Người dân Triều Tiên sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi và tận hưởng các lợi ích của viễn thông di động dù không thể kết nối với bên ngoài.

Những phụ nữ ở Bình Nhưỡng sử dụng điện thoại di động thông minh. Ảnh: Kyodo News.
Những phụ nữ ở Bình Nhưỡng sử dụng điện thoại di động thông minh. Ảnh: Kyodo News.

Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) cao nhất thế giới với số smartphone đang được sử dụng cao hơn cả dân số. Và ở phía bên kia vĩ tuyến 38, người dân Triều Tiên cũng bắt đầu sử dụng rộng rãi smartphone dù không được tiếp cận với thế giới bên ngoài.

Triều Tiên sản xuất smartphone từ khoảng 5 năm trở lại đây với ba nhà sản xuất đang bán sản phẩm ở thị trường trong nước, bao gồm Arirang, Pyongyang và Jindallae. Số người dùng smartphone ở Triều Tiên đã vượt 3,8 triệu vào năm 2017, tương đương 15% dân số, theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc. Nhiều người dân Triều Tiên cũng đang sử dụng các smartphone thương hiệu Trung Quốc.

Khi đến Hàn Quốc cách đây 5 năm, Lee, một người đào tẩu Triều Tiên, 50 tuổi, sửng sốt trước cuộc sống hiện đại tại đây. Bà cho biết những khu phố mua sắm sầm uất ở Seoul và tuyến tàu cao tốc KTX đã làm bà choáng ngợp. Với Lee, chỉ có những chiếc smartphone ở Hàn Quốc là điều mà bà cảm thấy thân thuộc giống như ở quê nhà.

Theo lời Lee, một người họ hàng ở Triều Tiên đã tặng bà chiếc smartphone Trung Quốc để gọi điện, nhắn tin và chơi các game đơn giản. “Hầu hết người dân ở Bình Nhưỡng đều dùng smartphone. Ban đầu, chúng được sử dụng bởi các nhà đầu tư, các lãnh đạo đảng và đặc biệt là các thương nhân, những người cần trao đổi thông tin nhanh chóng trong công việc kinh doanh. Tuy nhiên, về sau, chúng trở nên phổ biến đối với cả dân thường”, Lee nói.

Kim Bong-sik, một nhà nghiên cứu ở Viện Phát triển Xã hội Thông tin Hàn Quốc, trụ sở ở tỉnh Chungcheong Bắc, Hàn Quốc, cho hay Triều Tiên đã tự sản xuất smartphone và máy tính bảng từ năm 2014 để ngăn ngoại tệ chảy sang Trung Quốc.

“Những smartphone thương hiệu Triều Tiên cung cấp dịch vụ gọi điện, trò chơi điện tử, các bài hát nhạc Pop và cho phép người dùng xem cả phim truyền hình. Tuy nhiên, các cuộc gọi quốc tế và kết nối Internet bị cấm”, Kim viết trong một báo cáo dựa trên các cuộc phỏng vấn với những người đào tẩu Triều Tiên.

Kim cho biết giá smartphone ở Triều Tiên dao động từ 100 – 400 USD/chiếc. Trong khi đó, gói thuê bao cơ bản hàng tháng khoảng 1,2 USD, cho phép người dùng smartphone thực hiện 200 phút gọi và 200 tin nhắn miễn phí. Mức phí thuê bao cao hơn là 13 USD, áp dụng cho 100 phút gọi tiếp theo. Mỗi người dân Triều Tiên chỉ được đăng ký một thuê bao di động.

Theo Ed Jones, phóng viên ảnh của hãng tin AFP, thường trú ở Seoul, Hàn Quốc, người thường xuyên đến Bình Nhưỡng, các thương hiệu smartphone Triều Tiên sử dụng hệ điều hành Android. Người dùng smartphone ở Triều Tiên cũng có thể chơi điện tử thông qua các ứng dụng game mà họ cài đặt từ những cửa hàng offline.

Alek Sigley, nghiên cứu sinh tại Đại học Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, cho hay các cửa hàng này có mọi ứng dụng từ game, giải trí cho đến kinh doanh và giáo dục. Nhiều ứng dụng dường như là phiên bản nhái hoặc chỉnh sửa từ các ứng dụng nước ngoài và một số trò chơi điện tử do các công ty trong nước sản xuất.

“Các ứng dụng như Naui Kiltongmu, phiên bản Netflix của Triều Tiên hay ứng dụng nghe nhạc Meari và các ứng dụng eBook (Ryomyong và Kwangmyong) đều có sẵn ở Triều Tiên”, Sigley cho biết trong một bài viết trên trang NK News hồi tháng hai.

Dù smartphone giúp cuộc sống trở nên tiện lợi hơn cho nhiều người dân Triều Tiên, Bình Nhưỡng không cho phép dân thường kết nối Internet với thế giới bên ngoài. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Triều Tiên lo ngại người dân tiếp cận các thông tin “không lành mạnh”, có thể đe dọa chế độ.

Việc sử dụng smartphone cũng bị hạn chế trong mạng nội bộ do nhà nước quản lý. Mạng Internet kết nối với bên ngoài chỉ được cung cấp cho một số ít người nước ngoài. Ví dụ Đại sứ Anh tại Bình Nhưỡng thường xuyên đăng trên tài khoản Twitter của ông các bức ảnh ông đi bộ vào dịp cuối tuần hoặc đi công tác trên khắp đất nước Triều Tiên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết một số người dân sống gần biên giới Trung Quốc có thể truy cập Internet thông qua mạng không dây của Trung Quốc. Song điều này rất nguy hiểm vì bất cứ ai bị phát hiện nghe các chương trình phát thanh và truyền hình của “kẻ thù” hoặc truy cập thông tin từ bên ngoài sẽ đối mặt với án phạt 5 năm lao động khổ sai.

Hồng Vân (Theo Nikkei Asian Review)

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN