Tháng 9/2017, John Nolan 70 tuổi đang đi dạo trên đường phố London (Anh) thì cơ thể đột nhiên bốc cháy dữ dội. Người đi đường dập lửa và đưa ông tới bệnh viện. Do bỏng quá nặng, Nolan qua đời. CÁc bác sĩ lẫn giới khoa học đến nay vẫn chưa có câu trả lời về nguồn lửa tự phát, nguyên nhân dẫn đến cái chết của Nolan.
Các nạn nhân thường được phát hiện đơn độc ở trong nhà, với phần đầu và thân cháy rụi, tay chân còn nguyên vẹn. Vài trường hợp khác, nội tạng không bị tổn hại. Các căn phòng hiện trường cũng không phát hiện thấy dấu vết bị cháy, ngoài một dư lượng dầu mỡ trên đồ nội thất và tường.
Năm 1641, bác sĩ người Đan Mạch, Thomas Bartholin (1616-1680), mô tả cái chết lạ của Polonus Vorstius – một hiệp sĩ người Italy, trong cuốn sách ghi chép về những căn bệnh lạ.
Năm 1470, sau khi uống một ít rượu mạnh, Vorstius bắt đầu nôn ra lửa trước khi bốc cháy. Đây được coi là trường hợp tự bốc cháy đầu tiên trong lịch sử nhân loại được y khoa ghi nhận.
Năm 1673, tác giả người Pháp Jonas Dupont cũng đã xuất bản một cuốn sách nghiên cứu về các trường hợp tự bốc cháy (SHC). Một trong những vụ nổi tiếng nhất ở Pháp là năm 1725, một chủ nhà trọ ở Paris tỉnh giấc và phát hiện vợ mình đã cháy thành tro, thi thể nằm trên tấm đệm rơm. Tấm đệm còn nguyên, không bị cháy. Đồ gỗ xung quanh bà cũng còn nguyên.
Tất cả những gì còn lại của người vợ là hộp sọ, vài đốt xương sống và xương cẳng chân. Người chồng ban đầu bị tình nghi giết vợ, sau đó đã được tuyên vô tội nhờ lời khai của một bác sĩ phẫu thuật. Bác sĩ này tình cờ nghỉ lại tại khu nhà trọ đã làm chứng cho người chồng. Cái chết của người vợ sau đó được tuyên bố là do “sự trừng phạt của Chúa”.
Hiện tượng đốt cháy tự phát của con người trở nên phổ biến hơn vào thế kỷ 19. Các nạn nhân tự bốc cháy thường có đặc điểm: nữ giới trung niên, có dấu hiệu nghiện rượu mạn tính.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân của hiện tượng này, như chất béo trong cơ thể dễ cháy, acetone tích tụ, tĩnh điện, vi khuẩn, khí metan và thậm chí có cả sự can thiệp của Chúa. Nguyên nhân được giới khoa học đồng tình nhiều nhất là “hiệu ứng sợi bấc”.
Nếu coi cơ thể con người là một cây nến, thì chất béo trong người chính là sáp nến, nhiên liệu cho sự cháy. Tóc hay quần áo chính là sợi bấc. Nếu vì một nguyên nhân nào đó quần áo hay tóc bắt lửa, đầu tiên lửa sẽ đốt cháy lớp da người. Phần mỡ dưới da sẽ ngấm vào quần áo và tiếp tục trở thành nhiên liệu cho sự cháy.
Giả thuyết này có thể giải thích được tại sao chỉ có cơ thể bị cháy, vùng xung quanh xác và các chi ít bị cháy, tuy nhiên không thể giải thích tại sao các nạn nhân luôn bất động trong suốt thời gian bị cháy. Hơn nữa, để có thể đốt nạn nhân thành tro, cần một nhiệt độ rất cao, vào khoảng 1.648 độ C. Nhiệt độ trong lò hỏa táng cũng chỉ đạt khoảng 982 độ C.
Những giả thuyết trên mới chỉ dừng lại ở mức phỏng đoán. Đến nay, hiện tượng người tự bốc cháy vẫn là dấu hỏi lớn cho nhân loại.