Trong một video mới đây của Chanel, xuất hiện hình ảnh cô gái Việt đang tỉ mẩn làm việc sau hậu trường.

Mỗi ngày đi làm, suốt 8 tháng qua, với Vy Nguyễn (sinh ra ở TP HCM), giống như một ngày tựu trường. Sáng nào Vy cũng mang tâm trạng háo hức, vui vẻ đến chỗ làm. Khi hết việc, về nhà, Vy mệt đến độ muốn ngả lưng ngay lập tức, nhưng dưới đôi mắt nhắm nghiền là nụ cười mãn nguyện.

Cô gái Việt đang làm việc tại trụ sở Haute Couture Atelier (thiết kế thời trang cao cấp) của Chanel. Tại đây, Vy thường xuyên tiếp xúc với những người mẫu nổi tiếng hay những nhà thiết kế hàng đầu thế giới.

May mắn sinh ra trong một gia đình có điều kiện, Vy từng sinh sống và học tập tại Singapore, Mỹ, hiện tại là Pháp. Dù thế, con đường đi đến ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang quốc tế của cô không dễ dàng.

Vy kể, cô mê mẩn với váy áo từ nhỏ, song việc học hành luôn theo ý gia đình. Cho đến một ngày năm 2010, ước mơ thuở nhỏ đã thôi thúc Vy có can đảm thoát khỏi cái kén được gia đình bảo hộ. Cô đưa ra một quyết định gây ‘sốc’ cho mọi người khi chuyển ngành sang thời trang. Cũng trong thời gian này, Vy vẫn cố gắng hoàn thành các khóa học về quản lý khách sạn và du lịch từ trước.

Trong thời gian làm việc tại Chanel, Vy Nguyễn học được rằng thiết kế thời trang cao cấp không phải làm nhanh cho xong, mà dù phải làm trong bao lâu cũng phải hoàn chỉnh đến từng đường kim, mũi chỉ.

Học thiết kế thời trang một thời gian, đam mê trong Vy càng mạnh mẽ. Cô nhìn ra chỉ có nước Pháp – kinh đô thời trang thế giới – mới là biển lớn vẫy vùng. Năm 2013, Vy chuyển đến Pháp, học trường tư chuyên về Haute couture design (thiết kế thời trang cao cấp).

Lúc đến Paris, tiếng Pháp của Vy chỉ ở mức cơ bản. Ngoài học ở lớp, khi về nhà cô luôn nghe những bản nhạc Pháp, xem các bộ phim về thời trang để bổ sung vốn từ vựng chuyên ngành. Vốn ít bạn nhưng may mắn Vy có những bạn thân người bản xứ và hay nói chuyện phiếm cùng họ để nâng cao khả năng.

‘Tôi rất thích ngồi ở quán cà phê bên đường phố Paris vào những buổi chiều tan học để đọc sách hoặc ngắm nhìn người qua lại, vì đối với tôi mỗi người đều mang cá tính thời trang khác nhau’, Vy nhớ về thời chập chững vào học ấy, mà tưởng như mới xảy ra hôm qua.

Tốt nghiệp hè 2016, Vy bắt đầu gửi hồ sơ đến các hãng thời trang khác nhau ở Pháp, nhưng không có Chanel, vì cô biết hãng này đòi hỏi cao và cô chỉ là một du học sinh nên càng khó.

Nhưng chính một người thầy mà Vy rất kính trọng đã ủng hộ cô thử sức. ‘Tôi tin em có thể làm được’, người đó nói.

Vy trong một show thời trang.

Trong hồ sơ gửi đến Chanel, Vy gửi kèm bộ sưu tập ‘broken dream’ do cô tự thiết kế, tự may, cũng như làm tất cả các khâu để hoàn thành. Tổng cộng mất hơn 1.000 giờ (gần 4 tháng) không nghỉ lễ để hoàn thành.

‘Tôi đã vẽ hơn 100 bản phác thảo bằng tay để chọn ra 20 bộ phù hợp. Trong khoảng thời gian đó tôi cũng tham dự vài show của những nhà thiết kế nổi tiếng, thực tập trong hãng thời trang Elie Saab, đi đến một vùng ngoại ô nước Pháp tìm hiểu sản xuất ren, trước khi tham dự set up triển lãm 20 năm ngành thời trang của nhà thiết kế Anne Valerie Hash…’, Vy chia sẻ.

Nhận biết xuất phát điểm của mình không như các đồng nghiệp, Vy lại phải cố gắng gấp đôi, thậm chí gấp ba. Nhiều lúc cô rất mệt, nhưng nghĩ đến lý do vì sao phải đến Paris và ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang quốc tế là cô lại có sức mạnh tiếp tục.

‘7 tháng sau, tôi nhận được câu trả lời là có thể thực tập cho bộ sưu tập xuân hè của Chanel trong hai tháng. Tôi không thể diễn tả cảm giác hạnh phúc đó thế nào, bởi nó đáng giá hơn mong đợi của tôi rất nhiều’, cô hạnh phúc nói.

Vy vào làm ở Chanel từ đầu tháng 1/2017. Ban đầu rất lo lắng nhưng rất may mắn, những đòi hỏi cô đều đáp ứng được và không có khó khăn nào đáng kể. Sự chăm chỉ, tay nghề khéo léo và nét riêng trong phong cách thiết kế của Vy đã giúp cô vượt qua 2 tháng thử thách dễ dàng và được nhận vào làm chính thức ở Chanel. Cô là thợ trẻ người ngoại quốc duy nhất bên cạnh những người thợ cao cấp và thâm niên lâu năm ở đây.

‘Khó khăn lớn nhất là rào cản ngôn ngữ, cách sống và tư duy của người Pháp hoàn toàn khác với người Mỹ nên tôi luôn phải cố thích nghi’, cô gái xinh xắn cho biết.

Vài mẫu trong bộ sưu tập ‘Broken dream’ của nhà thiết kế Vy Nguyễn.

Tại đây, Vy kết thân được một người thợ rất nhiều kinh nghiệm. Chính cô giáo này đã cho cô thấy được trường học khác với thực tế. Vy cũng thấy được sự chuyên nghiệp, mỗi khi có một khách hàng chưa hài lòng về sản phẩm thì tất cả người thợ phải chung tay giải quyết. Làm ở đây, cô còn lĩnh hội được rất nhiều văn hóa đặc trưng của Chanel, tư duy sáng tạo của thiết kế cao cấp…

Thời gian này Vy đang quay trở lại Việt Nam tìm kiếm chất liệu, thị trường, phác thảo thiết kế cho bộ sưu tập tiếp theo. Cô dự định sẽ làm việc một thời gian nữa tại Chanel, đến khi đủ tự tin sẽ mở một thương hiệu của riêng mình tại Việt Nam.

‘Chanel đã dạy tôi rất nhiều, nhưng ở đây chỉ có Karl lagerfeld là nhà thiết kế chính và duy nhất, bởi đến nay chỉ có ông truyền tải được linh hồn của Coco Chanel hiện đại mà vẫn cổ điển. Là một nhà thiết kế, tôi muốn có môi trường nhiều thử thách hơn, tự do hơn để tăng tính sáng tạo’, Vy bộc bạch.

Đến thời điểm này, bạn bè, gia đình đều rất ủng hộ và mừng lây khi Vy có môi trường tốt theo đuổi ước mơ. ‘Tôi thấy mình may mắn, nhưng đây chỉ là một bước nhỏ trên con đường sau này. Tôi sẽ còn phải cố gắng hơn’, cô nói.

BÌNH LUẬN