Rau muống VietGAP giúp đẩy lùi tình trạng rau muống bẩn, khiến người tiêu dùng an tâm sử dụng. Tuy nhiên, đầu ra của rau muống VietGAP còn nhiều bấp bênh.

Trồng RMN của HTX Thỏ Việt tại huyện Củ Chi. Ảnh: ĐĂNG THƯ

Trồng RMN của HTX Thỏ Việt tại huyện Củ Chi. Ảnh: ĐĂNG THƯ

Nhằm đẩy lùi tình trạng rau muống bẩn, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng và giúp nông dân ổn định đầu ra, yên tâm sản xuất, năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch số 1662 về “xây dựng cánh đồng rau muống nước VietGAP tại TPHCM”, đã triển khai với quy mô 100ha tại 2 xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi) và Nhị Bình (huyện Hóc Môn).
Kết quả thực hiện năm 2016 đạt 110,14ha với 14 mô hình, có 131 hộ tham gia; trong đó 66 hộ đạt giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 67,05ha.
Rau muống nước VietGAP trồng tại Củ Chi được Hợp tác xã (HTX) Thỏ Việt và HTX Phú Lộc ký kết thu mua sản phẩm; tại Hóc Môn, rau được Công ty cổ phần Bách Hóa Xanh ký hợp đồng 1 năm thu mua 6.000 đồng/kg với 500kg/ngày và Công ty Sông Xanh cũng ký hợp đồng 1 năm thu mua 6.000 đồng/kg với 300kg/ngày. Từ 2 xã nói trên, tổng sản lượng cánh đồng rau muống nước đạt khoảng 200tấn/ha/ngày, sản lượng được cấp giấy chứng nhận sản xuất khoảng 94 tấn/ha/ngày, trong đó sản lượng tiêu thụ tại các HTX khoảng 800kg/ngày (chiếm khoảng 0,85% sản lượng).
Ông Nguyễn Văn Nhân (ngụ số 330/81, tổ 8, ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau muống nước VietGAP ở xã Nhị Bình, cho biết ông có 1ha diện tích rau muống nước VietGAP, mỗi năm thu hoạch 10 lượt, đạt khoảng 20 tấn/ha/lượt, giá bán bình quân 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí (phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc,..), ông có khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. “Khi mới tham gia mô hình sản xuất rau muống nước VietGAP, nhiều người đã khuyên can tôi, nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy hiệu quả mà quy trình đem lại, năng suất nâng lên, chất lượng sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có HTX ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP chưa ổn định do giá cả biến động thất thường, sản lượng tiêu thụ từ các HTX còn thấp, người sản xuất không biết tiêu thụ sản lượng dôi dư như thế nào, nếu tiêu thụ tại chợ, giá rau muống nước VietGAP với rau muống thường chưa có sự khác biệt. Điều này gây khó khăn trong việc khuyến khích người dân tham gia mô hình, chưa tạo được niềm tin cho người sản xuất rau VietGAP lẫn người tiêu dùng.
Với nhiệm vụ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao tổ chức xây dựng mô hình rau muống nước VietGAP, Trung tâm Khuyến nông TPHCM mong muốn có sự chung tay giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện hỗ trợ đầu ra ổn định.
Theo trung tâm, cần tăng cường tiếp xúc với các kênh tiêu thụ lớn như siêu thị, các bếp ăn trường học, các khu công nghiệp… để cùng nhau kêu gọi và khuyến khích tiêu thụ rau muống nước VietGAP, tiếp tục tuyên truyền tập huấn nông dân, động viên các hộ mở rộng diện tích rau muống nước VietGAP để có sản phẩm chất lượng; hỗ trợ xây dựng nhà máy sơ chế cho vùng trồng rau muống nước; phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng, tổ chức sản xuất và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP; chính quyền địa phương có kế hoạch chỉ đạo các ban ngành đoàn thể phối hợp với cơ quan khuyến nông vận động các hộ tham gia mô hình ghi nhật ký đầy đủ, thực hành quy trình sản xuất VietGAP trên ruộng rau và tiến hành đăng ký chứng nhậnVietGAP…

MINH KHUÊ

BÌNH LUẬN