Sau hai lần từ chối lời mời của Google, chàng du học sinh 24 tuổi Phạm Hy Hiếu mới quyết định làm việc cho tập đoàn này một năm trước khi học lên tiến sĩ tại Mỹ.
Đoạt Huy chương bạc Olympic quốc tế môn Toán năm 2009 tại Đức khi đang theo học Phổ thông Năng khiếu Đại học Quốc gia TP HCM, Phạm Hy Hiếu được học bổng toàn phần Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
Tuy nhiên, bố mẹ bắt anh từ chối NUS và khuyên ở nhà một năm luyện thi TOEFL và SAT, chuẩn bị bài luận để xin vào các đại học ở Mỹ. Hiếu đã nhận được học bổng toàn phần của Đại học Stanford (Mỹ) và đến trường này nhập học.
Năm 2010, Phạm Hy Hiếu (đứng) thuyết trình trong một cuộc thi Tóan học tại Singapore. Ảnh: P.H |
Để có được suất học bổng ấy, Hiếu mất một năm không làm được gì, luôn bị phân tâm và lo lắng. Vì quá tập trung luyện tiếng Anh, kỹ năng giải Toán của cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu ngày nào dần hao mòn vì không được luyện tập kéo theo sự trì trệ tư duy logic.
“Mỗi ngày, để nạp thêm 30 từ vựng SAT thì tôi lại quên mất một phương trình toán học. Đến khi bước vào Stanford, tôi mang một cái đầu trống rỗng và một trái tim đã nguội lạnh đam mê”, Hiếu chia sẻ.
Sang Mỹ, Hiếu lại bị sốc tâm lý, rơi vào cô đơn và trầm cảm nặng do sự khác biệt văn hoá và mất định hướng. Những ngày ở Stanford, anh thấy không hạnh phúc vì phải “bán cho họ đam mê và một phần trong tuổi trẻ của mình”.
Hiếu không còn thích học bất cứ môn gì, kể cả Toán, Tin học, Tiếng Anh, Triết học, Văn học. Điều duy nhất Hiếu còn ham thích là tham gia các cuộc thi mang tính Olympic.
Tuy nhiên, ở đại học không nhiều kỳ thi Toán như ở trung học, Hiếu chuyển hướng qua các cuộc thi lập trình, trong đó có cuộc thi lập trình quốc tế ACM ICPC.
Hiếu tại vòng chung kết thế giới cuộc thi lập trình quốc tế ACM ICPC ở Nga hồi 6/2014. Ảnh: P.H |
Ba năm đầu ở Stanford, chàng du học sinh này tìm hiểu khắp các trang web tuyển dụng của Google, Facebook, Microsoft, Apple, Vmware, Dropbox và ngay cả những công ty ít nổi tiếng hơn vào lúc đó như Snapchat, Whatsapps.
Hồi năm hai, Hiếu đã vượt qua vòng phỏng vấn tuyển thực tập sinh của Google. Lúc này, các nhân viên của Google đọc hồ sơ của ứng viên và quyết định xem kinh nghiệm, tính cách của ai hợp với đề án của họ để tuyển.
Hiếu đã không được nhận vì lý do thiếu kinh nghiệm, nhưng hơn hết vì “không hợp với đề án”. Cho rằng lý do này quá cảm tính và không công bằng, anh cảm thấy tổn thương và tự nhủ sẽ giúp Google nhận ra sai lầm của họ.
Năm ba, Hiếu được Google mời thực tập nhưng chàng trai này từ chối. “Tôi muốn thông qua sự từ chối của mình, gửi cho các nhà tuyển dụng của Google thông điệp rằng tôi nghĩ họ đang thiếu tôn trọng đối với các ứng viên”, Hiếu nói.
Một năm sau, Hiếu lại được Google mời làm việc chính thức nhưng anh vẫn từ chối bởi chính sách của Google đối với các thực tập sinh vẫn như cũ. Bên cạnh đó, anh cũng tham gia các diễn đàn thảo luận mở, trả lời các câu hỏi về quá trình tuyển thực tập của Google, qua đó nói lên sự bất cập của họ.
