Trong khi nhiều miền quê đốt rơm rạ, người dân xã Bình Trị (Quảng Nam) đi thu mua về làm nấm, mỗi tháng một hộ thu lãi 15 triệu đồng.

Vụ lúa đông xuân 2018 ở Quảng Nam còn 15 ngày nữa mới thu hoạch, ông Thái Tấn Dũng, xã Bình Trị (Thăng Bình, Quảng Nam) đã sốt sắng tìm lao động đi mua rơm về phục vụ cho hai trại trồng nấm.

Ảnh: Đắc Thành.

Người dân xã Bình Trị thu mua rơm đưa về sản xuất nấm. Ảnh: Đắc Thành.

Gắn bó với nghề làm nấm rơm bốn năm nay, mỗi năm ông Dũng cần 35 mẫu (17,5 hécta) rơm. Vào vụ gặt, ông đến các xã ở huyện Thăng Bình và Quế Sơn gặp chủ ruộng thương lượng giá cả mua rơm. Trung bình một mẫu lúa giá hai triệu, thêm hai triệu đồng thuê nhân công phơi khô và xe vận chuyển về nhà.

Số rơm đưa về, ông chất thành đống cao như quả núi trong vườn nhà, dùng làm nấm cho cả năm. Mỗi tháng, hai trại nấm của ông đóng 3.000 bịch, hết ba mẫu rơm. Từ lúc cho vào bịch cấy meo, 15 ngày sau lứa nấm đầu tiên được thu hoạch, tiếp đến khoảng 10 ngày nữa thì hết chu kỳ trồng nấm rơm.

“Trung bình mỗi đợt tôi thu khoảng hai tạ nấm, giá bán 70.000-250.000 đồng một kg”, ông Dũng chia sẻ. Trừ chí phí tiền rơm hết tám triệu đồng, tiền meo một triệu đồng, tiền công đóng bịch hết hai triệu đồng và một số khoản khác, ông lãi 15 triệu đồng.

Theo ông Dũng, chi phí làm trại nấm khoảng 10 triệu đồng, sử dụng trong vài năm. Vật liệu làm trại gồm ít cây tre, gỗ, ống nhựa và dùng bạt phủ lên mái. Vào mùa nắng, người trồng nấm dùng máy bơm nước tưới lên mái để hạn chế nắng nóng. Mùa mưa lạnh, họ thắp bóng điện tăng nhiệt độ cho nấm sinh trưởng.

Cũng trồng nấm nhiều năm, ông Trần Tứ, xã Bình Trị mỗi năm đi thu mua 20 mẫu (10 hécta) rơm. Đầu mùa gặt lúa, ông đến các xã lân cận mua rơm. Nếu số lượng chưa đủ, ông ra huyện Quế Sơn, Duy Xuyên cách nhà 20km.

“Máy gặt xong tôi phải đến tận ruộng trả tiền lấy rơm phơi khô, sau đó thuê xe chở về nhà. Trước đây ít người làm nấm, nguồn rơm dễ mua, giá rẻ nhưng nay nhiều người trồng nên giá đắt hơn và phải đi xa mới có”, ông Tứ nói.

Ảnh: Đắc Thành.

Ông Trần Tứ trồng nấm rơm mỗi tháng thu lãi 10 triệu đồng. Ảnh: Đắc Thành.

Ông Tứ khẳng định quê ông không nghề nào thu nhập cao như trồng nấm rơm. Mỗi tháng trại nấm của ông sản xuất 1.500 bịch, hết 1,5 mẫu rơm cho lãi khoảng 10 triệu đồng. Số tiền này so với chăn nuôi hoặc trồng lúa cao gấp rất nhiều lần.

“Nhưng làm nấm rơm rất vất vả, để có được cây nấm trải qua nhiều công đoạn. Có những đợt nấm ra không nhiều hoặc gặp thị trường bán giá thấp thì không có lãi lớn”, ông Tứ nói.

Vào ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, người dân mua nhiều nấm chế biến các món ăn chay, người dân xã Bình Trị sản xuất đúng dịp để bán. Hoặc dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu người dùng nấm nhiều, giá cao nên bà con chọn đúng thời điểm, thu lãi cao.

“Sản phẩm chúng tôi làm ra cung cấp cho thị trường trong tỉnh và TP Đà Nẵng, nấm hái xong thương lái về tận nhà thu mua và giá cả do họ quyết định”, ông Tứ cho biết.

Các trang trại trồng nấm thu hút nhiều lao động ở địa phương. Ông Trần Bảy, người làm công cho chủ trại nấm cho biết, vào vụ thu hoạch lúa ông đi gom rơm thuê thu vài trăm nghìn một ngày. Hết vụ rơm, ông về giúp các cơ sở nấm mỗi ngày kiếm 200 nghìn đồng tiền công. “Từ ngày nghề trồng nấm ở địa phương nhân rộng, tôi có việc làm thường xuyên”, ông Bảy chia sẻ.

Chủ tịch xã Bình Trị, ông Lê Viết Mãnh cho biết, nghề trồng nấm được hình thành ở xã 10 năm nay. Ban đầu chỉ một hộ nhưng sau đó cây nấm đem lại hiệu quả kinh tế, mọi người học hỏi nhân rộng.

“Toàn xã trên 100 hộ sản xuất nấm rơm, mỗi năm bà con thu mua hơn 1.000 hécta rơm ở Quảng Nam, giải quyết được một phần phế thải rơm rạ. Nông dân vì thế không phải đốt tại ruộng, làm giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn thu cho người trồng lúa”, ông Mãnh nói.

Ảnh: Đắc Thành.

Sau khi thu hoạch nấm, chất thải được các hộ trồng nấm vứt bỏ, chính quyền đang tính việc xây dựng nhà máy xử lý làm phân bón vi sinh cho cây trồng. Ảnh: Đắc Thành.

Theo ông Mãnh, Bình Trị là xã trung du, đất trồng lúa chỉ hơn 300 hécta, chủ yếu nhờ nước trời nên năng suất không cao. Xã không có nhà máy, xí nghiệp nên việc làm không có. Nếu trồng nấm rơm, mỗi tháng trừ chi phí hộ dân cho lãi 10-15 triệu đồng, nhiều hộ đã thoát nghèo, kinh tế khấm khá.

Trước việc mỗi tháng xã Bình Trị đón nhận hàng chục tấn nguyên liệu làm nấm thải ra, dùng làm phân bón cho cây trồng không hết, ông Mãnh nói: “Chúng tôi đã đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà máy xử lý làm phân vi sinh bón cho cây trồng. Hiện huyện Thăng Bình và Liên minh hợp tác xã Quảng Nam đồng ý đầu tư để xử lý dứt điểm chất thải sau khi thu hoạch nấm”.

Ở Quảng Nam, mỗi năm người dân canh tác hơn 80.000 hécta lúa, trong đó khoảng 10% diện tích được người dân đốt ngoài ruộng gây ô nhiễm môi trường. Số này tập trung ở thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Quế Sơn…

Đắc Thành

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN