Khi máy bay ở độ cao dưới 3.000 m, buồng lái trở thành nơi bất khả trò chuyện, sự im lặng bao trùm khắp cabin và tiếp viên trưởng cũng không được phép liên lạc với phi công.

Cục Hàng không Liên bang của Mỹ (FAA) đưa ra quy định áp dụng với tất cả hãng bay về việc cấm cơ trưởng và cơ phó nói chuyện với nhau khi máy bay thấp hơn 3.000 m, Sun đưa tin ngày 20/5.

ly-do-phi-cong-khong-duoc-buon-chuyen-khi-dang-bay

Cũng tại thời điểm “vàng” này, tiếp viên không được phép liên lạc với buồng lái và phi công dù đói đến mấy cũng không được phép ăn. Ảnh: News.

Quy định này được biết đến với tên gọi khác là Sterile Cockpit Rule. Theo đó, tại những thời điểm vô cùng quan trọng của chuyến bay là lúc cất cánh và hạ cánh, phi công cần tập trung tuyệt đối làm nhiệm vụ của mình, tránh các cuộc nói chuyện không cần thiết.

Màn hạ cánh tuyệt đẹp trên tuyết của phi công.

Luật lệ này ra đời sau vụ tai nạn kinh hoàng vào năm 1974 của hãng hàng không Eastern Air Lines, cướp đi sinh mạng 72 người. Khi đó, máy bay đang hạ cánh xuống sân bay Charlotte Douglas, North Carolina, Mỹ. Nhưng thay vì đáp xuống đường băng, nó đâm thẳng vào ruộng ngô và trượt một quãng dài rồi lao vào rừng cây.

Ban đầu, tai nạn được đổ cho lý do thời tiết, vì thời điểm đó sương mù dày đặc. Tuy nhiên, một chiếc máy bay khác cũng hạ cánh đúng đường băng này, cũng trong buổi sáng hôm đó nhưng không gặp bất kỳ sự cố nào.

Sau đó, Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải quốc gia Mỹ (NTSB) phát hiện ra trong suốt quá trình hạ cánh, tiếp viên và phi công đều mải mê “buôn” chuyện. Họ nói đủ thứ chuyện, từ chính trị đến xe hơi, không ai tập trung vào công việc. Chính các cuộc nói chuyện này đã làm phi công phân tâm, bỏ qua cảnh báo máy bay đang ở độ cao chỉ còn 300 m và tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

“Tai nạn xảy ra 100% do lỗi của con người. Ý thức và kỷ luật buồng lái của họ quá kém”, đại diện của NTSB nói trên thừa nhận.

7 năm sau tai nạn đó, Mỹ đã quyết đưa ra luật Sterile Cockpit Rule vì lo ngại tổ bay ngày càng thoải mái và thân thiết khi làm việc.

Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là: Vậy nếu có tình huống khẩn cấp, đe dọa an toàn bay xảy ra trên máy bay lúc ở độ cao thấp hơn 3.000 m, tiếp viên có được thông báo với cơ trưởng?

Năm 1995, một tình huống nguy hiểm đã xảy ra khi tiếp viên nhìn thấy hành khách cố tình mở cửa ngay lúc máy bay cất cánh. Tuy nhiên, cô lại giữ im lặng vì quy tắc cấm liên lạc trên.

FAA sau đó đã phải nhận định rằng trong một số trường hợp, tiếp viên vẫn được quyền phá lệ.

Các hãng bay của Nhật Bản để tránh bất kỳ sự cố nào, đã liệt kê ra một số trường hợp mà tiếp viên được quyền báo cơ trưởng, tại bất kỳ thời điểm, độ cao nào. Một trong số đó là sự cố cháy nổ, khói xuất hiện trong cabin, có tiếng ồn hay máy bay rung lắc bất thường, nhiên liệu rò rỉ…

Anh Minh

BÌNH LUẬN