Ông Chang Sau Sheong, người được mệnh danh là “Codefather” của Singapore, đã chia sẻ hành trình của mình để đạt được cái tên ấy và những kinh nghiệm mà ông đúc kết được.

Theo Techinasia, giống như mọi chàng trai trẻ đầy tham vọng, Chang Sau Sheong cũng đã có những ước mơ to lớn của riêng mình. Khát vọng của ông bao gồm việc trở thành một tác giả, một nhà khảo cổ học, một nhà thiên văn học và một nhà báo. Tuy nhiên, sâu thẳm trong trái tim ông, đó là một ước muốn lớn lao hơn nhiều, là trở thành “một người thám hiểm những vùng đất mới, khám phá ra những điều chưa biết và tạo ra những thứ mới mẻ”.

Vì vậy, ông đã làm điều mà mọi thanh niên nhanh nhạy cũng sẽ làm điều tương tự: Ông tung một đồng xu.

“Tôi đã đặt tất cả ước mơ của mình vào một tập hợp các trường đại học và tất cả các thực tế trong một tập hợp các trường đại học khác và phó mặc cho số phận đưa đẩy”. Cuối cùng, ông đã trở thành một kỹ sư máy tính ở Đại học Kỹ thuật Nanyang (NTU) ở Singapore.

Ngày nay, ông được mệnh danh là “Codefather” của Singapore. Chang cũng là Giám đốc điều hành công nghệ số tại Tập đoàn SP (trước đây là Singapore Power) và đã trở thành tác giả của bốn cuốn sách. Theo nhiều cách, ông đã biến được những ước mơ của mình thành sự thực.

Là một trong những lập trình viên lão thành nhất của ngành công nghiệp hiện nay, Chang đã trải qua những khoảng thời gian, cả tốt đẹp nhất lẫn tồi tệ nhất, của cuộc đời một kỹ sư phần mềm. Từ cuộc hành trình của ông, chúng ta chắc chắn sẽ học hỏi được không ít những điều bổ ích.

Xây dựng một nền móng vững chắc

Vào những năm 90 của thế kỉ trước, khóa học kỹ thuật máy tính tại NTU đã bị phân chia thành phần cứng và phần mềm. Ông Chang đã chọn con đường phần cứng. Theo ông, nếu như ông quyết định đi theo kế hoạch ban đầu của mình, ông đã trở thành một kỹ sư mạng.

Ông nói: “Thật may mắn rằng khi tôi tốt nghiệp thì không có nhiều công việc về kỹ thuật mạng. Công việc đầu tiên mà tôi làm là phát triển một hệ thống thanh toán doanh nghiệp quy mô lớn cho Singtel. Từ đó trở đi, những gì tôi làm đều là phát triển phần mềm và ứng dụng”.

Mặc dù có ít cơ hội để sử dụng những kiến thức mà mình đã được học ở trường đại học, ông thừa nhận rằng những hiểu biết của mình về cách thức hoạt động của máy tính đã cho ông một nền tảng vững chắc để tiếp tục xây dựng phần còn lại của vốn kiến thức và năng lực của mình. “Sẽ là một cuộc hành trình vô cùng nguy hiểm nếu không có nền tảng ấy”.

Như vậy, ông Chang khuyến cáo rằng các lập trình viên đang “chớm nở” phải được trải qua các chương trình giáo dục chính quy, dù là ở trong các trường cao đẳng hay đại học. Ông đã đưa ra hai lí do:

“Thứ nhất, giáo dục chính quy sẽ đào tạo những điều cơ bản, và những điều cơ bản ấy thường mất thời gian để có thể được tiếp thu. Giáo dục chính quy sẽ giúp bạn rèn luyện điều đó. Lí do thứ hai là phải giữ cho mình ở dưới mặt đất. Bất kể những giai thoại nào mà bạn đã được nghe về Steve Jobs, Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Elon Musk, có một thực tế rằng sẽ khó khăn hơn rất nhiều để có một công việc và có thể làm tốt được công việc đó mà không cần đến giáo dục chính quy và những kiến thức đi cùng với nó”.

