“The Square”, “The Shape of Water” chiến thắng ở các liên hoan phim lớn còn “Call Me by Your Name”, “Lady Bird” được giới phê bình tán dương.
The Shape of Water
Ngay từ giai đoạn chuẩn bị, The Shape of Water đã nhận được nhiều sự quan tâm từ báo chí lẫn khán giả yêu điện ảnh bởi đánh dấu sự tái xuất của đạo diễn quái kiệt Guillermo del Toro. Đáp lại sự mong đợi đó, bộ phim chinh phục giới phê bình và trở thành một trong những tác phẩm được khen ngợi nhiệt liệt nhất năm nay. Tác phẩm đã có những thành tích đáng nể như giành giải Sư Tử Vàngtại Liên hoan phim Venice (Italy), dẫn đầu số lượng đề cử Quả Cầu Vàng, Critics’ Choice Award.
Một cảnh quay đẹp mắt trong “The Shape of Water” |
The Shape of Water xoay quanh Elisa (Sally Hawkins) – cô gái lao công câm làm việc tại một phòng thí nghiệm của chính phủ Mỹ. Khi chăm sóc một thủy quái hung tợn trong bể nước, cô dần nảy sinh tình cảm với nó. Sinh vật này không để ý đến những khiếm khuyết của Elisa mà nhìn thấy những điều tốt đẹp bên trong cô. Tạp chí Indiewire đánh giá bộ phim là câu chuyện cổ tích đáng kinh ngạc, tôn vinh sức mạnh của tình yêu và thể hiện tầm nhìn điện ảnh bậc thầy.
The Square
Sau khi giành giải “Nhãn quan Độc đáo” tại Liên hoan phim Cannes 2014 với Force Majeure, đạo diễn Ruben Östlund tiếp tục gây ấn tượng trong năm 2017 với The Square. Tác phẩm chinh phục giải Cành Cọ Vàng – phần thưởng cao nhất của Liên hoan phim Cannes 2017 ở Pháp. Bộ phim hài châm biếm Thuỵ Điển cũng được cử đi tranh giải “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc” của Oscar 2018 và là một trong chín phim lọt vào vòng trong.
Lấy nhân vật trung tâm là Christian (Claes Bang) – một nhà giám tuyển bảo tàng nghệ thuật, bộ phim lột tả theo hướng trần trụi và châm biếm sự bất ổn của nghệ thuật, chính trị bên dưới đời sống thượng lưu. The Square được giới phê bình đánh giá là một tác phẩm thông minh và sắc bén nhờ xây dựng được không khí vừa hài hước vừa căng thẳng, giúp truyền tải thông điệp mạnh mẽ.
Cảnh giả khỉ trong “The Square”. |
Tác phẩm có những trích đoạn đáng nhớ, ấn tượng nhất là cảnh nhân vật Oleg (Terry Notary đóng) đóng giả con tinh tinh trong một buổi tiệc xa hoa của giới thượng lưu. Ngoài đời thật, Terry là diễn viên motion-capture (công nghệ ghi lại chuyển động của diễn viên, kết hợp kỹ xảo để tạo ra nhân vật), từng hóa thân chú tinh tinh Rocket của loạt phim Planet of the Apes và khỉ Kong trong Kong: Skull Island.
The Killing of a Sacred Deer
Sau Dogtooth và The Lobster, sự tái hợp của bộ đôi đạo diễn – biên kịch người Hy Lạp Yorgos Lanthimos và Efthymis Filippou lại mang đến cho điện ảnh một sản phẩm chất lượng. The Killing of a Sacred Deer gây ấn tượng bởi câu chuyện độc đáo, kết hợp với lối dẫn dắt và xây dựng nhân vật lôi cuốn. Bộ phim thắng giải “Kịch bản xuất sắc” tại Cannes 2017, đồng thời cũng giúp Lanthimos nhận một đề cử “Đạo diễn xuất sắc”.
The Killing of a Sacred Deer lấy cảm hứng từ vở kịch Hy Lạp kinh điển Iphigenia in Aulis của Euripides. Câu chuyện trong kịch kể về nàng Iphigenia phải chết thay cho tội lỗi của cha mình. Khi lên phim, cốt truyện này được tái hiện trong bối cảnh hiện đại, kết hợp với những chất liệu siêu thực.
