Là một loại thực phẩm khá phổ biến nhưng có chắc bạn đã nắm được hết nguyên tắc khi chế biến nấm?
Nấm là loại thực phẩm khá dễ ăn và giàu chất chinh dưỡng. Chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Bạn có thể ăn nấm thay cho rau vì chúng bổ sung một lượng chất xơ khá dồi dào. Tuy nhiên, nấm cũng là một loại thực phẩm khá nhạy cảm với môi trường. Vì thế, chỉ cần một chút sai sót trong cách chế biến sẽ khiến nấm trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Đừng rửa nấm quá kĩ
Nấm được nuôi trồng ở môi trường chỉ toàn gỗ và mùn cưa, vì thế chúng khá an toàn và sạch sẽ cho người sử dụng. Khi chế biến nấm, bạn cũng không nên cọ rửa quá nhiều và mạnh tay bởi điều đó sẽ làm thất thoát chất dinh dưỡng trong nấm ra bên ngoài. Hơn nữa, khi rửa quá kĩ sẽ khiến tai nấm bị nát, bề mặt bị nhũn không còn nguyên vẹn. Lúc này, khi bạn chế biến nấm sẽ hút nước khiến chúng trở nên lạt lẽo và mềm nhũn mất ngon. Cách sơ chế nấm tốt nhất là mở vòi nước nhỏ rồi cho chảy đều lên thân nấm. Cẩn thận hơn, bạn có thể dùng khăn giấy mềm hoặc khăn ướt để lau sạch bề mặt nấm là được.
Đừng nên rửa nấm quá kĩ sẽ khiến chúng mất đi chất dinh dưỡng.
Sử dụng quá nhiều dầu ăn
Món nấm xào rất dễ chế biến mà cũng vô cùng thơm ngon. Tuy nhiên, khi xào nấm bạn cần cẩn thận bởi chúng rất dễ mắc lỗi. Theo đó, nấm là loại thực phẩm khá dễ thấm hút chất lỏng nên khi xào bạn đừng cho quá nhiều dầu ăn cũng như nước. Khi ấy, thân nấm hút rất nhiều dầu ăn làm cho món xào trở nên ngán ngấy, thực phẩm vào bụng thành ra khó tiêu và không tốt cho sức khỏe. Nếu cho nước quá nhiều, nấm sẽ bị lạt và mềm nhũn mất ngon.
Món nấm sẽ dở hơn rất nhiều nếu bạn sử dụng quá nhiều dầu ăn.
Tuyệt đối không dùng nồi nhôm để nấu nấm
Đây là điều vô cùng quan trọng mà khoa học đã khuyến cáo. Hoạt chất của nấm tác dụng với nồi nhôm sẽ khiến nấm bị ngả màu thâm đen. Do đó, bạn không nên dùng nồi nhôm để nấu các món nấm. Điều này còn khiến nấm sản sinh ra một số độc tố nhất định có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng. Chúng đôi khi khiến bạn khó thở, ngứa ngáy vì dị ứng đấy.
Chất liệu nồi cũng ảnh hưởng đến chất lượng nấm khi nấu.
Nướng nấm bằng lò là tốt nhất
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng cho biết, nướng và quay bằng lò vi-ba là phương pháp tốt nhất để duy trì tính chất chống oxy hóa của nấm. Các nhà khoa học lí giải: “Khi nấu nấm bằng lò vi sóng hoặc lò nướng, hàm lượng polyphenol và hoạt tính chống oxy hóa tăng đáng kể và không có thiệt hại đáng kể về giá trị dinh dưỡng của nấm. Các phương pháp chiên và đun sôi làm mất đi rất nhiều lượng protein và các hợp chất chống ôxy hóa, có thể là do nước làm trôi đi các chất hòa tan trong nước hoặc trong dầu, có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm”.
Nếu có thể bạn nên nướng nấm để đảm bảo hương vị.
Nhiệt độ vô cùng quan trọng khi chế biến nấm
Trong khi các loại thực phẩm khác có thể ăn sống hoặc làm tái thì riêng nấm phải nấu chín 100%. Điều đó giúp món ăn an toàn và bạn tránh được các nguy cơ ngộ độc thực phẩm không mong muốn. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, khi chế biến nấm cần đun sôi từ 5 đến 10 phút để nấm chín hẳn. Điều này giúp tiêu diệt các bào tử vi khuẩn ẩn chứa trong nấm và hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Một nguyên tắc khi chế biến nấm cần nhớ là, nấu lửa càng cao thì món nấm càng thơm ngon và đậm đà. Lửa thấp sẽ khiến nấm ra nhiều nước làm món ăn bị nhũn, mất đi mùi vị thơm ngon vốn có, ảnh hưởng đến độ thẩm mỹ của món ăn. Do đó, bạn nên để ngọn lửa lớn để chế biến nấm, vừa giúp món nấm được giòn dai, vừa có tác dụng giữ lại dinh dưỡng cho nấm.
Thực tế, không phải ai cũng biết chế biến nấm đúng cách, điều đó khiến món ăn luôn lạt lẽo và nhợt nhạt kém ngon. Món ăn nếu không được chế biến đúng điệu sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng. Vì thế, bạn cần chế biến kỹ theo như hướng dẫn bên trên là được nhé!
Theo Huy Khôi/Thethaovanhoa