Chọn con đường quanh co

Ông Chang đã nói rằng, trong những ngày tháng sau đại học, con đường “đã chọn ông”. Sau khi làm việc tại Singtel, ông chuyển sang làm việc tại National Computer Board (NCB), nơi sau này đã hợp nhất với Cơ quan Viễn thông Singapore (TAS).

Sau đó, ông đã qua quãng thời gian khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình. Ông đã bắt đầu triển khai startup đầu tiên của mình, Elipva, và mô tả trải nghiệm của mình như là “đi trên tàu lượn siêu tốc từ những ngày sôi động của Web 1.0 cho đến ngày bong bóng Dot-com nổ tung”.

Cùng với một kỹ sư nữa, startup của ông mở rộng một cách nhanh chóng, tuyển dụng thêm 120 nhân viên và có mặt ở ba nước khác nhau. Trong thời gian này, ông đã được giới thiệu với “những sóng gió cuộc đời”.

“Đó là thời gian mà tôi phải làm việc cả tuần mà không về nhà, ngủ trong một cái túi ngủ trong văn phòng dưới bàn làm việc của mình và được người đồng sáng lập của công ty đánh thức vào buổi sáng.

Đó cũng là thời gian mà tôi phải cho nghỉ việc hầu hết các thành viên của công ty, khi tôi nhận ra rằng là một kỹ sư giỏi chưa chắc đã là một quản lý tốt, và những ý tưởng của tôi không phải là những ý tưởng tốt duy nhất. Tôi đã học được rằng dù ý tưởng và sản phẩm của bạn có tốt đến đâu, thì “một con gorilla 800 pound” (cụm từ ám chỉ một người hoặc một tổ chức có sức mạnh quá lớn, đến nỗi có thể làm những việc mà không cần quan tâm đến quyền lợi của những người khác hay pháp luật) cũng có thể đá bay bạn đi bằng cách cho đi các sản phẩm của họ một cách miễn phí. Và đôi khi bạn thức trắng đêm làm việc hàng tuần, hàng tháng trời cho một khách hàng, nhưng nếu họ đổi ý và quyết định không trả tiền cho bạn nữa, bạn cũng phải chấp nhận mà thôi”.

Nhưng điều mà  ông nhớ nhất trong khoảng thời gian này là những tình bạn mà ông gây dựng được. Khi startup của ông đi đến hồi kết vào năm 2003, ông đã có được kinh nghiệm để quản lý các kỹ sư, điều mà ông đã áo dụng tại startup tiếp theo Welcome Real Time của mình.

Ở đó, Chang đã chịu trách nhiệm xây dựng một đội ngũ phát triển mới ở Singapore và làm lại từ đầu, mở rộng đội ngũ của mình từ một vài kỹ sư lên đến con số 70 người.

Sự tương phản giữa hai công ty là rất rõ rệt. Ông giải thích: “Trong startup của riêng tôi, hầu như lúc nào cũng như là đang chơi tàu lượn siêu tốc và chúng tôi chơi ở chế độ sinh tồn (survival mode). Nhưng lần này là một công ty có nền tảng hợp lí với một sản phẩm đã có sẵn”.

Ông cũng thừa nhận rằng, ở Elipva, ông chỉ “làm bừa”. Ngược lại, khi bắt đầu làm việc ở Welcome Real Time, ông đã có đủ kinh nghiệm để tạo ra một đội ngũ mạnh mẽ.

Đây là những khoảng thời gian tươi đẹp với ông, nhưng công ty này sau đó đã được một công ty đầu tư mua lại. Chang coi đây là cơ hội của mình để rời đi, đặc biệt là khi Yahoo đang vẫy gọi.

Khoảng thời gian lang thang và khám phá

Theo ông Chang, Yahoo là kinh nghiệm thực tế đầu tiên của ông với một công ty công nghệ Mỹ. Đó là khi ông được “mở mang tầm mắt”.