Trong khoảng thời gian này, Hiếu được Vmware – một công ty chuyên làm các phần mềm ảo hoá – nhận thực tập và thời gian này đã thay đổi nhận thức của anh về khoa học máy tính.
Anh nhận ra máy tính và các kỹ thuật lập trình được tạo ra là để phục vụ cho cuộc sống của con người, chứ không phải để giải quyết những bài tập mang nặng tính đánh đố. Hiếu vẫn dành sự tôn trọng cho các cuộc thi lập trình như ACM ICPC nhưng xác định đó không còn là mục tiêu lớn của mình nữa.
Thay vào đó, anh bắt đầu học các lĩnh vực thiết thực và có nhiều ứng dụng hơn của khoa học máy tính. Hiếu tìm thấy sự thú vị trong trí thông minh nhân tạo – chuyên ngành với mục tiêu là tạo ra các máy tính có thể xử lý thông tin một cách thông minh như con người.
Khi viết luận văn tốt nghiệp, Hiếu chọn đề tài “Ứng dụng mạng neuron nhằm nâng cao chất lượng dịch tự động giữa tiếng Anh và tiếng Đức”. Luận văn được giáo sư Christopher Manning – một trong những chuyên gia đầu ngành của trí tuệ nhân tạo hiện nay hướng dẫn – và nhận được giải thưởng Luận văn Khoa học Máy tính xuất sắc nhất của Đại học Stanford.
Năm 2015, Phạm Hy Hiếu (áo trắng) nhận giải thưởng “The Ben Wegbreit” dành cho sinh viên có luận văn xuất sắc nhất tại Đại học Stanford. Ảnh: P.H |
Các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo đã mở ra cho Hiếu nhiều cơ hội mới. Anh được Apple mời vào nhóm phát triển Siri để phần mềm trợ lý ảo này có thể tương tác với người dùng bằng các ngôn ngữ ngoài tiếng Anh tốt hơn.
Anh cũng được Microsoft mời vào nhóm phát triển Cortana – phần mềm trợ lý ảo của hãng này, giống như Siri của iPhone, đồng thời được Facebook mời làm việc để phân tích các bài đăng của người dùng bằng nhiều ngôn ngữ.
Tuy vậy, chàng trai 24 tuổi đã không nhận lời bất kỳ công ty nào mà quyết định ứng tuyển vào chương trình tiến sĩ của Đại học Carnegie Mellon (CMU) – một trong bốn “ông lớn” về khoa học máy tính của Mỹ. Anh được trao học bổng toàn phần suốt 5 năm nghiên cứu sinh tại đây.
“Điều tôi thật sự mong muốn là mang trí tuệ nhân tạo đến với tất cả mọi người để giúp làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp, văn minh hơn. Để làm được điều đó, tôi cần phải học thêm nhiều điều”, Hiếu giải thích cho quyết định của mình.
Hồi tháng 3 vừa qua, lại một lần nữa Google gửi lời mời đến Hiếu. Lần này là dự án phát triển các ứng dụng của mạng neuron Google Brain.
Lúc này, nhận thấy “gã khổng lồ tìm kiếm” có sự thay đổi trong chính sách tuyển thực tập sinh đồng thời khá hứng thú với dự án, Hiếu quyết định sẽ cộng tác với tập đoàn này một năm trước khi bắt tay vào nghiên cứu sinh tại CMU.
Suy ngẫm về quãng thời gian du học xứ người, Hiếu nói, khi tìm thấy đam mê là lúc đã có được 50% thành công, 49% còn lại nằm ở sự chăm chỉ và 1% nằm ở may mắn.
“Bằng cách giết chết một đam mê của mình để tìm một đam mê mới, tôi đã học bài học này một cách khó khăn. Con đường đến thành công không đơn giản, nhưng có đam mê là bạn đã có lộ phí rồi”, anh chia sẻ.
Theo VN Express