Nghệ sĩ hai nước hòa giọng trong những ca khúc nổi tiếng, thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt.
Tối 6/11, chương trình nghệ thuật “Tình khúc bạch dương” diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Đêm diễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam tổ chức.
Phần trình diễn của NSND Quang Thọ (trái), NSND Krygina Nadezhda (phải), Nghệ sĩ Công huân Pyanov Vasily trên sân khấu Nhà hát Lớn, Hà Nội. |
Khán giả đến với đêm nhạc phần lớn là thế hệ người Việt sống, học tập và làm việc tại Nga. Trên sân khấu, NSƯT Bùi Công Duy chia sẻ gần 16 năm sinh sống ở Nga, xứ sở bạch dương đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Thông qua những ca khúc, ký ức về thiên nhiên, tình cảm con người Nga khơi dậy trong nghệ sĩ nhiều kỷ niệm đẹp.
Tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh chia nội dung chương trình theo ba chủ đề. Phần một: Những mùa đông trắng, phần hai: Ký ức chiều, phần ba: Thu vàng. Đêm diễn góp mặt nghệ sĩ nổi tiếng của hai nước như Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quang Thọ, NSND Kiều Ngân, NSND Krygina Nadezhda, Nghệ sĩ Công huân Pyanov Vasily, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bùi Công Duy, NSƯT Quốc Hưng
Chương trình mở màn bằng những tiết mục tái hiện cảnh sắc thiên nhiên, không gian mùa đông nước Nga như ca khúc Cánh đồng Nga, Cây thùy dương, múa ballet Hồ thiên nga…
Ở phần Ký ức chiều, không gian thành phố Matxcơva hiện lên bình yên qua những bản tình ca. Cả khán phòng lắng đọng trong ca khúc Chiều Matxcơva, Giờ này anh ở đâu, Đôi bờ. Với phần thể hiện ca khúc Đàn sếu, NSND Krygina Nadezhda gây nhiều xúc động cho khán giả khi gợi lại hình ảnh người chiến sĩ hy sinh hóa thành đàn sếu bay ngang bầu trời.
Mùa đông nước Nga được tái hiện trên sân khấu thủ đô. |
Điểm độc đáo của đêm diễn là những bản nhạc Nga được phối mới. Nhiều khúc nhạc dân ca Nga được phối bởi dàn nhạc giao hưởng, nhạc điện tử và nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Phần lớn tiết mục được hòa giọng bởi nghệ sĩ hai nước. Khác biệt về ngôn ngữ nhưng các nghệ sĩ có màn kết hợp ăn ý, tạo kết nối và sự đồng điệu trong những câu chuyện được kể bằng âm nhạc.
Đêm diễn kết thúc bằng chuỗi khúc khải hoàn ca. Không còn âm hưởng đau thương, những ca khúc hướng tới niềm hân hoan, tình yêu vào cuộc sống. Khán giả đứng dậy, vỗ tay, hòa giọng cùng các nghệ sĩ trong ca khúc Thời thanh niên sôi nổi.
Ngoài những ca khúc hát về đất nước, ngợi ca tinh thần nhân dân Nga, chương trình còn có nhiều bài hát trữ tình Việt như Việt Nam quê hương tôi, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Sông Lô chiều cuối năm, Hà Nội niềm tin và hy vọng…
Đêm diễn tiếp tục phục vụ khán giả tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào 20h, ngày 7/11.
Trọng Trường