“Vào thời điểm đó, Yahoo có lượng người dùng internet lớn nhất, với hơn 500 triệu người dùng, và điều đó thật không thể tin được”. Công nghệ và các nguồn lực sẵn có ở một mức độ khác hoàn toàn với  những gì mà ông đã từng làm việc cùng trước đây.

Đồng thời, những người mà ông làm việc cùng cũng có những quan điểm rất khác so với ông. Ông nói: “Làm việc trong một công ty tập trung vào người dùng trên toàn thế giới buộc bạn phải nhìn mọi thứ bằng một cái nhìn khác”.

Thật không may, khoảng thời gian gắn bó với Yahoo của ông không được lâu, khi công ty thay Giám đốc điều hành của mình.

“Tái cơ cấu là điều vẫn thường xảy ra. Đó là một phần của bất kì công ty nào. Nhưng trong trường hợp của các tổ chức và tập đoàn lớn hơn, những sự ảnh hưởng vượt quá những thay đổi tức thì và thường kéo dài hơn những gì mà bạn mong đợi. Điều này đặc biệt đúng khi những sự thay đổi diễn ra ở trên đỉnh công ty. Trong trường hợp của tôi, một sự thay đổi Giám đốc điều hành thôi cũng gây một tác động thảm khốc, và chỉ ít lâu, tôi cũng rời khỏi công ty”.

Điều này đã đánh dấu sự bắt đầu của một chủ đề xuyên suốt những công ty tiếp theo của ông: liên tục tái cơ cấu và thay đổi.

Ông nói: “Sau khi rời Yahoo, tôi đã cố gắng thực hiện nhiều vai trò khác nhau – quan trọng nhất trong số chúng là trở thành Giám đốc công nghệ tại Garena (giờ là Sea)”. Tại thời điểm đó, Sea chỉ là một startup nhỏ, với một đội ngũ kỹ thuật chỉ với 10 kỹ sư trẻ. Đây cũng là một trong những vai trò thú vị nhất mà ông từng đảm nhiệm từ trước đến nay.

Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất khi trở thành một kỹ sư phần mềm hàng đầu là bạn sẽ liên tục được những cơ hội ngày càng thú vị và thách thức mời gọi. Chang cũng không là ngoại lệ. Ông đã sớm được trao cơ hội để khởi tạo một phòng thí nghiệm nghiên cứu uy tín tại HP Labs.

Ở đó, vai trò của ông lại khác với những gì ông đã từng có trước đó. Thay vì quản lý các đội  kỹ sư và xây dựng các sản phẩm, ông làm việc với các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra các mục tiêu nghiên cứu. Theo ông: “Tôi đã có một quãng thời gian tươi đẹp được học hỏi những công nghệ mới, cách để xây dựng và vận hành một phòng thí nghiệm nghiên cứu, và thúc đẩy sử đổi mới từ những góc độ độc đáo”.

Tuy nhiên, tái cơ cấu lại một lần nữa làm ảnh hưởng đến hướng đi và mục tiêu của phòng thí nghiệm. “Khi có điều gì đó tốt đẹp hơn xảy đến, tôi đã đi với nó và tiếp tục cuộc hành trình của mình”.

Và “điều tốt đẹp hơn” ấy chính là Paypal.

PayPal và Singapore Power

Làm việc tại PayPal Singapore cũng giống với những gì ông đã từng làm tại Welcome Real Time. Ban đầu, ông được tuyển dụng để thành lập và điều hành một nhóm kỹ thuật khu vực để phát triển sản phẩm cho khu vực Mỹ Latinh và Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng chỉ ít lâu sau, ông đã quản lý đội ngũ kỹ sư tiêu dùng toàn cầu tại Singapore.

Làm việc tại một trung tâm phát triển từ xa có nghĩa là họ phải phát triển các sản phẩm dựa trên chiến lược của công ty. Tuy là một trải nghiệm học tập tốt, ông Chang muốn rằng mình có thể đưa sản phẩm và kỹ thuật ra bên ngoài Singapore. Đó là khi SP Group đã “nhảy vào”.

