Người nhiễm nCoV ngoài được bảo hiểm xã hội chi trả phí điều trị còn được các công ty bảo hiểm nhân thọ bồi thường.
Gia đình chị Thanh Nhàn, quận Gò Vấp, TP HCM có bốn thành viên, đều tham gia bảo hiểm y tế lẫn nhân thọ. “Trước giờ tôi chỉ biết các trường hợp đau ốm hoặc tai nạn thì được bảo hiểm, còn dịch bệnh, nếu chả may lỡ nCoV thì không rõ sẽ thế nào”, chị chia sẻ.
Về việc này, Bộ Y tế cho biết, tất cả trường hợp mắc viêm phổi do nCoV – thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A – khi đã công bố dịch trên toàn quốc đều được điều trị miễn phí.
Đồng thời, các ca bệnh nghi ngờ; có thể nhiễm; xác định nhiễm nCoV đều được chẩn đoán, điều trị. Danh mục thiết bị y tế, thuốc, vật tư y tế tiêu hao để chẩn đoán, điều trị sẽ theo hướng dẫn của Cục Quản lý khám chữa bệnh.
Trường hợp bị áp dụng biện pháp cách ly y tế mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị bệnh khác cũng được bảo hiểm. Cụ thể, với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán chi phí điều trị các bệnh khác trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế như trường hợp cấp cứu, trừ chi phí khám chữa bệnh đã được miễn đối với những ca liên quan tới nCoV.
Riêng với những người tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng được các công ty cam kết chi trả đầy đủ. Công ty Hanwha Life Việt Nam cho biết, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hiện tại không loại trừ việc nằm viện và điều trị vì dịch bệnh. Trừ khi dịch bệnh này được xác nhận chính thức là hậu quả của hành động cố ý hay vô ý tấn công bằng vũ khí sinh học.
Ngoài ra, nếu người tham gia bảo hiểm không may tử vong vì nhiễm nCoV, công ty cũng xem xét chi trả tùy theo sản phẩm bảo hiểm mà khách hàng tham gia. Các quy định loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không từ chối việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm nếu khách hàng tử vong vì dịch bệnh, như nCoV.
Tương tự, Công ty bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam cũng cam kết chi trả các quyền lợi bảo hiểm bao gồm hỗ trợ viện phí, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và tử vong (nếu có) liên quan nCoV. Ngoài ra, nằm viện điều trị từ 1-9 ngày được công ty này hỗ trợ 10 triệu đồng một người, từ 10 đến 30 ngày được hỗ trợ 20 triệu đồng và 30 ngày trở lên là 30 triệu đồng.
Còn Công ty Bảo Việt Nhân Thọ vẫn đảm bảo không loại trừ và chi trả quyền lợi cho các khách hàng chẳng may nhiễm bệnh do nCoV, bất kể trong trường hợp WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hoặc Việt Nam tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Đồng thời, hãng cũng miễn thời gian chờ với quyền lợi trợ cấp viện phí, bệnh lý nghiêm trọng và tử vong theo tất cả các sản phẩm của công ty. Khách nằm viện cách ly do nhiễm nCoV được chi trả 2 lần số tiền bảo hiểm của quyền lợi trợ cấp viện phí thông thường.
Theo Bộ Tài chính, dịch bệnh nCoV khiến chi phí bồi thường của các doanh nghiệp tăng lên ở mức vừa phải nhưng không đáng kể vì hầu hết đã được bảo hiểm xã hội chi trả. Ngoài ra, việc thanh toán chi phí bồi thường thực tế có thể xảy ra 1-2 tháng sau sự cố. Do đó, tác động tiêu cực sẽ không diễn ra ngay đối với kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm trong quý I. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trên diện rộng và kéo dài, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải tăng chi phí bồi thường, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận định rằng, sự kiện này cũng có tác động tích cực đối với thị trường bảo hiểm qua việc nhận thức của người dân về vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm được nâng lên.
Thanh Lê
theo vnexpress.net