Tuyệt đối không được hèn, vì hèn sẽ khiến cho cả cuộc đời chỉ biết cúi đầu xuống hổ thẹn.
Trận cháy ở chợ Kim Biên, sau vài tấm ảnh và đoạn ghi hình ngắn cảnh xe cứu hỏa nhỏ xịt nước tầng dưới và các mái nhà kề bên, rất nhiều người mạt sát, thóa mạ và chửi bới lực lượng phòng cháy chữa cháy là kém tài, hại dân, vô dụng…
Nhưng đến khi một tấm hình sau đó, cho thấy họ có xe lớn để phun nước đúng tầng, vòi rồng mạnh… hình thức xịt nước trước kia là để ngăn cháy lan. Những người hôm rồi hùng hổ, đanh thép và nanh độc, có ai trong số họ lên tiếng xin lỗi vì đã chửi những người bị hàm oan?
Có cô gái trẻ, bán hàng trên mạng, một ngày đẹp trời, bị lôi vào nhóm kín nào đó, gán cho tội làm tiểu tam, giật chồng người ta, rồi các chị em trong hội nhiệt tình chửi rủa, nhắn tin, kiếm đến tận nhà đòi ba mặt một lời… đến mức cô gái kia đòi tự tử thì mới được yên thân.
Đến khi biết ra, chỉ là màn vu oan vì cạnh tranh bán hàng trong nhóm kín, những người nhắn tin chửi rủa cô gái, có mấy ai nhắn lại một dòng tin xin lỗi vì đã hiểu lầm cô?
Đó chỉ là hai trong số hàng chục, có khi là hàng trăm những nỗi oan sai trên mạng xã hội, khi phần đông người ta chỉ vì cơn bốc đồng, nóng giận của bản thân, để bỏ qua sự tìm hiểu tới tận nguồn gốc của vấn đề rồi thóa mạ, làm nhục nạn nhân. Sau khi giải tỏa xong cơn nóng giận, những người làm nhục thường có hai hướng đi.
Phần lớn trong số họ không còn quan tâm đến câu chuyện nữa, theo kiểu những hăng hái đấu tranh cho công lý, cho lẽ phải của họ chỉ bùng lên đúng vài giây khi nhấn chia sẻ cùng vài dòng chửi rủa, rồi lụi tắt, rất nhanh và rất nguội.
Dĩ nhiên với họ, những thông tin đính chính, những sự thật sau đó họ đều không quan tâm vì đang còn mải mê đi tìm một việc khác, một đối tượng khác để trút cơn chí khí của mình vào.
Nhóm còn lại, khá ít, là những người tiếp tục theo dõi câu chuyện có chủ đích hoặc vô tình biết được các thông tin về sau do một người bạn nào đó chia sẻ. Những người này lại đứng giữa hai lằn ranh để lựa chọn.
Có thể, họ nhận ra mình sai, sẽ có hành động gì đó để chuộc lỗi như gọi cho nạn nhân bày tỏ tiếc nuối, hoặc đăng vài dòng lên mạng xã hội coi như một lời thú nhận, phần lớn cách này là để cứu rỗi chính linh hồn và lương tâm họ. Số này, theo như thực tiễn cho thấy, là vô cùng nhỏ.
Số còn lại, nhận ra mình sai, nhưng vì nhiều lẽ, mà phần chính là do sự cố chấp, là do sĩ diện, họ lờ đi, không xin lỗi, đổ cho những người đưa thông tin lên từ lúc đầu, họ vô can, chỉ là người góp phần lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, dù rằng bản thân họ cũng chẳng biết cái chính nghĩa mình bảo vệ hình hài ra sao.
Một số khác, họ tìm đủ cách để chống chế, để bỉ bôi, để ngụy biện, để lái câu chuyện sang một hướng khác, tỷ như vì sao ngày xưa người ta dập lửa bằng máy bay, còn bay giờ phải dùng xe, tỷ như vì sao nước ngoài người ta có xe tiên tiến như vậy mà nước mình lại không có, tỷ như vì sao không điều xe lớn tới liền mà chỉ có thể điều xe nhỏ vô. Rồi cả cái câu nhẫn tâm là cứu hỏa là việc làm của bọn họ, có cần gì mà phải cảm ơn họ đâu?
Tới đây, thật khó mà kìm lòng ba chữ, “người vô tình”. Những con người để thù hằn, để oán hận che mờ nhận thức, thật sự đáng sợ làm sao.
Thế nên, thật không ngạc nhiên gì khi chuyện một cô hiệu trưởng cố lấp liếm cho hành vi đụng xe trúng học sinh trong sân trường, khi một chị cán bộ bẻ cành hoa đào rồi nhất quyết không xin lỗi vì cho rằng mình không thấy biển cấm hái hoa. Hay một nghệ sĩ phạm tội ấu dâm nơi nước ngoài quay về nước, tuyệt nhiên không có bất kỳ lời hối lỗi nào gửi đến cho những người mà trước đây vẫn tin tưởng và ủng hộ mình.
Vì từ những lỗi nhỏ người ta đã hèn kém đến không thể nói xin lỗi, thì những lỗi lớn hơn như vậy, làm sao người ta đủ can đảm để nhận về mình?
Người ta có thể nghèo, nhưng từ cái nghèo có thể phấn đấu, để dứng dậy và thành công, nhưng tuyệt đối không được hèn, vì hèn sẽ khiến cho cả cuộc đời chỉ biết cúi đầu xuống hổ thẹn.
Nguồn:kenh14