Nicole Kidman thủ vai người vợ trong phim. |
Phim xoay quanh gia đình của vị bác sĩ chuyên phẫu thuật tim Steven (Colin Farrell), vốn êm đềm bỗng chốc đảo lộn vì sự xuất hiện của Martin (Barry Keoghan) – một cậu bé kỳ quặc muốn đòi lại công bằng cho người cha đã chết. Tác phẩm được nhiều tạp chí uy tín chấm điểm cao, trong đó tờ Telegraph đánh giá đây là phim độc đáo và gây ám ảnh nhất năm.
Loveless
Từ năm 2011, cứ mỗi ba năm đạo diễn người Nga Andrey Zvyagintsev lại cho ra đời một tác phẩm giành giải tại Cannes. Sau Elena (2011, giải của Ban giám khảo – Jury Prize) và Leviathan (2014, giải Kịch bản Xuất sắc), tác phẩm mới nhất của anh là Loveless tiếp tục chinh phục giải Jury Prize.
Nhân vật chính trong phim là đôi vợ chồng đã ly dị Zhenya (Maryana Spivak) và Boris (Aleksey Rozin). Khi cả hai đang chuẩn bị cho cuộc sống riêng thì cậu con trai Alyosha mất tích, khiến họ phải cùng nhau tìm kiếm.
Tuy có câu chuyện khá đơn giản, nặng tính chính kịch, đạo diễn Zvyagintsev vẫn tạo nên dấu ấn cá nhân bằng việc xây dựng không khí lạnh lẽo và bí ẩn như những tác phẩm hình sự. Tờ Guardian đánh giá phim là tuyệt tác về bi kịch gia đình hiện đại, một lời cảnh tỉnh dành cho các bậc phụ huynh về vấn đề con cái trong những cuộc hôn nhân đổ vỡ.
On Body and Soul
Sau hơn 10 năm xa rời màn ảnh rộng, nữ đạo diễn Ildikó Enyedi trở lại cùng bộ phim On Body and Soul. Tác phẩm giành giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim Berlin (Đức), đồng thời giúp Alexandra Borbély nhận giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc” của Viện Hàn lâm Phim châu Âu.
Bộ phim xoay quanh chuyện tình của Endre và Mária – bộ đôi có những khiếm khuyết về thể chất nhưng có mối liên kết kỳ lạ – gặp nhau trong giấc mơ với hình hài những chú nai. Những hình ảnh trong mơ cũng gợi ý nghĩa tâm linh về một khởi đầu mới, tình yêu mới, đồng thời giữ vai trò dẫn chuyện trong phim.
Alexandra Borbély trong vai chính. |
Các nhân vật được xây dựng độc đáo và có chiều sâu, giúp người xem dễ đồng cảm. Tờ Screen International đánh giá On Body and Soul là một câu chuyện tình sâu sắc và lôi cuốn, đề cao những sự kết nối thầm kín giữa người với người.
Three Billboards Outside Ebbing, Missouri
Tác phẩm về cuộc sống miền quê nước Mỹ của đạo diễn Martin McDonagh gây ấn tượng nhờ sự kết hợp tuyệt vời giữa bạo lực và hài hước, trở thành một ví dụ tiêu biểu cho dòng phim hài đen tối (dark comedy). Bộ phim giành giải “Kịch bản xuất sắc” tại Liên hoan phim Venice, đồng thời nắm giữ nhiều đề cử tại SAG Awards và Quả Cầu Vàng.
Câu chuyện kể về hành trình đi tìm công lý của người mẹ tên Mildred (Frances McDormand) sau khi người con gái bị giết hại. Đối mặt với sự thờ ơ của nhân viên công quyền, Mildred thuê ba tấm bảng quảng cáo để phơi bày sự việc và gây áp lực cho giới chức.
Ba tấm bảng trong phim. |
Trên nền một kịch bản chắc tay, kết hợp những màn hoá thân xuất sắc của Sam Rockwell, Woody Harrelson và đặc biệt là nữ diễn viên chính Frances McDormand, bộ phim trở thành một “lễ hội của bạo lực” như nhận xét đến từ tờ Guardian.
Call Me by Your Name
Từ khi ra mắt tại Liên hoan phim Sundance (Mỹ) hồi đầu năm, bộ phim của đạo diễn Italy – Luca Guadagnino – ngay lập tức chiếm cảm tình của những cây bút điện ảnh. Hiện tại tác phẩm đã giành hơn 100 giải thưởng và đề cử lớn nhỏ, được giới chuyên môn dự đoán là một ứng viên sáng giá trên đường đua Oscar sắp tới.
Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của André Aciman, Call Me by Your Name là câu chuyện lãng mạn về những rung cảm cùng giới giữa Elio (Timothée Chalamet) và Oliver (Armie Hammer) vào thập niên 1980 ở Italy. Bộ phim được phối hợp sản xuất và êkíp đến từ nhiều quốc gia, nhưng dưới sự cầm trịch của đạo diễn Luca Guadagnino, tác phẩm mang đậm chất lãng mạn Italy thông qua bối cảnh, lời thoại, hình thái phân cảnh và chiều sâu trong câu chuyện.
Các tờ báo uy tín như Hollywood Reporter, Indiewire, Variety đều dành điểm số tuyệt đối cho phim. Trang Indiewire và Guardian dành tặng tác phẩm những mỹ từ như “tuyệt tác”, “đỉnh cao”.
Mudbound
Tác phẩm của hãng Netflix không ra rạp mà chỉ phát hành trực tuyến và chiếu hạn chế tại các liên hoan phim. Bộ phim nhận được đánh giá tích cực, giành giải Gotham cho dàn diễn viên xuất sắc, đồng thời nhận đề cử tại SAG Award và Quả Cầu Vàng. Mudbound được xem là “át chủ bài” của Netflix để cạnh tranh với các phim phát hành chính thống trong mùa giải thưởng sắp tới.
Câu chuyện xoay quanh hai cựu binh Mỹ trở về sau Thế chiến thứ hai, đối mặt với sang chấn tâm lý hậu chiến và nạn phân biệt chủng tộc nơi quê nhà. Đạo diễn kiêm biên kịch Dee Rees tạo ra được điểm nhấn cho bộ phim nhờ cách dẫn chuyện đa tuyến. Màn diễn xuất của dàn diễn viên Mary J. Blige, Jonathan Banks, Jason Clarke và Carey Mulligan cũng tự nhiên và ăn ý. Phim nhận đến 97% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes với điểm số trung bình 8,2.
Lady Bird
Sau nhiều năm giữ vai trò diễn viên và biên kịch, Greta Gerwig gây bất ngờ khi thể hiện tài năng trong phim đầu tiên đạo diễn. Bộ phim kể về cuộc sống và tâm tư của cô nàng 17 tuổi Christine (Saoirse Ronan). Ở tuổi vị thành niên, cô trải qua không ít khó khăn trong mối quan hệ với gia đình,bạn bè. Cùng Call Me by Your Name, Lady Bird là “thỏi nam châm” hút giải thưởng của năm. Tác phẩm hiện nhận 48 giải thưởng và 97 đề cử ở nhiều hạng mục, từ đạo diễn, biên kịch đến diễn xuất.
Tác phẩm ghi điểm trong lòng người xem nhờ sự chân thực và duyên dáng, giống như nữ đạo diễn trẻ Greta Gerwig đang kể lại câu chuyện của chính mình. 99% nhà phê bình đánh giá tích cực về phim trên Rotten Tomatoes. Tờ Indiewire ngợi khen Lady Bird là một “sự mê hoặc”, đồng thời nhận xét Saoirse Ronan có vai diễn tuyệt vời nhất trong sự nghiệp.
Blade Runner 2049
Blade Runner 2049 là phần tiếp theo của phim kinh điển Blade Runner (1982). Đây là tác phẩm đặc biệt trong năm – một dự án có kinh phí 150 triệu USD nhưng được thực hiện với phong cách nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn Dennis Villeneuve chứ không đi theo những quy chuẩn thông thường của bom tấn Hollywood. Hội tụ đủ giá trị về nghệ thuật lẫn thương mại, bộ phim làm hài lòng cả giới chuyên môn lẫn những người hâm mộ lâu năm của thương hiệu Blade Runner.
Hai cảnh có màu sắc đẹp trong “Blade Runner 2049”. |
Trong phần mới, câu chuyện xoay quanh nhân vật K (Ryan Gosling) – một cảnh sát chuyên truy lùng robot nhân bản đời cũ để thanh trừng. Trên hành trình, K đối mặt với những vấn đề về xuất thân, nhiệm vụ và tình cảm của mình. Qua đó, tác phẩm đặt ra nhiều câu hỏi triết học về sự tồn tại, linh hồn. Đạo diễn Denis Villeneuve kế thừa và phát huy tốt những di sản từ vị đạo diễn tiền nhiệm là Ridley Scott, đồng thời gây ấn tượng qua cách dựng cảnh và dùng màu sắc. Các tờ báo uy tín như Rolling Stone, Indiewire đều dùng từ “kinh điển” khi nhận định về tác phẩm.
Minh Dương