Cùng với quá trình hội nhập và sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp nhựa Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành này cũng đang gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là về nguyên liệu.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), việc Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho DN xuất khẩu sản phẩm từ nhựa. Các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ và thuế xuất khẩu được hưởng nhiều ưu đãi. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU, Nhật Bản vẫn ở mức cao, trong khi đó, khách hàng tại các quốc gia này ngày càng ưa thích sản phẩm nhựa Việt Nam. Tại Hội thảo “Ngành nhựa, in ấn, đóng gói tại Việt Nam – Cơ hội lớn từ Cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra mới đây, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, trong 10 năm qua, ngành nhựa có mức tăng trưởng 15 – 20%/năm.

nganh nhua giam phu thuoc nguyen lieu nhap khau
Ngành nhựa đang phải nhập tới 80% nguyên liệu

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, với ngành nhựa, mặc dù có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển nhưng sức ép cạnh tranh cũng gia tăng. Ngoài áp lực công nghệ và dây chuyền hiện đại, thì việc chạy theo nhu cầu thị trường cũng gia tăng áp lực cho DN trong nước.

Trong khi đó, các DN FDI có nhiều lợi thế hơn với máy móc, công nghệ tiên tiến, dây chuyền sản xuất khép kín từ A đến Z, hầu hết tự động hóa, nên chi phí thấp và năng suất rất cao. Hơn nữa, các DN FDI có kinh nghiệm về quản trị, tài chính mạnh lại được sự hỗ trợ từ các công ty mẹ, thậm chí chấp nhận lỗ từ 3 – 5 năm để chiếm lĩnh thị trường, còn DN nội địa chỉ cần lỗ 1, 2 năm có thể phải đóng cửa.

Đáng nói hơn, mỗi năm ngành nhựa Việt Nam cần trung bình 2 – 2,5 triệu tấn nguyên vật liệu, nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 75 – 80%. Việc phụ thuộc nguyên liệu nhựa nhập khẩu đã và đang làm tăng chi phí đầu vào theo giá nguyên liệu nhập (giá nguyên liệu chiếm từ 60% đến 70% giá thành sản xuất) và tăng rủi ro tỷ giá, giảm sự chủ động, sức cạnh tranh và khó tận dụng được ưu đãi thuế quan bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, nếu thiếu nguyên liệu nhựa kéo dài, việc vỡ kế hoạch sản xuất sẽ khiến DN phải bồi thường hợp đồng đã ký và có thể mất hợp đồng tương lai.

Vì vậy, trong thời gian tới, DN cần chủ động tái cơ cấu đầu tư hoặc tăng cường năng lực nghiên cứu, tập trung đầu tư máy móc, theo chuẩn công nghệ mới và phát triển ngành hóa dầu trong nước… nhằm giảm bớt phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Đức Thắng – Phó Chủ tịch thường trực VPA – đáng mừng là gần đây ngành công nghiệp nhựa Việt Nam có giá trị nhập khẩu máy móc, trang thiết bị trung bình trong giai đoạn 2014 – 2018 xấp xỉ 850 triệu USD/năm. Điều này thể hiện nhu cầu cải tiến – thay đổi trang thiết bị, máy móc. Đây là tiền đề quan trọng giúp DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Hàng loạt thương hiệu nhựa nổi tiếng của Việt Nam đang dần rơi vào tay các DN Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Điều này, có nghĩa là càng thu hẹp thị phần cho các DN nội hạn chế về năng lực tài chính, thiết kế mẫu và đổi mới công nghệ, trong khi mặt bằng giá nhân công đang tăng dần.

Quỳnh – Hoa

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN