Kem que, xe trượt tuyết, hệ thống chữ nổi là sản phẩm của những nhà phát minh nhí trong quá khứ.
1. Kem que
Năm 1905, cậu bé 11 tuổi Frank Epperson (San Francisco, Mỹ) đã khuấy hỗn hợp bột soda vào cốc nước và để quên ngoài hiên nhà vào một đêm rất lạnh. Sáng hôm sau, Epperson phát hiện món đồ uống đã biến thành thứ giống kẹo mút đông lạnh. Sau nhiều năm làm món này cho bạn bè và các con, Epperson nộp đơn xin cấp bằng sáng chế vào năm 1924.
Ảnh: Getty Images |
2. Hệ thống chữ nổi Braille
Louis Braille (1809-1852) phải chịu đựng chấn thương về mắt nghiêm trọng khi mới 3 tuổi. Tai nạn không chỉ khiến cậu bé Pháp mất thị lực một bên mà dần lây lan sang mắt còn lại. Sau hơn một thập kỷ đấu tranh với việc lần dò ngón tay trên chữ dập nổi trong sách ở trường, năm 12 tuổi, Braille học được cách trao đổi thông tin bí mật trong quân đội Pháp bằng hệ thống chữ 12 chấm. Ông đơn giản hóa hệ thống này và cho ra đời hệ thống chữ nổi Braille năm 1824 với 6 chấm.
Cuộc cách mạng hóa hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị được tiếp tục bởi một thiếu niên khác. Năm 2014, Shubham Banerjee (12 tuổi, người Mỹ gốc Ấn) đã tạo máy in chữ nổi Braigo và bán với mức giá 200 USD, khiến giá thành trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với mức 2.000 USD trước đó.
3. Tấm bạt lò xo (trampoline)
Ảnh: Getty Images |
Là vận động viên thể dục tuổi thiếu niên, George Nissen (Mỹ) và huấn luyện viên đã tạo ra một dụng cụ đàn hồi giúp phát triển sức mạnh và độ bật cao để thực hiện cú lộn ngược. Ban đầu được làm từ thép phế liệu và săm ôtô, tấm bạt về sau được phát triển thành phiên bản mà ông gọi là “trampoline”, trở thành môn thể thao trên toàn thế giới.
Một câu chuyện thú vị liên quan là vào những năm 1950, các trạm xăng đã mua các tấm bạt này, giúp trẻ em có thêm năng lượng trong khi đợi bố mẹ đổ xăng.
4. Đèn Giáng sinh
Trước khi đèn điện được phát minh, nhiều người trang trí cây thông Noel bằng nến. Điều gì sẽ xảy ra nếu những ngọn lửa bén vào cành cây khô và lá kim được đặt bên trong nhà bạn? Tuy nhiên, ngay cả khi đèn điện ra đời, người ta thậm chí còn lo cháy nhà do nổ điện hơn.
Đến năm 1917, Albert Sadacca (15 tuổi) tận dụng niềm tin của mọi người khi điện trở nên phổ biến. Trước thời điểm đó, những người đủ dũng cảm để thử đèn điện cho cây thông Noel đã phải bỏ ra khoản tiền tương đương 2.000 USD ngày nay. Sadacca có ý tưởng tạo ra bộ đèn Giáng sinh giá phải chăng và sản xuất bởi công ty đèn trang trí của bố mẹ. Nhờ sáng tạo của cậu bé Mỹ năm đó, mùa lễ hội hiện nay không thể thiếu những ánh đèn màu rực rỡ.
5. Xe tải đồ chơi
Năm 1962, cậu bé Mỹ 5 tuổi Robert Patch đã sử dụng hai hộp đựng giày và vài nắp chai để tạo ra một phương tiện vận tải có thể chuyển đổi thành ba loại khác nhau: xe ben, xe tải sàn phẳng và xe tải thùng kín.
