Tiếng Anh giúp nền kinh tế châu Á được củng cố và phát triển trong nhiều năm. Đào tạo tiếng Anh trở thành ngành công nghiệp bùng nổ.
Theo ấn phẩm thứ 7 – Chỉ số thông thạo Anh ngữ EF (nghiên cứu lớn nhất thế giới đo lường sự thành thạo tiếng Anh dành cho người trưởng thành không phải bản ngữ), châu Á đứng thứ hai thế giới về sự thành thạo tiếng Anh. Tính riêng các quốc gia châu Á, Singapore dẫn đầu chỉ số này, tiếp đến là Malaysia, Philippines, Ấn Độ, Hong Kong và Hàn Quốc.
Trên Forbes ngày 30/11, ông Minh N. Tran, giám đốc nghiên cứu của EF ở trụ sở Hong Kong, chia sẻ không bất ngờ về sự thành thạo tiếng Anh của người châu Á khi khu vực này đã đầu tư rất nhiều vào việc đào tạo tiếng Anh và có khao khát lớn trong việc học tiếng Anh. Ngôn ngữ này giúp nền kinh tế châu Á được củng cố và phát triển đáng kể trong nhiều năm.
Nhiều học sinh, sinh viên châu Á du học ở các nước nói tiếng Anh. Ảnh minh họa: Shutterstock |
Tương quan giữa khả năng kinh tế và trình độ tiếng Anh
Ông Tran nói có sự tương quan rất rõ ràng giữa trình độ tiếng Anh và khả năng cạnh tranh kinh tế trong và ngoài mỗi nước. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã nỗ lực rất nhiều để đảm bảo trình độ tiếng Anh của đất nước ngày càng được cải thiện. Sự cải thiện đó trong suốt bảy năm qua được phản ánh bằng sự tăng trưởng kinh tế, nỗ lực quốc tế hóa lực lượng lao động và nền kinh tế.
Hàng năm, Trung quốc gửi nửa triệu sinh viên ra nước ngoài. Nhiều người trong số họ đến Mỹ, Anh quốc, Australia và Canada. Những sinh viên Trung Quốc học tập ở nước ngoài biết rằng tiếng Anh là yêu cầu tất yếu và họ đã làm nhiều cách để học tốt ngôn ngữ này trước khi đi học ở nước ngoài. Khi trở về, họ là những lao động có tay nghề, đóng góp vào sự phát triển của Trung Quốc.
Tương tự với Việt Nam, những nỗ lực trong việc nâng cao hệ thống giáo dục đã góp phần phát triển đất nước. Ông Tran ghi nhận Đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 của Việt Nam, đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng với khoản đầu tư lên tới 450 tỷ USD, 85% số đó dành cho việc đào tạo giáo viên.
Ngoài khả năng cạnh tranh về kinh tế, trình độ Anh ngữ cao cũng gắn liền với sự phát triển và đổi mới xã hội. Theo EF, các quốc gia có trình độ Anh ngữ cao hơn thường có thu nhập cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn và đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu, phát triển.
Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, đào tạo tiếng Anh đã trở thành ngành công nghiệp có thị trường lớn. Ảnh minh họa: AP |
Các nước châu Á đã gửi rất nhiều sinh viên đến Mỹ. Trong 1,18 triệu sinh viên quốc tế ở Mỹ, 77% là người châu Á, theo số liệu mới nhất từ Student and Exchange Visitor Program. Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục có nhiều sinh viên ở Mỹ nhất, lần lượt là 362.000 và 207.000 người tính đến tháng 5/2016.
Ông Tran cũng cho rằng năng lực tiếng Anh của châu Á ngày càng tốt là nhờ khả năng đầu tư của người dân. Nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đang ngày càng chú tâm vào việc học ngoại ngữ bằng cách học ở trường lớp trong nước, học trực tuyến hay ra nước ngoài. Các bậc cha mẹ cũng đầu tư vào việc học tiếng Anh của con một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Đào tạo tiếng Anh trở thành ngành công nghiệp bùng nổ
Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, đào tạo tiếng Anh trở thành ngành công nghiệp bùng nổ. Trong những năm qua, hai nước này đã chi hàng tỷ đôla cho các khóa học luyện thi và kiểm tra trình độ tiếng Anh. Vào cuối năm 2015, ngành công nghiệp này ước tính đạt doanh thu 4,9 tỷ USD ở Trung Quốc và dự kiến tăng trưởng trung bình khoảng 12-15% mỗi năm. Có hơn 50.000 trường dạy bằng tiếng Anh ở Trung Quốc và hơn 90% số đó là cơ sở tư thục.
Điều tương tự xảy ra ở Hàn Quốc. Cuộc điều tra của cơ quan thống kê và Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy ước tính số tiền dành cho giáo dục tư thục ở Hàn Quốc là 15 tỷ USD, tiếng Anh chiếm 1/3 trong số này.
Doanh thu từ các sản phẩm học tiếng Anh (kỹ thuật số và phi kỹ thuật số) ước tính lên tới 34,1 tỷ USD (khoảng 63% tổng thị trường học ngôn ngữ), tạo cơ hội thu nhập lớn nhất trong thị trường học ngôn ngữ quốc tế.
Ông Tran cho rằng thiếu thành thạo tiếng Anh có thể cản trở khả năng tiếp cận, tiềm năng phát triển kinh tế và chính trị của các quốc gia này.
Để nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh, ông Tran lấy ví dụ về Nhật Bản. “Nhật Bản là một trong những nước có trình độ tiếng Anh thấp nhưng thu nhập đã rất cao. Và điều tôi muốn nói là hãy tưởng tượng nếu trình độ tiếng Anh của họ tốt hơn, mức thu nhập này sẽ ra sao, Nhật Bản có thể phát triển và thu hút vốn nhiều như thế nào?”, ông Tran nói.