Sau gần 5 tháng triển khai, ngoài cực Tây, Viettel cũng đã phủ sóng 4G đến tất cả 4 điểm cực của Việt Nam.
Tại cột mốc số 0 của A Pa Chải – nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc, các thiết bị gắn SIM Viettel có thể sử dụng 4G một cách dễ dàng.
Trải nghiệm thực tế cho thấy, tốc độ thử nghiệm download đạt từ 25 Mbps tới 70 Mbps, trong khi tốc độ upload từ 16 Mbps đến 30 Mbps. Ở độ cao khoảng 1.600 m dưới điểm cực, tốc độ thử nghiệm download lên đến 90,10 Mbps, tốc độ upload lên đến 36,94 Mpbs.
“A Pa Chải là một trong 8 xã thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã lắp trạm phát thu phát sóng 4G. Dự kiến đến hết tháng 4, toàn huyện Mường Nhé gồm 11 xã sẽ được phủ sóng. Hiện còn 3 xã chưa có 4G”, ông Hoàng Mạnh Hưng, giám đốc kỹ thuật Viettel tỉnh Điện Biên cho biết.
Theo ông Hưng, việc phủ sóng 4G tại A Pa Chải có ý nghĩa đặc biệt về mặt phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Mạng 4G Viettel đã sẵn sàng đến tay người dùng. |
Trước đó, nhà mạng đã hoàn tất lắp đặt 36.000 trạm thu phát sóng trên toàn quốc, phủ khắp 95% dân số Việt Nam. Không riêng khu vực thành thị, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo đều được dùng băng thông tốc độ cao.
Mạng 4G của Viettel sử dụng công nghệ 4 thu, 4 phát. Đây là công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay. Hiện một số nhà mạng tại Mỹ vẫn đang dùng công nghệ cũ 2 thu, 2 phát. Theo Ericsson, đây là mạng lớn nhất và được đầu tư nhanh nhất trên thế giới.
Cách đầu tư này thể hiện cam kết của Viettel trước đó: đến năm 2020, mỗi người dân Việt Nam đều sở hữu một smartphone có thể truy cập Internet để giải trí, học tập, kiếm sống. Viettel cho rằng smartphone và băng rộng di động là cơ hội cho những quốc gia đang phát triển.