Bạn sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ đắt tiền vì bạn nhầm lẫn giữa việc trông có vẻ giàu có và sự giàu có thực sự.

Trên Business Insider, Eric Roberge, chuyên gia lập kế hoạch tài chính, người sáng lập website Beyond Your Hammock đã nói về những sai lầm mà chúng ta thường mắc phải ở tuổi 30 hoặc trên con đường xây dựng sự giàu có cho mình.

bay-tai-chinh-ma-phan-lon-moi-nguoi-mac-o-lua-tuoi-ba-muoi

Eric Roberge cho rằng chi tiêu cho các dịch vụ đắt tiền là cái bẫy mà nhiều người ở lứa tuổi 30 mắc phải – Ảnh: Dina Konovalov

Rất nhiều người ở lứa tuổi 30 đã mắc phải cái bẫy này: Bạn sống trong một ngôi nhà đẹp bởi vì cuối cùng bạn đã đủ tiền để kiếm được một chỗ ở như thế. Bạn nhìn đồng nghiệp hay hàng xóm…, thấy họ có những món đồ thú vị hoặc những kỳ nghỉ xa hoa, bạn tin rằng họ giàu có. Thế nhưng, bạn có đoán ra điều gì không? Họ không hề giàu.

Nếu bạn nhìn vào tài khoản ngân hàng và các báo cáo tài chính của họ, bạn có thể thấy rằng họ đang chi tiêu nhiều hơn khả năng tài chính của mình. Họ lại đang là tấm gương để bạn noi theo khi xây dựng sự giàu có cho mình. Bạn sao chép lại những gì họ làm và kết quả là bạn cũng như họ: tiêu nhiều hơn khả năng tài chính thực tế của mình. Bạn trông có vẻ giàu có nhưng bạn sẽ không thể trở nên giàu có thực sự.

Bạn nên nhớ trông giàu có khác với giàu có thực sự

Bạn tin rằng, một ngày nào đó bạn sẽ giàu và bạn chỉ cần bắt đầu hành động như một người giàu từ bây giờ, trong khi thực tế, bạn mới đang trên con đường đi đến sự giàu có.

Hành động giống người giàu hôm nay chính là điều sẽ ngăn cản bạn trở nên giàu có sau này. Phần lớn những người chi tiêu nhiều không có nhiều tiền (trừ khi họ xuất thân trong một gia đình siêu giàu). Văn hóa, xã hội ngày nay khiến tất cả chúng ta đều trải qua áp lực “bằng anh bằng em”. Thật khó để tảng lờ những gì gia đình, bạn bè và người xung quanh đang làm, những lời mà các nhà quảng cáo nói ta nên làm để được hạnh phúc.

Nếu cố ngang bằng với mọi người và tiếp tục chi tiêu, bạn sẽ kết thúc trong cuộc đua không bao giờ dừng này với một tài khoản ngân hàng cạn kiệt.

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn không bội chi nhưng lại tiêu hết số kiếm được?

Bạn thông minh để không tiêu nhiều hơn kiếm được nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn kiếm được 5.000 đôla/tháng và bạn tiêu đến đồng xu cuối cùng trong đó?

Bạn sẽ không có lựa chọn thứ hai khi toàn bộ nguồn tài chính của bạn đã bị tận dụng. Bạn không có một mạng lưới an toàn nào. Khi có điều gì đó thay đổi, kế hoạch tài chính của bạn sẽ sụp đổ.

Vấn đề là mọi thứ đều thay đổi. Chúng ta sẽ phải đối diện với những chi phí phát sinh bất ngờ khi mọi việc không đi theo kế hoạch. Vì vậy, bạn cần có kế hoạch để đối phó với những bất ngờ, có nghĩa là bạn cần tiết kiệm để có tiền trong những thời điểm cuộc sống không như ý.

Vì thế, lời khuyên tốt nhất của tôi: Hãy tiêu ít hơn bạn kiếm được.

Nếu tiêu bằng mức kiếm được, bạn vẫn đang chi tiêu quá nhiều. Tưởng tượng bạn xây một lâu đài cát và bạn lấy sàng để vận chuyển cát. Khi bạn mang cát đến nơi mình muốn xây thì tất cả cát đã rơi khỏi sàng. Điều đó cũng xảy ra khi bạn sống bằng với khả năng kiếm được của mình.

Vì thế lời khuyên của tôi cho những ai đang ở lứa tuổi 30 hoặc đang cố gắng làm giàu là: Hãy sống dưới khả năng của mình càng nhiều càng tốt. Vì để đạt được tự do tài chính hoặc bất kỳ mục tiêu tài chính quan trọng nào, bạn đều cần phải tiết kiệm tiền.

Chắc chắn một ngày bạn sẽ phải nghỉ việc, dù tự nguyện hoặc buộc phải nghỉ (do tuổi tác, sức khỏe…). Nếu bạn chưa kịp xây dựng một nguồn thu nhập khác, bạn sẽ không còn tiền để lo cho cuộc sống của mình.

Bạn cần tạo ra những tài sản (bất động sản, doanh nghiệp…) để có thể tạo ra thu nhập. Số tiền đầu tư ban đầu chính từ khoản tiết kiệm của bạn.

Sau đó, tạo thặng dư từ dòng tiền của bạn và dùng nó để làm giàu.

Việc đầu tiên bạn cần làm là thiết lập một tỷ lệ tiết kiệm. Số tiền còn lại sau khi đã trích tiết kiệm là số tiền bạn có thể chi tiêu. Tỷ lệ tiết kiệm cơ bản là 20% thu nhập. Nếu bạn muốn nhanh giàu hoặc nghỉ hưu sớm, tỉ lệ này ít nhất phải là 30%. Bạn càng tiết kiệm nhiều thì thời gian của bạn càng được rút ngắn lại.

Sự thành công về mặt tài chính không phải là không chi tiêu bất kỳ khoản tiền nào và trở thành một người giàu có bần tiện, vơ vét mọi đồng xu. Bạn nên nhớ tiền là một công cụ và công cụ có nghĩa là cần được sử dụng hiệu quả. Đó là tận dụng tối đa mỗi đồng bạn chi tiêu.

Bạn hãy tìm ra những gì bạn coi trọng và dùng tiền cho việc đó, hoặc nhận ra khi tiêu nhiều hơn không mang cho bạn nhiều trải nghiệm hơn. Ví dụ, bạn vào một quán bar và gọi một ly vang đỏ mà mọi người cùng thích. Nhân viên cho bạn hai chai để chọn: một loại 25 đôla và một loại 10 đôla. Cả hai đều giúp bạn linh hoạt và dễ hòa nhập vào đám đông. Bạn mua một chai 10 đôla nhưng vẫn được trải nghiệm những giá trị mà chai 25 đô lại mang lại.

Tức là bạn vẫn có thể sử dụng tiền vào những việc bạn muốn và vẫn nhận được những giá trị từ nó. Đồng thời bạn cũng còn nhiều tiền trong túi hơn, so với việc chọn mặt hàng đắt hơn vì chỉ để trông có vẻ giàu.

Bây giờ, hãy nghĩ đến những quyết định tương tự về các kỳ nghỉ, thậm chí là mua nhà. Bạn có thể tiết kiệm được nhiều tiền mà không ảnh hưởng đến kinh nghiệm sống và giúp bạn thành công về mặt tài chính.

Hoàng Anh

vnexpress

BÌNH LUẬN