Nếu ai cũng nhìn ngân hàng chỉ để giải quyết nhu cầu tiền bạc thì họ sẽ không nhìn ra được cơ hội gửi xe an toàn tại những toà nhà vị trí đẹp đắc địa lại an toàn trong lòng thành phố.
Câu chuyện về một người đàn ông đem chiếc siêu xe trị giá 250.000 USD chỉ để đi cắm ngân hàng vay 5.000 USD. Câu chuyện này có lẽ cũng đã nhiều người từng một lần đọc qua nhưng hãy cứ một lần nữa đọc lại….
Chuyện kể rằng, có một người đàn ông tên là Bubba, sống ở bang Texas đang cần vay một khoản tiền nên đến một ngân hàng ở New York. Ông nói với nhân viên ngân hàng rằng mình sẽ đi đến Paris trong 2 tuần để dự hội thảo và cần vay 5.000 USD.
Nhân viên ngân hàng giải thích rằng, nếu muốn vay tiền, anh phải có tài sản thế chấp. Nghe vậy Bubba hỏi rằng: “liệu tôi có thể dùng chiếc xe đang đi để làm tài sản thế chấp không?” Nhân viên ngân hàng nói rằng, anh cần phải kiêm tra tài sản.
Người đàn ông dẫn nhân viên ngân hàng ra xem, đây là một chiếc siêu xe, còn mới, sau khi kiểm tra xe, ngân hàng đã đồng ý giữ lại chiếc xe như vật thế chấp và tính lãi suất cho khoản vay của Bubba theo đúng quy định.
Sự việc này đã khiến nhiều nhân viên ngân hàng cảm thấy khó hiểu, vì chiếc xe Ferrari của người đàn ông có trị giá lên tới 250.000 USD. Tại sao ông phải dùng một chiếc xe siêu đắt chỉ để vay 5.000 USD. Câu chuyện trở thành đề tài bàn tán của các nhân viên ngân hàng này suốt mấy tuần.
Hai tuần sau, người đàn ông trở lại, trả 5.000 USD và lãi suất 23.07 USD. Lúc này anh nhân viên cho vay không giấu nổi tò mò, hỏi: “Thưa ông, chúng tôi rất vui vì được làm việc với ông nhưng chúng tôi có chút thắc mắc. Khi ông rời đi, chúng tôi đã tìm hiểu về ông và phát hiện ông là một nhà đầu tư, một tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản. Chúng tôi cũng biết ông có hẳn một biệt thự lớn ở Texas. Thế nên, chúng tôi thắc mắc tại sao ông lại phải vay 5.000 USD?”
Người đàn ông mỉm cười rồi đưa ra câu trả lời bất ngờ: “Tôi có thể đỗ xe ở đâu khác trong thành phố New York này trong 2 tuần chỉ với 23.07 USD và nó vẫn còn ở đó khi tôi trở về chứ?”.
Đôi khi mọi việc diễn ra không như những gì ta có thể nhìn thấy. Nếu ai cũng nhìn ngân hàng chỉ để giải quyết nhu cầu tiền bạc thì họ sẽ không nhìn ra được cơ hội gửi xe an toàn tại những toà nhà vị trí đẹp đắc địa lại an toàn trong lòng thành phố. Có thể ngân hàng ở nước bạn ít có những sản phẩm cho vay tương tự như thế thì bạn có thể tìm công ty cho thuê tài chính, hiệu cầm đồ uy tín để học hỏi, chỉ có điều biết hay không mà thôi.
Câu chuyện mang ý nghĩa rằng, bạn luôn phải sáng tạo trong mọi việc. Người đàn ông đã giải quyết được cùng lúc mấy việc: gửi xe an toàn, và chi phí rẻ ở một thành phố lạ. Thứ nữa, ông có thêm 5.000USD dự phòng cho chuyến đi xa.
Và quan trọng nhất, hãy tiết kiệm đúng cách nếu có thể. Bạn có thể vung tay chi tiêu cho những nhu cầu chính đáng, nhưng cũng cần tiết kiệm ở những khoản không đáng tiêu xài.
Cả những “đại gia” như Warren Buffett đều quan niệm rằng, ngoại trừ việc được thừa hưởng một gia tài kếch xù, kết hôn với người giàu có hay trộm cắp tài sản thì chúng ta chỉ có một cách để tích lũy vốn liếng: Chi tiêu ít hơn số tiền mà bạn kiếm được.
Ở đời, ta thường hỏi “Làm giàu thế nào?’, nhưng cũng có người thường xuyên than thở “Vì sao tôi nghèo?”. Chính vì vậy, nhiều người không bao giờ chịu nhìn nhận nhược điểm của mình. Tuy nhiên, có người lại luôn luôn tìm cách bắt tiền làm việc cho mình chứ không để mình phải làm việc vì đồng tiền.
Có một anh nông dân tên Nghèo, ông bà để lại cho 3 thửa ruộng, anh cày cấy mỗi năm 3 vụ, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cầu trời mưa thuận gió hòa thì kiếm đủ tiền ăn uống nuôi cả gia đình. Anh Nghèo vẫn hoàn nghèo, bởi anh chỉ biết làm việc vì đồng tiền, vì miếng cơm manh áo.
Một anh nông dân gần đó có tên là Giàu. Cha mẹ chết đi cũng để lại cho anh 3 thửa ruộng, hàng ngày cũng như anh Nghèo, anh làm quần quật. Chẳng mấy chốc vụ thu hoạch cũng đến, anh đập lúa chất đầy bồ, lấy trấu mang về om bếp, xin người ta rơm rạ bó lại, một số mang bán cho trại bò xóm bên, số còn lại học người ta mang về ủ để trồng nấm. Tối nằm ngủ anh chợt nghĩ, sao người nông dân cứ phải bán thóc bán gạo? Thế là, anh cất công lên tỉnh học nghề, về lấy gạo làm sợi bún, làm bánh bỏ mối cho những cửa hàng trên tỉnh.
Anh Giàu lại nghĩ, mình vất vả cày bừa chẳng được là bao, trong thôn bao người còn chẳng có ruộng, thế là anh cho người nghèo trong làng thuê ruộng, mua lại thóc gạo của họ, lại còn thuê họ làm bún, làm bánh. Anh Giàu ngày càng giàu thêm. Anh Giàu đã biết cách bắt đồng tiền làm việc cho mình.
Theo cafebiz.vn