Nhà làm phim khen ngợi tác phẩm gây tranh cãi của Leonardo DiCaprio ở chương trình “Gặp gỡ mùa thu”.
Đây là lần thứ năm Trần Anh Hùng về nước tham gia chương trình điện ảnh phi lợi nhuận do đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc tổ chức. Nhà làm phim từng được đề cử Oscar “Phim nói tiếng ngoài xuất sắc” giảng dạy ở lớp đạo diễn. Các học viên của anh bao ba người Việt Nam và chín người nước ngoài, trong đó có Jovi Lee Yi-shan – nữ đạo diễn trẻ vừa thắng giải Kim Mã “Phim ngắn xuất sắc” 2017 với Babe’s Not Alone.
Trần Anh Hùng cho biết trong 10 năm qua, anh đánh giá cao phim The Wolf of Wall Street (2013). Tác phẩm do Martin Scorsese đạo diễn và Leonardo DiCaprio đóng chính, dựa trên hồi ký của tay đầu cơ chứng khoán Jordan Belfort. Phim có cái nhìn thản nhiên với các yếu tố nhạy cảm, bao gồm nhiều cảnh tình dục và sử dụng chất kích thích.
Ngoài ra, The Wolf of Wall Street còn giữ kỷ lục là phim dùng một từ tục tĩu trong tiếng Anh nhiều lần nhất lịch sử điện ảnh (506 lần). Khi ra mắt, tác phẩm khiến nhiều khán giả tức giận và chỉ nhận điểm C trên thang đo CinemaScore dành cho người xem. Tuy nhiên, Trần Anh Hùng nhận xét: “Đây là tác phẩm xuất sắc, có ngôn ngữ điện ảnh thú vị. Chủ đề của phim là sự thô tục của con người. Để phân tích trọn vẹn phim này cần rất nhiều thời gian”.
Cũng như mọi năm, đạo diễn Việt kiều giảng dạy bằng cách cho cả lớp xem và phân tích các tác phẩm xuất sắc của điện ảnh thế giới. Trần Anh Hùng dành gần tám giờ để phân tích phim Eyes Wide Shut (1999) của đạo diễn Stanley Kubrick. “Khi tác phẩm này ra đời, nó bị một số cây bút phê bình đánh giá kém. Nhiều người mô tả Kubrick như một lão già thích cho phụ nữ lõa lồ trong phim (bởi phim có nhiều cảnh khỏa thân)”, anh chia sẻ. Tuy nhiên, Trần Anh Hùng xem đây là tuyệt tác và là một trong ba phim hay nhất của đạo diễn bậc thầy này, bên cạnh 2001: A Space Odyssey (1968) và Barry Lyndon (1975).
Câu chuyện trong Eyes Wide Shut xoay quanh một cặp vợ chồng (Tom Cruise và Nicole Kidman đóng). Sau khi người vợ thú nhận từng có tình ý với người khác, người chồng – vốn là bác sĩ – bắt đầu suy nghĩ đến việc ngoại tình, cuối cùng tìm đến một giáo phái bí ẩn nơi hàng chục người đàn ông và phụ nữ lõa thể quan hệ tập thể. Trong lúc xem, Trần Anh Hùng nhiều lần dừng lại để phân tích từng khung hình, diễn biến tâm lý nhân vật, diễn xuất cũng như cách kể chuyện của Kubrick.
Tác phẩm Rosetta (1999) – câu chuyện một cô gái 17 tuổi nuôi bản thân và người mẹ nghiện rượu – cũng được đạo diễn dành nhiều thời gian để bàn luận. Anh cho rằng tác phẩm có tính tôn giáo dù trong phim không bàn trực tiếp đến chủ đề này.
Trần Anh Hùng khi giảng dạy. |
Trong các buổi giảng, Trần Anh Hùng giữ chất giọng nhẹ nhàng, ấm áp nhưng rất nghiêm khắc trong tranh luận. Anh yêu cầu các học viên phải tìm được từ chính xác để nói về cảnh phim, phải đọc được ngôn ngữ điện ảnh và ý đồ của nhà làm phim chứ không chỉ dừng ở việc mô tả bề ngoài. Một câu hỏi quan trọng anh thường đặt ra là: “Tại sao có trích đoạn này? Đạo diễn đặt nó vào để làm gì?”.
Ở cuối chương trình, đạo diễn Éternité trò chuyện trực tiếp với học viên về những khó khăn và cách để tiến bộ. Anh nói: “Điều quan trọng mà tôi muốn truyền tải là bố cục của một tác phẩm nghệ thuật. Chỉ có qua ngôn ngữ điện ảnh và khả năng bố cục chặt chẽ thì phim mới tạo ra nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Kịch bản và cách dùng máy quay phải ăn khớp nhau một cách tinh tế”. Anh khuyên các nhà làm phim trẻ phải xem nhiều tác phẩm được đánh giá cao, tập trung chú ý và đưa ra lý giải về chúng.
Chia sẻ về các học viên, Trần Anh Hùng cho biết: “Họ đều từng làm phim ngắn, đa số tác phẩm được thực hiện với máy cầm tay, tạo ra một thứ năng lượng rất thú vị. Dù họ đã có kinh nghiệm, những ý tưởng mà tôi truyền đạt vẫn còn mới với họ. Phải chờ đến phim điện ảnh đầu tay mới có thể đánh giá chính xác trình độ của họ”.
“Gặp gỡ mùa thu” là hoạt động điện ảnh phi lợi nhuận được tổ chức hàng năm nhằm mở rộng giao lưu, đối thoại giữa điện ảnh Việt Nam với các nước trên thế giới, đồng thời hỗ trợ các tài năng điện ảnh trẻ trong nước giai đoạn đầu sự nghiệp. Sau bốn năm tổ chức, nhiều dự án phim được phát hiện từ đây đã có cơ hội tìm đến các chợ phim thế giới.
Ngoài các khóa học chuyên sâu về điện ảnh, “Gặp gỡ mùa thu” còn tổ chức nhiều chương trình cơ bản của các liên hoan phim như Chợ dự án phim quốc tế hay hội thảo bàn luận về các vấn đề đương đại. Không chỉ quy tụ giới làm phim, sự kiện nhận được quan tâm và ủng hộ của nhiều cơ quan, ban ngành trong nước.
Ân Nguyễn