Việc chấm dứt sản xuất, kinh doanh xăng khoáng A92 sẽ được tiến hành từ ngày 1/1/2018, quy định này đang khiến doanh nghiệp lo lắng về vấn đề nguồn nguyên liệu còn thiếu thốn và chi phí phối trộn cao có thể dẫn đến “đội giá”.

Thay thế từ 1/1/2018

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học và lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

'Khai tu' xang A92: Chat vat lo xang sinh hoc thay the

Từ ngày 1/1/2018 sẽ chấm dứt sản xuất, kinh doanh xăng khoáng A92.

Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương về việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển nhiên liệu sinh học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và lộ trình áp dụng tỉ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, xăng RON 92 sẽ tồn tại đến hết ngày 31-12-2017

Đồng thời, kể từ ngày 1-1-2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ chấm dứt sản xuất, kinh doanh xăng khoáng A92.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Liên Bộ Công Thương- Tài chính tính toán lộ trình cụ thể, đôn đốc các doanh nghiệp và đơn vị đảm bảo nguồn cung, tính toán điều chỉnh giá, bảo đảm không gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của thương nhân và việc sử dụng của nhân dân.

Phó Thủ tướng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung etanol, mở rộng trạm phối trộn xăng E5 trên địa bàn khu vực miền Bắc và các địa phương khác… để đảm bảo từ ngày 1-1-2018 chỉ sản xuất kinh doanh xăng E5 RON 92 và xăng 95.

Quyết định trên đang khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành vô cùng lo lắng, bởi thời hạn áp dụng đã tới gần mà doanh nghiệp còn “vướng” nhiều vấn đề về chi phí cũng như nguồn nhiên liệu.

Thiếu nguyên liệu, “nặng” chi phí

Cụ thể, không giống như các quốc gia như Brazil và Mỹ có đầu vào xăng nhiên liệu sản xuất xăng sinh học rất rẻ với nguồn cung dồi dào thì Việt Nam lại chưa có vùng nguyên liệu lớn, việc triển khai quy mô sản xuất lớn cũng còn nhiều khó khăn.

'Khai tu' xang A92: Chat vat lo xang sinh hoc thay the

Cả nước có 7 nhà máy sản xuất ethanol sinh học dùng cho việc phối trộn xăng E5 với chi phí đầu tư hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng, đa số đã tạm dừng hoạt động hoặc “đắp chiếu”, đơn cử như nhà máy ở Phú Thọ, Quảng Nam, Đăk Nông và Bình Phước… Duy chỉ còn nhà máy Tùng Lâm còn hoạt động, công suất khoảng 150.000 tấn/năm.

Việc nguyên liệu khan hiếm cùng những gánh nặng về chi phí doanh nghiệp được cho là sẽ khiến giá thành xăng sinh học sẽ cao, điều này tác động trực tiếp tới người tiêu dùng. Khiến người dùng vốn trước giờ không “mặn mà” với xăng sinh học nay lại càng thiếu quan tâm sử dụng.

Trong khi đó, theo thống kê từ các cơ quan chức năng, hiện nay nhu cầu tiêu thụ xăng A92 chiếm 60% thị trường, 30% là xăng A95, còn lại là E5, vì vậy, doanh nghiệp lo lắng cho việc tiêu thụ loại xăng sinh học E5 sụt giảm cũng là có căn cứ.

Đơn cử như tại TP.HCM, số lượng cửa hàng xăng dầu có trụ bán xăng sinh học E5 trên địa bàn hiện là 240, chiếm chưa tới phân nửa tổng số điểm bán xăng dầu trên toàn TP. Sản lượng tiêu thụ bình quân của các điểm bán xăng trên chỉ đạt 8.053 m3/tháng, chiếm khoảng 6,2% tổng sản lượng tiêu thụ trên toàn địa bàn.

Không chỉ là vấn đề nằm ở phía người tiêu dùng, việc khai tử xăng A92, chuyển qua xăng sinh học còn vướng ở chi phí phát sinh cho doanh nghiệp. Khi mà xăng sinh học tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt cao và chiết khấu không hấp dẫn. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư mức chi phí chuyển đổi bồn chứa từ bán xăng A92 sang E5 mức phí khoảng 30 triệu đồng/bồn chứa.

Cả nước hiện có 29 công ty đầu mối nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, tuy nhiên chỉ mới có ba đơn vị thực hiện việc phối trộn xăng sinh học E5 là PV Oil, Petrolimex và Saigon Petro.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho hay các trạm phối trộn của đơn vị chỉ đủ khả năng đáp ứng nhu cầu bán xăng sinh học E5 trong hệ thống phân phối của tập đoàn. “Tùy theo quy mô mà chi phí đầu tư cho trạm phân phối khác nhau nhưng bình quân một trạm tốn khoảng 10 tỉ đồng” – ông Năm thông tin.

Mức chi phí chuyển đổi và phối trộn này sẽ khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.

Cùng với đó, ngoài cơ sở vật chất thì doanh nghiệp còn phải có phòng thí nghiệm mới được cấp phép pha chế. Chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm lên tới 10 tỉ đồng nhưng lại không dùng hết công suất nên càng làm doanh nghiệp nản lòng. Dẫn đến thực tế trước đây đã có những cửa hàng xăng dầu mở cột bán xăng E5 sau một thời gian lại đóng.

Giải pháp kích cầu

Do đó, ông Nguyễn Văn Mẫn – Giám đốc Cty Xăng dầu KV 4 – TNHH MTV cho rằng, để hỗ trợ các nhà máy sản xuất ethanol phục vụ cho việc sản xuất, pha chế xăng sinh học E5, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học nói chung và xăng sinh học nói riêng.

Có cùng quan điểm như trên, ông Phan Thế Ruệ – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – đề xuất, Nhà nước cần có chính sách để xăng E5 có giá thấp hơn xăng khoáng, với mức khoảng 1.000 đồng/lít, để khuyến khích người tiêu dùng chấp nhận và sử dụng nhiều hơn xăng sinh học E5.

Cùng với đó có sự hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng các cơ sở pha trộn, khuyến khích xây dựng các trạm bán xăng E5. Các địa phương cũng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, hạ tầng xây dựng để đầu tư cho các trạm xăng này.

Theo Thy Hằng/Diễn đàn DN

BÌNH LUẬN