Ăn dặm sớm khiến trẻ dễ rối loạn tiêu hóa do chưa đủ men xử lý; sặc, nghẹn, nôn mửa do chưa quen phối hợp cơ hàm, lưỡi, hầu, họng.
“Trẻ háu ăn, có thể cho ăn dặm sớm từ 4 tháng tuổi” là suy nghĩ của nhiều ông bà, bố mẹ hiện nay. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ thai sản thường chỉ kéo dài tối đa 6 tháng. Tâm lý gấp gáp càng khiến nhiều mẹ muốn cho con ăn dặm sớm để cơ thể thêm cứng cáp, mẹ yên tâm quay lại công việc, mà không kiên nhẫn chờ hệ tiêu hóa của bé phát triển.
Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Phó khoa nhi, Bệnh viên Đại học Y Dược TP HCM, thời điểm ăn dặm tốt nhất nên từ 6 tháng tuổi.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa hoàn thiện, nên thu nạp nguồn dinh dưỡng chính từ sữa mẹ. Việc tiếp nhận sớm nguồn thức ăn lạ như cháo loãng hay bột dễ gây rối loạn hệ tiêu hóa, do chưa đủ men để xử lý.
Đồng thời, các phối hợp của cơ hàm, lưỡi, hầu, họng của bé chưa được nhuần nhuyễn nên dễ gây sặc, nghẹn hay nôn mửa. Mẹ chỉ cho bé tập ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi nhằm đảm bảo hiệu quả hấp thu, bé lớn nhanh.
Ăn dặm quyết định khẩu vị và thói quen ăn uống sau này của trẻ. |
Chuyên gia khuyến cáo, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên bú mẹ hoàn toàn, duy trì đến 2 tuổi. Sau 6 tháng, hệ tiêu hóa của bé đã phát triển tương đối hoàn thiện, có thể xử lý được các loại thức ăn như bột, cháo nhờ có men tiêu hóa. Ăn dặm sẽ giúp trẻ rèn luyện thói quen ăn uống sau này, cũng như mở ra thế giới vị giác đa dạng.
Với những người lần đầu làm mẹ, việc tự tay lên kế hoạch ăn dặm, nấu những bữa ngon đầu đời cho con là những trải nghiệm mới mẻ. Dù háo hức muốn thử, mẹ cũng nên kiên nhẫn, không vội vã khi chưa đến lúc thích hợp.
Cho con ăn dặm không chỉ đúng cách, mà còn phải đúng thời điểm, để đảm bảo bé hấp thu tốt nhất. Mẹ nên lập kế hoạch cho con ăn dặm khoa học, kiên nhẫn và tuân theo lộ trình phát triển khi bé đã sẵn sàng.
An San