hy sinh vô tận của phái nữ.
Cận cảnh Jennifer Lawrence chiếm ưu thế trong phim. |
Cách đặt tên nhân vật trong phần credits (giới thiệu đoàn phim) gây liên tưởng đến tôn giáo. Không ai có tên riêng mà chỉ được gọi bằng các danh hiệu. Người vợ là “mother” (mẹ), người chồng là “Him” (viết hoa với ẩn ý Thượng Đế), người khách nam là “man” (người đàn ông) còn người khách nữ là “woman” (người đàn bà). Tôn giáo từng là chủ đề của Aronofsky trong các phim The Fountain và Noah.
Trên mặt báo, đạo diễn sinh năm 1969 thừa nhận việc lồng ghép các ý tưởng về tôn giáo. Anh chia sẻ trên Indiewire: “Khi viết kịch bản, tôi nảy ra ý định rằng sẽ xây dựng một dụ ngôn theo phong cách của Luis Buñuel – nhà làm phim Mexico. Tôi lấy một phần của thế giới, nhét nó vào một khoảng trống và tạo ra một cuộc đối thoại về xã hội, lấy nền tảng là một câu chuyện về con người. Tôi tìm ra cách cấu trúc nó quanh một đường dây chính liên quan đến Kinh Thánh, và viết rất nhanh từ đó”.
Nếu hiểu theo hướng này, Mother! xoay quanh mối quan hệ giữa Thượng Đế và loài người do ngài tạo nên. Hai người khách đầu tiên là Adam và Eve, những con người đầu tiên được tạo ra. Vì gây rối, họ bị tống khỏi Vườn Địa Đàng (căn nhà), nhưng rồi những thế hệ kế cận lại sinh sôi, phủ đầy mặt đất quấy rầy Thượng Đế. Trong khi đó, nhân vật người vợ là mẹ Trái đất (Mother Earth), bất lực chứng kiến sự gia tăng dân số và hủy hoại môi trường của con người. Hồi kết của phim – với nước và lửa – gợi nhớ đến sự kiện Đại Hồng Thủy trong Kinh Thánh và tận thế Ragnarok trong thần thoại Bắc Âu.
Javier Bardem và Jennifer Lawrence. |
Trong vai chính, Jennifer Lawrence một lần nữa thể hiện đẳng cấp ngôi sao hàng đầu Hollywood. Xuất hiện trong hàng loạt cảnh cận khuôn mặt, tất cả cử động cơ mặt của cô đều phơi bày ở cự ly gần. Người đẹp bộc lộ tự nhiên hàng loạt biểu cảm, từ hạnh phúc, lo âu đến hoảng sợ, tuyệt vọng.
Khác với nhiều vai diễn trước đó của minh tinh – thường giữ thế chủ động và đề cao nữ quyền, nhân vật trong Mother! lại bị động, thể hiện cách một người bình thường phản ứng với những sự kiện bất thường xung quanh. Ở cao trào, cảm xúc của cô tuôn ra dữ dội. Aronofsky cho biết trong một cảnh, người đẹp đã bị trật xương sườn và rơi vào trạng thái thở gấp do cố gắng diễn xuất.
Ed Harris và Michelle Pfeiffer. |
Trong khi đó, với khuôn mặt của mình, Javier Bardem dễ dàng chuyển đổi giữa hai trạng thái cảm xúc của người chồng: yêu thương và bỏ mặc vợ mình. Vai diễn của anh vừa đời thường vừa kỳ quặc, vừa siêu phàm vừa trần tục. Hai diễn viên kỳ cựu Ed Harris và Michelle Pfeiffer cũng gây ấn tượng với những câu thoại đầy ẩn ý và ánh mắt chứa đựng sự tà ác ngầm. Nhân vật của ba diễn viên được xây dựng với tính cách xa lạ, mang tính biểu tượng chứ cư xử không giống bất kỳ hình mẫu nào ngoài đời thực.
Ở phòng vé, Mother! khiến hãng phim bị lỗ với doanh thu 44 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất là 30 triệu USD (thông thường, rạp chiếu giữ lại tiền bán vé). Trong các cuộc phỏng vấn, Darren Aronofsky không giải thích cặn kẽ tác phẩm mà chỉ trả lời mơ hồ, đưa ra những manh mối khác nhau.
Trước phản ứng của khán giả, trên The Frame, đạo diễn Mỹ nói đã biết trước tác phẩm sẽ gây tranh cãi. “Tôi muốn hú lên. Đó là tiếng hú của tôi. Vài người sẽ không muốn nghe nó. Chẳng có vấn đề gì cả”, anh chia sẻ. Lúc quay phim, anh và Jennifer Lawrence là tình nhân, hai người chia tay hồi tháng 11.
Ân Nguyễn