Đã có một số tin đồn khi ông rời Paypal và gia nhập SP. “Điều đó đã làm cho một số người ngạc nhiên vì SP là một công ty tiện ích có liên quan đến chính phủ, những người thường “la hét” những điều bảo thủ”, ông nhớ lại.

Mặc dù vậy, ông đã có thể mời gọi được một đội kỹ sư giỏi, những người được coi là “Avengers” của lập trình máy tính tại Singapore.

“Vai trò của tôi tại SP đã thu hút tôi ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ, công ty rất tập trung vào Singapore và xây dựng các sản phẩm cho Singapore, và đó là những gì mà tôi muốn làm.

Cơ hội tôi được trao đi kèm với sự tin cậy của ban lãnh đạo cấp cao và tôi đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ để làm những gì cần thiết để biến đổi tổ chức và đem lại lợi ích cho cộng đồng”.

Đã một năm kể từ khi Chang gia nhập công ty, và ông nghĩ rằng ông đã thành công trong việc thành lập một tổ chức tập trung vào Singapore. Đối với việc đem lại lợi ích cho cộng đồng, ông tin rằng mình đang trên đường để thực hiện mục tiêu đó.

Leo lên từng bậc thang

Đối với các kỹ sư phần mềm đang đọc bài viết này, có thể bạn sẽ thấy rằng mình nên lấy nó làm công cụ hướng dẫn mình đến với thành công – đi học đại học, thành lập một startup, và dùng những thứ vốn có của bản thân để “nhảy” sang một công ty lớn.

Tuy nhiên, theo ông Chang, không có công thức thần kì nào để có thể đưa sự nghiệp của bạn lên tầm cao mới. Các kỹ sư khác nhau có những nhu cầu và mong muốn khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong cuộc sống của họ, vì vậy không thể xác định được một công ty và môi trường làm việc hoàn hảo để có thể lựa chọn tham gia:

“Rất khó để có thể khái quát một kỹ sư phần mềm lý tưởng bởi vì điều đó không tồn tại. Ví dụ, đôi khi tôi thích lập trình khi nghe nhạc, nhưng khi khác thì tôi chỉ muốn được một mình trong không gian yên tĩnh lúc nửa đêm. Có những lúc tôi muốn có người khác ở xung quanh để có thể tiếp nhận ý tưởng, nhưng cũng có lúc tôi chỉ làm một mình trong một căn phòng khóa trái cửa”.

Như vậy, lời khuyên đầu tiên của ông là các kỹ sư nên học cách thích ứng và trở nên linh hoạt. Ví dụ, nếu bạn muốn có được ý tưởng của người khác, bạn có thể đến nơi làm việc của đồng nghiệp hay nói chuyện với ai đó. Tương tự, nếu bạn đang ở một nơi ồn ào và cần một khoảng thời gian không bị ai quấy rầy, hãy đeo tai nghe hoặc rời đi chỗ khác.

Lời khuyên thứ hai của ông: Hãy luôn làm việc chăm chỉ, kể cả khi nó không làm bạn thấy thỏa mãn. Ông nói: “Sự thỏa mãn là một thứ mang tính chủ quan. Điều khiến ai đó thỏa mãn có thể là thứ gây nên sự khó nhọc cho người khác”.

Đối với những người không theo ngành kĩ thuật, lời khuyên của ông là:

“Hãy cố gắng tìm hiểu những điều cần thiết để có thể hoàn thành tốt vai trò của mình. Ví dụ, dù cùng liên quan đến kỹ thuật, nhưng để trở thành một quản lý kỹ thuật giỏi thì bạn không nhất thiết phải là một kỹ sư giỏi”.

Tuy vậy, đối với ông Chang, thế nào là một ngày làm việc hoàn hảo?

Giống như bạn nghĩ, ông không hề có một ngày làm việc hoàn hảo. “Mỗi ngày, khi tôi đạt được một điều gì đó – dù lớn hay nhỏ – đều là một ngày làm việc tốt. Mọi thứ đều có thể được cải thiện”.

Văn Hoàn

BÌNH LUẬN