Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh lao hiện vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày có khoảng 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, mặc dù là một trong những nước được đánh giá có nhiều nỗ lực và hiệu quả hàng đầu về công tác phòng chống lao, nhưng hàng năm vẫn có tới 120.000 người nhiễm lao mới, 12.000 người chết vì bệnh lao (cao gấp nhiều lần số người chết vì tai nạn giao thông). Và đến nay, Việt Nam là quốc gia nằm trong top có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao đa kháng thuốc. Đáng lo ngại khi 70% người mắc lao trong độ tuổi lao động. Đây thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Tuy nhiên, theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có nhiều điều kiện để chấm dứt căn bệnh này, do đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện mới, chuẩn đoán, điều trị với kết quả cao; xây dựng được hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương đến địa phương.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá cao những kết quả của công tác phòng chống lao ở Việt Nam thời gian qua: Một hệ thống phát hiện, điều trị bệnh nhân lao đã được hình thành với sự tham gia của ngành y tế, sự vào cuộc cộng đồng, nhiều tổ chức xã hội. Cùng với đó, là cơ chế tài chính cũng từng bước hình thành cơ bản bảo đảm cho công tác phòng chống và chữa trị bệnh lao từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, tài trợ quốc tế, Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao… Điều quan trọng hơn cả là sự chuyển biến nhận thức của cả cộng đồng đối với người mắc bệnh lao. Trước đây, người bị bệnh lao thường giấu bệnh, nhiều doanh nghiệp buộc người bị bệnh lao phải nghỉ việc nhưng đến nay sự e ngại, phân biệt đó đã giảm bớt đi rất nhiều.
Dù vậy, Chương trình chống lao hiện nay ở Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, đó là duy trì bền vững tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030. Bên cạnh đó, là sự vào cuộc và hưởng ứng của cả cộng đồng, chủ động tham gia tím kiếm dịch vụ khám, điều trị bệnh lao, vượt qua mọi rào cản từ cả phía người bệnh cũng như thầy thuốc và xã hội.
Để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trách nhiệm của ngành y tế cùng cả hệ thống làm sao để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao. Đây là căn bệnh lây nhiễm nhưng không đáng sợ, thậm chí với tiến bộ của y học ngày hôm nay không còn là “bệnh nan y”. Bản thân người bệnh khi có triệu chứng nên chủ động đi kiểm tra để được phát hiện, điều trị theo đúng lộ trình, phác đồ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, chỉ ngành y tế không thể chấm dứt được bệnh lao mà cần có sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, nơi làm việc cũng rất quan trọng trong nhắc nhở, giúp đỡ người bệnh tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ, thời gian điều trị. Và việc phát hiện, phát hiện sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng, có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 52% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam nếu người mắc lao lần đầu được phát hiện thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 4-6 tháng lên tới 90%.
Do vậy, các cơ quan chức năng, cộng đồng, xã hội cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân thấy rằng bệnh lao sẽ cướp đi sinh mạng của rất nhiều người nếu không được phát hiện, điều trị. Đồng thời,cũng cần củng cố cơ chế tài chính, ứng dụng các kỹ thuật phát hiện, điều trị mới; hình thành các chương trình hỗ trợ người bệnh huy động sự tham gia của toàn xã hội thông qua các công cụ công nghệ thông tin…