Người Mỹ quan niệm một người đáng ngưỡng mộ, ngoài học tốt ra thì phải khỏe mạnh, tháo vát, thân thiện, tính cách đàng hoàng.

Để hồ sơ du học của con được chú ý, nhiều cha mẹ đã ngộ nhận bởi chưa hiểu văn hóa và cách đánh giá trong nền giáo dục Mỹ. Chị Bích Hậu chia sẻ những cách làm hồ sơ nổi bật từ kinh nghiệm xin học bổng cho con trai.

Tìm sự khác biệt, thể hiện cá tính

Nhiều cha mẹ thắc mắc làm sao có một bộ hồ sơ nổi bật cho con trong khi muốn giành học bổng trung học Mỹ. Ở đây cần đặt lại góc nhìn về sự trưởng thành của một học sinh Việt Nam so với một học sinh Mỹ.

Nhìn bề ngoài các cháu trai ở Việt Nam cùng tuổi với các cháu trai Mỹ nhưng có vẻ ngoan hơn, không quá nghịch ngợm, không ồn ào náo nhiệt. Tuy nhiên, khi nói chuyện và giao tiếp, các bạn sẽ thấy nhiều điểm khác biệt.

Nhìn chung học sinh Mỹ già hơn trong suy nghĩ, có tính cách rất độc lập và đưa ra ý kiến riêng cho mọi vấn đề được đặt ra trong cuộc giao tiếp.

lam-ho-so-du-hoc-noi-bat-dung-cach

Cần tạo sự nổi bật trong hồ sơ xin học bổng du học trung học Mỹ. Ảnh minh họa

Có lần tôi đến chơi vài ngày tại gia đình một người Mỹ ở tiểu bang GA thì có một cậu bé 12 tuổi tới nhà chơi. Cậu chào tôi, chủ động bắt tay rồi nói “Xin chào bà, tôi tên là Jimmy, nhà ở gần đây. Tôi tới đây chơi cùng với bạn gái cùng lớp, chúng tôi sẽ chơi bóng chiều nay”. Cậu cho tôi có cảm giác gặp một người ngang hàng chứ không phải một thiếu niên.

Bởi thế nên một chương trình mà người Việt Nam mới làm quen gần đây là hội nghị mô phỏng của Liên Hợp Quốc, ở trường của con trai tôi khi đó là dành cho học sinh lớp 7. Khi tham gia, các cháu thuyết trình rất say sưa về vấn đề buôn người, nạn khủng bố, tệ mại dâm, chiến tranh hạt nhân… Học sinh Mỹ ngay từ nhỏ đã được rèn khả năng tự học, tự nghiên cứu chuyên sâu nên nếu một cháu đã giỏi cái gì thì rất xuất sắc ở lĩnh vực đó.

Trở lại với việc làm một hồ sơ sao cho nổi bật. Người Mỹ thực sự không muốn đọc một hồ sơ với thành tích dàn hàng ngang, na ná nhau, có vẻ như được tạo ra hay do một công ty du học hoặc trung tâm tư vấn nhào nặn. Họ muốn có hồ sơ của một học sinh có cá tính, có tầm nhìn, của một con người tinh hoa. Những điều này thể hiện rõ ràng trong bộ hồ sơ đã được thiết lập.

Muốn tạo ra một bộ hồ sơ nổi bật, cha mẹ phải suy nghĩ và đầu tư rất nhiều cho con mình. Đó là chọn ra những gì là thế mạnh của con, đi sâu vào thế mạnh đó, tạo ra những điểm khác biệt.

Chẳng hạn năng khiếu Piano, ngay cả khi cháu không có các giải thưởng lớn nhưng hỏi gì về âm nhạc, về các nhạc sĩ, về niềm đam mê, cháu phải nói được. Hoặc cho con chơi thể thao thì việc nâng cao kỹ năng của cháu sẽ như thế nào, trong suốt quá trình theo đuổi môn thể thao đó, cháu đã nỗ lực và kiên trì ra sao.

Về điểm số, tất nhiên tốt nhất là điểm trung bình tất cả môn của các cháu tối thiểu phải là 9, quy sang điểm của Mỹ đây là điểm A thôi. Hồ sơ của các cháu Mỹ toàn điểm A+, tức là từ 95-100 điểm (thang điểm 100).

