Hôm 21/6, gã khổng lồ suy yếu Toshiba cho biết đang cân nhắc lời chào mua trị giá 2 nghìn tỷ yên (khoảng 18 tỷ USD) từ một nhóm các nhà đầu tư do quỹ Innovation Network Corporation of Japan (INCJ) dẫn đầu.
Toshiba phải bán đi “viên ngọc quý” nhằm phục hồi sau khoản lỗ hàng tỷ USD từ vụ sụp đổ của Westinghouse Electric. Khủng hoảng tại công ty đã dấy lên hồi chuông báo động với quan chức chính phủ. Hơn 100.000 trong tổng số gần 190.000 nhân viên Toshiba đang sống tại Nhật Bản, nơi công ty đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp then chốt như năng lượng và vận tải.
Nếu công nghệ nhạy cảm của mảng chip nhớ Toshiba cuối cùng rơi vào tay của một thế lực ngoại quốc, đây sẽ là nỗi lo lớn đối với các nhà lãnh đạo. Quỹ INCJ chính là “trái tim” trong nỗ lực của chính phủ nhằm giữ mảng chip trong tay Nhật Bản. INCJ hợp tác với nhà đầu tư Bain Captial của Mỹ và Ngân hàng phát triển Nhật Bản để mua bộ phận chip.
Nhóm đánh bại những người mua tiềm năng khác, trong đó có nhà sản xuất thiết bị điện tử Foxconn Đài Loan, một trong các đối tác cung ứng lớn nhất của Apple. Foxconn đã thôn tính Sharp, một doanh nghiệp Nhật Bản khác, năm 2016. Toshiba dẫn “việc duy trì nhân viên và công nghệ nhạy cảm bên trong đất nước” là một trong những lý do lựa chọn INCJ.
Toshiba đang vô cùng cần tiền. Hãng cảnh báo lỗ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm nay có thể chạm mốc 950 tỷ yên (8,5 tỷ USD), phần lớn là kết quả từ các vấn đề tại Westinghouse. Tuy nhiên, quyết định bán mảng kinh doanh chip vẫn chưa ngã ngũ. Dù là nhà thầu được ưu tiên, Toshiba nói cả hai bên vẫn cần đạt được thỏa thuận cuối cùng. Công ty hi vọng làm được điều này trước cuộc họp cổ đông thường niên diễn ra tuần tới.
Kazunori Ito, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Ibbotson Associates Japan, cho rằng nguyên nhân Toshiba lựa chọn INCJ là bởi vì sự cộng tác và khả năng khép lại thương vụ nhanh chóng. Nếu không, họ sẽ ngay lập tức bị loại khỏi sàn giao dịch chứng khoán Tokyo.
Dù vậy, kế hoạch có khả năng không diễn ra suôn sẻ. Thương vụ đang vấp phải thách thức từ hãng lưu trữ dữ liệu Western Digital, công ty đã thực hiện nhiều hành động pháp lý để ngăn cản vụ mua bán. Western Digital không hài lòng khi Toshiba đưa cả cổ phần của họ trong liên doanh giữa hai bên khi bán mảng chip. Doanh nghiệp Mỹ đã tìm kiếm trọng tài quốc tế và lệnh cấm từ tòa án Mỹ nhằm chặ đứng kế hoạch của Toshiba.
“Ngay cả khi Toshiba quyết định, tôi không nghĩ vấn đề đã kết thúc”, ông Ito nhận định.
Du Lam (Theo CNN)