Cha ông, một luật sư sở hữu trí tuệ đã nhìn thấy tiềm năng và đề nghị cấp bằng sáng chế cho con trai mình. Robert Patch trở thành người nhỏ tuổi nhất từng có bằng sáng chế vào thời điểm đó, năm 6 tuổi. Ông ký tên với một chữ “X” vì vẫn chưa biết cách viết.
6. Xe trượt tuyết
Joseph-Armand Bombardier (Quebec, Canada) luôn thích mày mò tháo lắp và sửa chữa máy móc. Giao thừa năm 1922, ông muốn gây ngạc nhiên cho gia đình bằng phát minh mới. Đó chính là xe môtô đầu tiên có thể đi trên tuyết. Em trai Bombardier điều khiển xe này đi được quá nửa dặm.
Nhà phát minh 15 tuổi tiếp tục hoàn thiện sản phẩm trong nhiều năm. Đến năm 1959, ván trượt tuyết Ski-Doo siêu nhẹ ra đời.
7. Thiết bị giao tiếp dưới nước
Năm 1996, cậu học sinh lớp 5 Richie Stachowski (California, Mỹ) phát minh ra Water Talkie, một thiết bị cho phép nói chuyện dưới nước. Đó là một đột phá, khiến Stachowski có động lực mở rộng dòng sản phẩm của mình bởi công ty riêng, đặt tên là Short Stack. Năm 1999, doanh nhân 13 tuổi bán Short Stack cho một công ty đồ chơi có trụ sở tại San Francisco.
8. Bịt đeo tai giữ ấm
Thời tiết ở Maine (Mỹ) trở nên lạnh dần khiến Chester Greenwood phát minh ra dụng cụ giữ ấm tai vào một ngày mùa đông năm 1873, khi ông 15 tuổi.
Ảnh: Getty Images |
Greenwood yêu thích trượt băng trên những hồ nước đông cứng giữa mùa đông, nhưng việc dị ứng len khiến ông không thể đội chiếc mũ ấm áp có phần phủ tai như bạn bè. Ông nhờ bà của mình khâu các mảnh vải flannel hoặc lông hải ly lên một số dây kim loại có thể bẻ cong, ôm sát đầu. Mười năm sau, Greenwood sở hữu nhà máy sản xuất bịt tai giữ ấm, cung cấp 50.000 sản phẩm mỗi năm.
Ông còn được vinh danh bằng ngày Chester Greenwood, thứ bảy đầu tiên của tháng 12.
9. Siêu nhân
Một đêm mùa hè nóng nực năm 1934, Jerry Siegel (Mỹ) cảm thấy khó ngủ. Cậu thiếu niên khi đó nghĩ vẩn vơ về các câu chuyện khoa học viễn tưởng yêu thích. Nhìn ngắm mặt trăng bên ngoài cửa sổ, Siegel chợt nảy ra ý tưởng riêng. Ông vội ghi chú lại và đợi trời sáng để chạy đến thăm người bạn Joe Shuster, một họa sĩ.
Các bản phác thảo ra đời nhờ sự sáng tạo của cả hai. Bốn năm sau, họ tìm được một nhà xuất bản truyện tranh và cho đến hôm nay, siêu nhân là một trong những nhân vật siêu anh hùng nổi tiếng nhất thế giới.
10. Chân vịt lặn
Vào đầu những năm 1700, một cậu bé 11 tuổi yêu thích bơi lội đã phát hiện ra mình có thể bơi dễ dàng hơn nếu diện tích bề mặt đẩy nước tăng lên. Cậu đã chế tạo những chiếc vây bơi cầm tay, bản chất là những tấm ván hình bầu dục có lỗ thủng ở giữa để cho tay vào. Sản phẩm tương tự được tạo ra cho hai chân nhưng do không hài lòng với thiết kế vụng về nên cậu nhanh chóng bỏ đi.
Những chiếc vây bơi chỉ là một trong những sản phẩm của nhà phát minh tài năng người Mỹ Ben Franklin (1706-1790), cha đẻ của bếp lò, đồng hồ đo đường, cột thu lôi, hai tròng (kính đeo mắt)…