Đến xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong) hỏi gia đình ông Lê Viết Tuế thì ai cũng biết, bởi mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi vịt đẻ khép kín: Nuôi vịt đẻ lấy trứng, ấp trứng, bán vịt con… Mô hình này đang được nhiều nông dân tham quan, học tập bởi sự tiện lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

hieu qua cao tu mo hinh nuoi vit de khep kin hinh anh 1

Ông Tuế chia sẻ kinh nghiệm cách chọn trứng đạt tiêu chuẩn trước khi đưa vào lò ấp

Tham quan trang trại của ông Tuế, chúng tôi thực sự bất ngờ trước quy mô và sự sắp xếp, quy hoạch khéo léo, khoa học. Trang trại được bố trí cạnh sông để vịt bơi lội tắm táp, khu chuồng trại được xây trải dài bao quanh tạo sự thoáng mát, sạch sẽ. Lò ấp trứng được xây tách biệt với khu chuồng trại để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho con giống.

Ông Tuế nhớ lại: “Cách đây gần 20 năm, khi chưa có điều kiện chăn nuôi rộng rãi như hiện nay, gia đình tôi đã tận dụng vườn ao của nhà để nuôi vịt đẻ lấy trứng, ấp vịt con. Tuy nhiên do số vốn ít ỏi, diện tích chăn thả ít cộng với kinh nghiệm không có nên quá trình nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Hồi đó lại chưa có lò ấp mà chỉ có cái bồ quây tròn, sau đó dùng trấu hoặc rơm lúa để ủ. Làm theo phương pháp truyền thống và thủ công nên tỷ lệ nở của trứng rất thấp, lúc cao nhất cũng chỉ đạt từ 50 – 60%, công sức bỏ ra thì nhiều mà lợi nhuận lại không được bao nhiêu”.

Không nản chí, ông đã tìm tòi học hỏi qua sách vở, kinh nghiệmcủa những người đi trước các kiến thức về kỹ thuật nuôi vịt đẻ và quy trình ấp trứng công nghiệp. Sau khi nắm vững kỹ thuật, ông đầu tư toàn bộ nguồn vốn của gia đình mua 3 lò ấp trứng công nghiệp tại Hà Nội với giá 30 triệu đồng/ lò, xây dựng mô hình trang trại nuôi vịt đẻ với số lượng lớn.

Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, ý thức vệ sinh phòng dịch chu đáo, đến nay trang trại rộng hơn 3.000 m2 với hơn 1.000 con vịt đẻ của ông nhiều năm liền không xảy ra dịch bệnh.

Dẫn chúng tôi tham quan khu chuồng trại với gần 1.000 con vịt đẻ và 3 lò ấp trứng quy mô, ông Tuế cho biết, hàng năm ông thả nuôi gần 1.200 – 1.500 con vịt đẻ giống vịt lai bơ. Năm nay do giá vịt thịt xuống thấp kéo theo giá vịt con cũng xuống theo nên ông giảm bớt chỉ thả nuôi gần 1.000 con.

Hiện tại mỗi ngày đàn vịt trong trang trại của ông đều đặn cho từ 700 – 800 quả trứng. Sau khi thu, trứng được chọn lựa kỹ càng và đưa ngay vào lò ấp. Mỗi quả trứng từ khi ấp đến khi nở ra vịt con phải mất thời gian 21 ngày.

Trứng ấp bằng lò ấp tự động luôn đạt tỷ lệ từ 90 – 95%. Với 3 lò ấp trứng, hiện nay mỗi tháng ông cho lò khoảng 25.000 vịt con 1 ngày tuổi. Do có uy tín từ lâu nên vịt con ra lò đến đâu đều được thương lái tới tận nơi thu mua, nhiều khi khách phải đặt trước mới có hàng, dù mỗi lần ra lò vài nghìn vịt con nhưng cũng không đủ cung ứng cho thị trường. “Các năm trước nhờ giá cả ổn định nên mỗi con vịt con 1 ngày tuổi tôi bán ra với giá từ 5.000 – 7.000 đồng, trừ chi phí thì mỗi tháng cũng thu lãi được từ 25 – 50 triệu đồng.

Năm nay do ảnh hưởng của thị trường nên giá cả xuống thấp nhưng nhờ chủ động được nguồn trứng vịt đưa vào ấp chứ không phải đi mua từ các nơi khác nên tôi vẫn có lãi”, ông Tuế chia sẻ.

Nói về những bí quyết chăn nuôi thành công của mình, ông Tuế cho biết: “Nuôi vịt đẻ trứng đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, chú ý từ khâu chọn giống đến chăm sóc cũng như phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt là khâu chọn giống, nếu chọn được con giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao. Từ lúc thả giống đến khi được 4 – 5 tháng, vịt bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục trong vòng 2 năm. Cứ 10 – 12 con vịt mái thì nuôi kèm 1 vịt trống để đảm bảo để tỷ lệ đậu trứng cao.

Trong quá trình vịt đẻ, phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng; khẩu phần ăn của vịt được kết hợp giữa thức ăn cám công nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn và phụ phẩm nông nghiệp như rau muống, chuối cây băm nhỏ trộn lẫn ngô, cám để đàn vịt khoẻ mạnh cho sản lượng trứng cao.

Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Ngoài việc tiêm phòng vắc xin định kỳ thì không được tiêm bất cứ một loại kháng sinh nào vì làm như vậy vịt sẽ ngừng đẻ.

Ngoài ra, để vịt đẻ đều, trứng to, vịt đẻ cần được cung cấp thêm ánh sáng, phải chiếu sáng nhân tạo bổ sung vào ban đêm từ 3 – 5 giờ/ đêm để kích thích vịt đẻ trứng và đảm bảo chất lượng trứng giống cao. Hàng năm, tối đa là 2 năm cần tiến hành thay thế đàn vịt để năng suất và chất lượng trứng tốt hơn, việc ấp nở cũng phải cẩn trọng, để nền nhiệt ổn định theo từng mùa”…

Nhờ biết cách tính toán hợp lý, cần cù lao động mà đến nay gia đình ông Tuế đã xây được nhà cửa khang trang, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả trong xã.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn giúp đỡ người dân trong địa phương bằng cách bán nợ vịt giống không lấy lãi, thu mua trứng đạt chất lượng của bà con. Ngoài ra ông luôn sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ kinh nghiệm về chăn nuôi cho người dân trong vùng.

Theo Thúy Trần – Thục Quyên (Báo Quảng Trị)

BÌNH LUẬN