“Món đó đang giảm giá”, “Tôi thưởng cho sự cố gắng của mình”… là lý do khiến tiền của bạn đội nón ra đi.
Nhiều lần, tiền trong ví, tài khoản bỗng ra đi vèo vèo trong khi bạn vác về nhà rất nhiều đồ mà mình thực sự không cần đến. Đó là lý do vì sao bạn cần ngừng viện vào các cớ dưới đây để tiêu xài phóng tay, theo WiseBread:
“Vì tôi xứng đáng”
Sau một ngày dài ở cơ quan, bạn quyết định ghé cửa hàng yêu thích, tự nhủ mình xứng đáng có một món đồ động viên tinh thần vì đã chăm chỉ làm việc – dù chưa đủ tiền. Hay sau khi hoàn thành một dự án lớn, bạn đi nghỉ một chuyến xa xỉ dù nợ thẻ tín dụng bởi nghĩ thỉnh thoảng bản thân đáng được xả hơi.
Mua thứ gì đó mình không đủ khả năng có thể khiến bạn sung sướng phút chốc nhưng khoản nợ đi kèm sẽ sớm tạo cảm giác gánh nặng. Vậy phần thưởng ở đâu?
Cách tránh: Nếu bạn nghĩ mình xứng đáng với thứ không đủ khả năng mua, bạn sẽ sớm nhận tác dụng phụ. Thứ bạn xứng đáng là cảm giác bớt căng thẳng và nhiều hạnh phúc hơn. Có nhiều cách để thưởng cho sự chăm chỉ của bản thân mà không cần tiêu tiền. Đi dạo chơi với bạn bè, xem chương trình TV mình yêu thích hay đơn giản là ngồi đếm những niềm vui.
Mỗi lần phải đấu tranh với cảm xúc mình xứng đáng sắm thứ gì đó, hãy dành một phút viết danh sách những thứ bạn biết ơn vì mình đã có.
Ảnh minh họa: KiwiReport. |
“Món đó đang giảm giá”
Chuyện một món đồ giảm giá thường là cái cớ xuất sắc cho việc mua sắm – nhất là những người tự cho mình là biết tính toán, cân nhắc. Không may là, các nhà bán lẻ hiểu rất rõ điều này và họ biết đưa ra các con số nhằm khiến bạn có cảm giác như mình mua được món hời, trong khi thực tế không hẳn vậy.
Cách tránh: Thứ nhất, tránh các tình huống có thể dụ dỗ bạn tiêu quá tay vì thấy giá giảm. Hạn chế lướt mạng, các trang mua sắm, quảng cáo, không đăng ký nhận thư thông báo các dịp khuyến mãi…
Với những người khó áp dụng cách này, hãy hỏi chính mình 3 câu về sản phẩm giảm giá bạn đang muốn mua: Bạn có thực sự cần món đồ? Bạn sẽ mua nó kể cả không giảm giá? Bạn có đủ tiền để mua?
Trừ phi câu trả lời cho cả 3 câu trên đều là “có”, hãy đặt món đồ xuống và đi chỗ khác.
“Trước sau gì tôi cũng mua nó”
Khi muốn mua một món đồ, bạn tự bảo mình là đằng nào cũng cần tới nó nên việc mua luôn vừa tiện vừa tiết kiệm (khi đồ đang giảm giá).
Nhưng không may là, chúng ta rất giỏi tự dối mình về việc liệu ta có thực sự cần mua một món đồ cho thời điểm nào đó trong tương lai không. Bạn mua một đôi bốt đi mưa thật đẹp vào ngày nắng vì tự bảo mình rằng thể nào chẳng có lúc cần. Nhưng rõ ràng bạn chưa lập tức cần đến đôi bốt đó. Bạn nói mình cần chỉ vì bạn muốn mua thôi.
Cách tránh: Cớ này là cách để giả vờ rằng thứ bạn muốn là thứ sẽ cần. Để xác định giữa muốn và cần, bạn chỉ cần trì hoãn việc mua sắm ít nhất 24 tiếng. Sau thời gian đó, nếu còn muốn mua món đồ thì hãy quyết định.
“Tháng trước tôi đã tiết kiệm tốt nên tháng này có thể phóng tay chút”
Bạn đã thắt lưng buộc bụng bằng cách bắt xe bus thay vì đi Uber, uống cà phê sẵn có ở cơ quan thay vì vào quán và từ chối cả đi ăn uống với bạn bè. Và giờ bạn cho phép mình tận hưởng thành quả.
Vấn đề là phép thắng lợi tinh thần này tương tự như cái cớ mà những người ăn kiêng và tập thể dục dùng khi họ giảm được vài lạng. Nếu bạn nghĩ tiết kiệm là hành vi tốt và bạn đã thực hiện được tháng trước thì sao lại tìm ra cớ để cho phép mình vung tay quá trán?
Cách tránh:
Ai cũng nên có ngân sách hay kế hoạch chi tiêu sao cho phù hợp với điều kiện sống của mình về lâu dài. Nhờ đó, bạn sẽ không quá thiếu thốn mà vẫn đảm bảo sống dưới mức thu nhập. Việc này cũng giúp bạn biết tiêu vào những thứ quan trọng nhất và cắt giảm những thứ không cần thiết.
“Đó là ngày lễ mà”
Thật vui khi tiêu tiền để ăn mừng những ngày lễ và tặng quà cho người thân, bạn bè. Não của chúng ta sẽ giữ cảm xúc tuyệt vời này bằng cách thuyết phục ta rằng tiêu tiền cho những thứ như vậy là hành động cao đẹp khi mang lại niềm vui cho những người mình yêu thương.
Nhưng hậu quả từ việc vung tay quá trán cho kỳ nghỉ lễ sẽ đến sớm. Những người thân yêu hẳn chẳng thích thấy bạn ngập trong các khoản nợ hoặc không còn đồng tiết kiệm nào chỉ vì đã dành tiền mua hết quà cho họ.
Cách tránh:
Cách tốt nhất để ngừng viện cớ này là thừa nhận điều bạn thực sự có được từ việc tiêu tiền cho quà tặng, trang trí, thức ăn hay các truyền thống khác vào dịp lễ. Bên cạnh việc muốn tạo ra những ký ức đẹp đẽ cho người thân, hẳn bạn cũng mong nhận lại được những điều tương tự?
Khi nhận ra điều này, bạn có thể nghĩ ra các cách khác để có được các cảm giác tương tự mà không cần tốn quá nhiều tiền.
Vương Linh