Chỉ vài tuần sau khi ra mắt, Apple đã phải sửa chữa rất nhiều lỗi trên macOS lẫn iOS nhưng vẫn chưa triệt để.
Cuối tháng 11 và đầu tháng 12 có vẻ như là những ngày “thảm họa” của các kỹ sư Apple, khi hàng loạt vấn đề liên quan đến macOS và iOS được phơi bày. Trong đó, nghiêm trọng nhất là lỗi bảo mật có thể truy cập quyền quản trị không cần mật khẩu trên macOS High Sierra 10.13.1.
Lỗi đăng nhập bằng “root” không cần mật khẩu vẫn đang tồn tại trên máy Mac. |
Được phát hiện bởi lập trình viên Lemi Orhan Ergin, lỗi xuất hiện trên bản High Sierra mới nhất, cho phép xâm nhập vào hệ thống với quyền quản trị cao nhất, chỉ cần gõ “root” vào User Name và để trống phần mật khẩu, sau đó nhấn Enter nhiều lần cho đến khi thành công. Đây là lỗi được đánh giá là dễ khai thác nhưng để lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Apple đã lập tức xử lý bằng cách tung ra bản cập nhật mới chưa đầy 24 giờ sau khi được báo cáo, đồng thời xin lỗi người dùng. Tuy nhiên, có vẻ như Apple chỉ cập nhật cho những ai đã cập nhật lên macOS 10.13.1 trước đó mà không giải quyết vấn đề cho những người dùng phiên bản cũ hơn. Theo Wired, nhiều người dùng từ 10.13.0 trở xuống tiếp tục dính lỗi trên sau khi cập nhật lên macOS 10.13.1.
Thậm chí, có hai trường hợp cho biết đã tải thêm bản vá mới nhưng không giải quyết được vấn đề. Thomas Reed, nhà nghiên cứu bảo mật của MalwareBytes cho biết, sau khi phát hiện 10.13.1 bị lỗi “root” trở lại, anh đã tải lại và cài bản sửa lỗi bảo mật của Apple. Tuy nhiên, nếu không khởi động lại máy, lỗi vẫn tồn tại trên High Sierra.
Mac Chris Franson, Giám đốc kỹ thuật thuộc Đại học Northeastern chỉ ra rằng, lỗi chỉ được giải quyết triệt để sau khi cài đặt phiên bản mới nhất thành công, sau đó khởi động lại mới có thể cài tiếp bản vá. Tuy vậy, Apple không hề đưa ra lời khuyên nào cho người dùng và không phải ai cũng biết thủ thuật này.
Cũng trong bản vá mới, nhiều người phát hiện rằng máy Mac của mình không thể không thể kết nối và chia sẻ với các thiết bị khác trong cùng một mạng internet. Apple sau đó đã cung cấp bản hướng dẫn khắc phục vấn đề này.
Ngay từ khi ra mắt, macOS 10.13 High Sierra bị tố dính khá nhiều lỗi khác, trong đó có việc mã hóa file mới APFS tiết lộ mật khẩu dưới dạng văn bản thuần trong giao diện Disk Utility, cho phép ứng dụng độc hại trích xuất tất cả mật khẩu từ hệ thống đang chạy, không kết nối được với VPN, không nhận dạng được vân tay TouchID, loa ngoài không phát ra âm thanh… khiến người dùng khó chịu. Đến nỗi, Apple đã phải phát hành bản cập nhật đột xuất, điều mà trước đó hãng ít khi làm.
Không chỉ macOS, iOS cũng gặp hàng loạt lỗi phiền phức. Theo 9to5mac, nhiều người dùng iPhone X đã không thể sử dụng Face ID do tính năng này không hoạt động sau khi cập nhật iOS 11.2. Khi sử dụng tính năng, trên điện thoại lập tức hiển thị thông báo “Không thể kích hoạt Face ID trên iPhone” và người dùng buộc phải khởi động lại để giải quyết vấn đề.
Lỗi Face ID không hoạt động trên iPhone X. |
Chỉ cách trước đó ít ngày, một số iPhone đã gặp phải trường hợp ứng dụng bị thoát ra, xuất hiện màn hình đen (respring) khi đang sử dụng, đồng thời thiết bị nóng hơn bình thường.
Cuối tháng 10, một số lỗi nhỏ cũng xuất hiện trên iOS 11 gây ảnh hưởng đến trải nghiệm, như gợi ý từ sai: khi gõ “it” chuyển thành “I.T”, gõ “is” chuyển thành “I.S”, gõ “I” sẽ được gợi ý thành “A[?]”. Thậm chí, với các phép toán đơn giản như 1+2+3 cũng cho kết quả là 24 thay vì 6.
Ngoài ra, một số trường hợp báo cáo iPhone thường xuyên bị đơ cảm ứng, pin sụt nhanh… nhưng không thể khắc phục. Trong đa số các trường hợp, họ đành “sống chung với lũ” và đợi bản cập nhật mới từ Apple.