Tiến sĩ Quốc Minh khuyên bố mẹ hãy dành thời gian cho con ít nhất mỗi ngày 15-20 phút.

Chia sẻ trong buổi tọa đàm Cùng con chơi có mục đích, có định hướng được tổ chức tại TP HCM cuối tuần qua, tiến sĩ tâm lý sư phạm – nhà giáo ưu tú Trần Thị Quốc Minh cho biết việc chơi đùa không chỉ giúp trẻ gắn kết yêu thương với cha mẹ, người thân mà thông qua những trò chơi hàng ngày, bé sẽ học hỏi thêm được nhiều những kĩ năng quan trọng trong cuộc đời, từ đó phát triển một các toàn diện: trí lực, ngôn ngữ, cảm xúc… Tuy nhiên, dường như trẻ em đang thiếu không gian chơi.

Chơi cùng con quan trọng như thế nào?

Cô Quốc Minh cho rằng tahy vì trách con tại sao không năng động, phụ huynh nên linh hoạt tạo môi trường vui chơi cho con. Chơi ở nhà cũng là chơi, ngoài đường cũng là chơi, thậm chí cho con đi siêu thị, trung tâm thương mại cũng là chơi. Từ đó, cô khuyên bố mẹ đầu tiên hãy dành thời gian cho con ít nhất mỗi ngày 15-20 phút, toàn tâm toàn ý chơi với con.

“Hãy rời xa điện thoại, ti vi, công việc… Việc dành thời gian cho con sẽ giúp bố mẹ ‘hiểu’ con hơn, và khi hiểu được con, bố mẹ sẽ biết cần phải làm gì để chơi cùng con, giúp con phát triển một cách tốt nhất. Rõ ràng, khi một bố mẹ chăm dạy con mình thì những đứa con của họ sẽ là người đầu tiên được hưởng lợi, không ai chơi với con, giáo dục con tốt hơn cha mẹ”, cô Minh khẳng định.

Chia sẻ với các bậc phụ huynh, tiến sĩ tâm lý còn cho biết, từ khi còn trong bụng mẹ, trẻ đã có nhu cầu được giao tiếp và chơi đùa. Nhưng trong xã hội hiện đại, vì nhiều lí do như bận rộn công việc, phụ huynh quên mất việc chơi cùng con và đây là một thiệt thòi vô cùng lớn với trẻ. Trẻ con có những đặc điểm khác với người lớn. Từ 0-6 tuổi, trẻ học mọi thứ qua trò chơi. Bố mẹ không thể tự nhiên “dúi” một món đồ chơi, một cuốn sách và bảo với con rằng con đọc đi, con chơi đi mà trẻ cần sự tương tác, chơi đùa với bố mẹ. Khi mọi thứ đều là trò chơi, mọi người đều là bạn chơi, sẽ khích thích trẻ tìm tòi và sáng tạo, từ đó kích thích trí thông minh của trẻ nhỏ. Khi chơi, cảm xúc của đứa trẻ mới thực sự được thoải mái, tinh thần vui vẻ và tiếp thu thông điệp tốt nhất. Những phút được chơi cùng bố mẹ thực sự có ý nghĩa với sự lớn lên về mặt cảm xúc và tâm hồn của con.

nhung-thiet-thoi-cua-tre-khi-khong-duoc-choi-cung-bo-me

Tiến sĩ Quốc Minh tại buổi tọa đàm do Phúc Minh Books và Fahasha kết hợp tổ chức.

Chơi cùng con như thế nào để hiệu quả?

Cô Quốc Minh khuyên các bố mẹ hãy để trẻ tự do sáng tạo trong các trò chơi, cùng tham gia với con nhưng chỉ là người đồng hành, còn trẻ mới là người tự quyết. Mỗi em bé có một đặc điểm riêng, thích chơi những trò chơi riêng, có bé thích chơi với những con số, có bé lại thích hát múa, đọc thơ… Không thể vì “ước muốn” của bố mẹ mà ép con làm những điều con không thích. Khi đứa trẻ không thích, con khó có thể thoải mái chơi đùa được.

Ngoài ra, khi chơi hoặc khi dạy con, bố mẹ cần nhớ nguyên tắc là “trẻ càng nhỏ càng cần được khen ngợi”.  Đặc biệt không nên so sánh con, mắng con, hạ thấp con như: “Con chỉ xách dép cho bạn A, bạn B… Bạn ấy đã làm được cái này, cái kia…”. Từ đó, con có thể trở nên thiếu tự tin. Việc khen, thưởng, chê trách như thế nào vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sau này, khi con bước ra ngoài xã hội, phải phấn đấu, giao tiếp… Đừng tiếc lời khen đối với con khi con làm được điều gì đó tốt. Chẳng hạn như khi con chơi xong, biết thu dọn cất đồ chơi vào giỏ hãy khen con: “Hôm nay con rất ngoan. Biết cất đồ chơi vào giỏ. Bố/mẹ rất tự hào về con”.

Chơi gì với con?

Cô Quốc Minh cho biết: Trò chơi đóng vai là một trong những trò chơi thú vị, đơn giản, dễ thực hiện để bố mẹ có thể chơi cùng con. Đứa trẻ nào cùng thích mình được “lớn nhanh”, con có thể đóng vai làm bác sĩ, làm kỹ sư, chú bộ đội, thậm chí có bé còn tưởng tượng lên tàu vụ trụ, được xuống tàu ngầm ngắm biển… Bố mẹ không nên cho rằng đó là những suy nghĩ “viển vông” kiểu trẻ con. Bởi từ đó trẻ sẽ hiểu biết hơn về các nghề nghiệp, thế giới xung quanh và phát triển khả năng sáng tạo, tư duy…

Mỗi gia đình nên có một góc sách nhỏ cho các con làm quen và vui chơi với sách. Bố mẹ nên dành thời gian cùng con đọc sách mỗi ngày. Với các bé chưa biết chữ, bố mẹ hãy đọc cho con nghe, cùng con xem tranh. Đừng tưởng con chưa biết đọc mà không mua sách cho trẻ. Trẻ cần được làm quen với sách ngay từ nhỏ để lớn lên việc đọc sách trở thành thói quen, tình yêu của các bé. Còn đối với các bé đã biết đọc, hãy tương tác cùng con với cuốn sách đó. Những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, truyện về danh nhân sẽ mở ra một thế giới khác đối với bé. Đọc sách cùng con cũng là một trong những hoạt động vui chơi bổ ích đối với trẻ. Đọc sách không chỉ giúp các bé phát triển khả năng sáng tạo, ngôn ngữ mà còn giúp bé thông minh hơn, phát triển cảm xúc tốt hơn.

Tiến sĩ Quốc Minh nhấn mạnh rằng, dù ở nông thôn hay thành phố, hay bất cứ điều kiện nào, chỉ cần bố mẹ có lòng thì việc chơi trò gì với con cũng trở nên đơn giản. Bởi vì được chơi, trò chuyện với bố mẹ mỗi ngày là các bé cũng đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Hà Minh

ngoisao

BÌNH LUẬN