Bố mẹ có thể dạy cho con thông qua các hoạt động tương tác hàng ngày hoặc bằng những câu chuyện kể song ngữ.

Trong khi hầu hết các bậc phụ huynh ngày nay đều hiểu được ý nghĩa của việc cho con học ngoại ngữ nhưng bắt đầu từ đâu và như thế nào, hay việc trẻ tiếp cận tiếng Anh sớm có phải lợi bất cập hại không? Các chuyên gia giáo dục đã giúp bố mẹ phần nào tìm ra câu trả lời thông qua buổi tọa đàm Kích hoạt tiếng Anh cho con từ sớm – Tại sao không được tổ chức cuối tuần qua tại TP HCM.

tre-lam-quen-voi-ngoai-ngu-co-the-bat-dau-tu-khi-hoc-noi

Cô Hoàng Mai trong buổi tọa đàm về dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non do Phúc Minh Books tổ chức.

Cô Hoàng Mai, Nguyên hiệu trưởng trưởng Mầm non thực nghiệm thuộc trường Cao đẳng sư phạm trung ương – TP HCM, cho biết, trẻ nhỏ 0-6 tuổi là “giai đoạn vàng” để phát triển toàn diện, đặc biệt là ngôn ngữ. Các bé có thể học được nhiều hơn so với bố mẹ tưởng tượng, không chỉ với tiếng Việt mà với cả tiếng Anh hay các ngoại ngữ khác. Vì vậy, bố mẹ nên cho bé học từ những gì gần gũi, hiện diện xung quanh bé và đặc biệt là các câu chuyện kể. Thế giới trong những cậu chuyện cổ tích, ngụ ngôn không chỉ giúp các bé giàu thêm trí tưởng tượng.

“Khi được nghe bố, mẹ, cô giáo… kể chuyện, vốn từ của bé cũng tăng lên nhanh, đặc biệt là những từ ngữ giàu tính nhạc điệu, gợi hình… Đối với các bé, cha mẹ nên thường xuyên đọc sách và tương tác cùng con. Sẽ rất hiệu quả nếu bạn cầm một quyển sách ngụ ngôn hoặc cổ tích để dạy cho bé từ ngữ thông qua hình ảnh. Hoặc bạn đọc cho bé nghe các câu truyện song ngữ với quyển truyện màu sắc vui nhộn thì bé sẽ nhớ rất nhanh. Cho dù không biết chữ nhưng bé có thể ghi nhớ từng từ thông qua các hình ảnh minh họa trong quyển truyện ấy”, cô Hoàng Mai cho biết.

Chị Diễm Hồng, một giáo viên tiếng Anh, cũng là phụ huynh có con nhỏ, chia sẻ ngoại ngữ cũng là ngôn ngữ và trẻ có khả năng bắt chước, ghi nhớ tuyệt vời. Vì trẻ không cần phân biệt đâu là tiếng Việt, đâu là tiếng Anh mà đơn giản là bé nghe, thấy, rồi nói lại. Tiếng Việt bé được học khi nào thì tiếng Anh (hay bất kì ngôn ngữ nào khác) cũng có thể học lúc đó.

Theo cô giáo Diễm Hồng, trẻ từ khi sinh ra đến trước lúc biết nói đã bắt đầu học ngôn ngữ. “Bé nghe, nghe hàng ngày và nghe mọi người xung quanh nói. Nên nếu bé nghe giọng Nam thì bé sẽ nói giọng Nam, nghe giọng Trung thì nói giọng Trung, nghe giọng Bắc thì nói giọng Bắc. Việc nghe đối với người mới bắt đầu học một ngôn ngữ rất quan trọng. Nghe đúng – nói đúng. Nghe sai – nói sai. Nghe giọng Mỹ – nói giọng Mỹ…”.

tre-lam-quen-voi-ngoai-ngu-co-the-bat-dau-tu-khi-hoc-noi-1

Bố mẹ có thể cho trẻ làm quen với tiếng Anh ngay khi bắt đầu học nói.

Cô giáo tiếng Anh này cho rằng phương pháp tiếp cận có vai trò quan trọng khi dạy ngoại ngữ cho trẻ. Học theo từng chủ đề sẽ giúp bé dễ xâu chuỗi và dễ nhớ hơn. Học mọi lúc mọi nơi khi nào bé hứng thú, học kiểu lặp đi lặp lại. Khi nói với bé bất cứ từ nào, bạn phải chắc rằng mình đã phát âm đúng. Chẳng hạn, khi tắm cho bé, bạn hãy cầm những vật dụng trong nhà tắm và gọi tên tiếng Anh của từng món. Rồi bạn yêu cầu bé lấy cho bạn cái bàn chải đánh răng bằng tiếng Anh… Hay cả nhà mình cùng tập thói quen là nói “Good night” với các thành viên trong gia đình trước khi đi ngủ. Cứ như vậy, bé sẽ nhớ và áp dụng được ngay. Những kiến thức đó bạn có thể tự trang bị trước cho mình thông qua sách hoặc internet.

“Bố mẹ cũng đừng ép con phải trả lời hay phản xạ lại ngay khi mình nói. Có thể bé không nói ra nhưng bé vẫn đang nghe bạn nói. Một ngày đẹp trời, bạn sẽ ngạc nhiên và hạnh phúc với những gì bé nói cho xem. Giống như khi con bạn còn nằm trong nôi vậy, bé nghe thôi, nhìn bạn nói thôi, nhưng đến một hôm nào đó bé bật ra, nói với bạn, hạnh phúc lắm. Nhưng nghe xem, từ ngữ, giọng điệu của bé là những gì bạn và mọi người xung quanh từng nói với bé đó. Nên nếu bạn dạy tiếng Anh cho con mà không chuẩn thì bé cũng trả lại cho bạn một sản phẩm như thế”, chị Diễm Hồng chia sẻ.

Hà Minh

ngoisao

BÌNH LUẬN