Không phí thời gian cho các cuộc thi vô bổ

Nhiều phụ huynh chia sẻ với tôi băn khoăn về độ cạnh tranh của hồ sơ xin học bổng du học cho con, nhất là phần học thuật. Nhiều người thắc mắc “Những giải thưởng từ cấp quận, cấp thành phố cho tới quốc gia và quốc tế cũng như việc các cháu theo học lớp chuyên thì có ý nghĩa gì dưới con mắt của nhà tuyển sinh hay không?”.

Trong khi để có được nó, cha mẹ và con phải chạy sô học thêm, thời gian thì không có bao nhiêu, trong khi các điểm SAT, SSAT và tiếng Anh chưa đâu vào đâu. Vậy làm thế nào?

Trường học ở Mỹ tôn trọng mọi thành tích mà bất cứ đứa trẻ nào đạt được, có điều cách của họ nghĩ khác với Việt Nam trước các giải thưởng học thuật liên quan tới Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa hay Công nghệ thông tin.

Trong suốt những năm con trai tôi theo trung học, trường của cháu thường tuyên dương học sinh đạt thành tích thể thao, văn nghệ hay hoạt động cộng đồng mà ít tuyên dương thành tích học thuật. Nếu đội tuyển của trường đi thi đấu thể thao được giải vô địch tiểu bang hay vô địch quốc gia thì đảm bảo cả trường từ thầy đến trò cho tới phụ huynh vô cùng sung sướng, nhảy nhót tưng bừng.

Bởi người Mỹ quan niệm học thì tốt thôi, các môn khoa học này nọ tốt thôi, nhưng mà học để làm gì mới là vấn đề. Năng khiếu học tốt thì cũng có khác gì năng khiếu nhảy múa, hát ca, thể thao. Trong khi học tốt thì chưa chắc sống được nếu “học gạo”, trong khi nhảy múa, hát ca, thể thao thì lại giúp người khỏe mạnh, yêu đời, có năng lượng để sống.

Một người đáng ngưỡng mộ, ngoài học tốt ra thì phải khỏe mạnh, tháo vát, thân thiện, tính cách đàng hoàng. Chả ai thích một người vì học giỏi mà lưng còng, mắt cận, béo phì, lờ đờ, không có sở thích nào để có thể cùng mọi người chia sẻ, kết nối quan hệ.

lam-ho-so-du-hoc-noi-bat-dung-cach-1

Trường trung học Fairmont Private School ở bang California (Mỹ). Ảnh: kienthucduhocmy.com

Kỳ thi học sinh giỏi bên Mỹ cũng rất… tài tử. Chẳng hạn, kỳ thi toán của Hiệp hội Toán học Mỹ, cháu nào thích thì đăng ký, họ cho điểm thi gần nhà nhất, tới đó mà thi. Thi đậu thì thi lên cao hơn. Hoàn toàn không có trường chuyên lớp chọn nào luyện cả.

Thi hết vòng này sang vòng khác, tới vòng thi quốc gia thì sẽ chọn khoảng 20 cháu vào vòng chọn thi quốc tế. Chọn xong cho 20 cháu này đi cắm trại với nhau hai tuần, vừa chơi vừa học, vừa thưởng thức đời sống. Cuối kỳ chọn ra tám cháu đi thi.

Ở Mỹ có nguyên một kỳ thi Toán mà chỉ cho đề qua thư, các cháu tự về nhà làm trong một tháng và nộp, khỏi cần thi trong phòng có giám thị.

Nói vậy để các bạn hiểu rằng người Mỹ vẫn coi trọng thành tích và sự nỗ lực của các cháu, nhưng họ muốn tìm ra những con người có khả năng tự tạo ra động lực cho bản thân, tiến xa trong con đường khoa học, nghệ thuật mà mình chọn nhiều hơn. Đó mới là người ưu tú, xứng đáng trao học bổng. Đây là mấu chốt trong phương pháp giáo dục của một quốc gia có nền giáo dục nhân bản và khai phóng.

Hiện có một số phụ huynh đầu tư cho con thi một loạt cuộc thi quốc tế ở khu vực để làm đẹp hồ sơ. Nhưng khi tôi thử tra tên các cuộc thi này trên mạng thì thấy nó rất là bé và chả có tiếng tăm gì, hoặc tìm mãi không thấy thông tin. Một số cháu được giải do thầy biết kiểu dạng đề và “luyện chưởng”.

Các giải thưởng “quốc tế” kiểu này, người Mỹ thực sự không quan tâm. Do đó các cháu và cha mẹ đừng bỏ phí công sức và thời gian vào nó, nếu có đi thi thì nên tìm một cuộc thi danh giá.

Nguyễn Thị Bích Hậu

Nguồn: vnexpress

BÌNH LUẬN