Trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2019, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung năm 2019, cả nước có 320.700 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, gấp 2,5 lần số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết trong năm 2018 (53 trường hợp tử vong); 103.900 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (1 trường hợp tử vong); 578 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do virus (14 trường hợp tử vong); 27 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu (1 trường hợp tử vong); 41.800 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 8.200 trường hợp mắc sởi (3 trường hợp tử vong); 409.800 trường hợp mắc bệnh cúm (10 trường hợp tử vong), đặc biệt càng về cuối năm, số người mắc bệnh cúm tăng cao.

Sức khỏe - Đề phòng dịch cúm bùng phát những ngày cận Tết Nguyên đán 2020
Ảnh minh họa

Hiện nay, thời tiết mùa Đông Xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, là nguyên nhân chính khiến các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan trong cộng đồng.

Cùng với thời tiết mùa xuân và sự gia tăng giao lưu đi lại trong dịp Tết, mùa lễ hội là điều kiện rất thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh sởi và cúm ở người lây lan và bùng phát.

Trả lời tờ Dân Sinh, PGS.TS Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết, mùa đông xuân và những tháng cuối năm là thời điểm dễ lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm.

Các bệnh cần đặc biệt chú ý gồm lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, các bệnh cúm, tiêu chảy, liên cầu lợn…

Trước đó, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy số người mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, nhất là tại khu vực châu Phi tăng đến 700%, so với cùng kỳ năm 2018. WHO cũng đã chỉ rõ, việc một bộ phận người dân e ngại sử dụng vaccine đang là mối đe dọa lớn toàn cầu hiện nay.

“Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 49 trường hợp tử vong. Cùng với đó, bệnh cúm, sởi, ho gà, liên cầu lợn, cúm gia cầm là những bệnh truyền nhiễm hay gặp trong mùa đông – xuân ở nước ta”- PGS.TS nhấn mạnh.

Năm 2019, TP. Hà Nội tích cực thực hiện tổng vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh với 2.477 lượt vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại 30 quận, huyện, thị xã; tổ chức 218 chiến dịch phun hóa chất chủ động với 265.024/300.346 lượt hộ gia đình, 479 công trường xây dựng, 2.090 khu công cộng được phun hóa chất. Đảm bảo đầy đủ hóa chất sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm và các hoạt động đáp ứng phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, Cục Y tế dự phòng, bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, đồng thời thực hiện đúng các yêu cầu vệ sinh do bộ Y tế khuyến cáo nhằm ngăn chặn dịch bệnh, đảm bảo một cái Tết đúng nghĩa.

Minh Anh (Tổng hợp)

theo nguoiduatin.vn

BÌNH LUẬN