Chị em hội phụ nữ đã tiến hành thu gom rác, sau đó bán và trích tiền để mua thẻ bảo hiểm y tế, tặng cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Chiếc thẻ bảo hiểm ý nghĩa

Thấy khách đến chơi, bà Nguyễn Thị Vân (79 tuổi), trú xóm 1, xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nhanh nhẹn bước ra đón tiếp. Ở vào độ tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Vân còn khá hoạt bát, da hồng hào, nói năng vui vẻ. Thế nhưng, ít ai biết rằng hơn 2 năm trước, bà Vân phải thường xuyên nhập viện do bệnh viêm túi mật.

Chồng của bà vốn là thương binh mất đã lâu, một mình bà gồng gánh nuôi 6 người con trưởng thành, vì vậy dường như chưa có công việc gì là người phụ nữ này chưa trải qua. “Thời điểm ông ấy mất, các con còn nhỏ dại. Tôi nghĩ cuộc đời mình thế này là kết thúc, thế nhưng cuối cùng vì các con mà cố gắng sống. Cuối cùng giờ cũng nuôi các con trưởng thành”, bà Vân cười.

Sức khỏe - Niềm vui của cụ bà được nhận thẻ bảo hiểm đổi từ… rác thải
Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ của bà Vân

Nhà ít ruộng, người mẹ khốn khổ nai lưng ra lao động, ai thuê gì thì làm nấy miễn có tiền về mua gạo cho các con. Vì lao động quá sức, khi những người con của bà Vân dần lớn lên và có thể giúp đỡ mẹ thì người phụ nữ này cũng kiệt quệ. Thế nhưng bà chưa một lần nào dám kêu ca, không mua thẻ bảo hiểm y tế, ốm đau cũng không dám đi khám.

“May mà sức khỏe tôi tốt, từ trước đến nay ít khi bị ốm lần nào, nếu có thì mua mấy viên thuốc uống là khỏi. Vì thế tôi cũng không mua thẻ bảo hiểm để làm gì”, cụ bà cười xuề xòa giải thích. Thế nhưng ai hiểu được tính bà Vân cũng biết rằng, do cuộc sống còn khó khăn nên bà muốn dồn tất cả cho các con, vì thế đã không còn tiền để mua được tấm thẻ.

Biết được việc này, hội phụ nữ xã Nghi Thạch đã tổ chức kêu gọi quyên gom rác thải, phế liệu,… sang đó đem bán. Tiền thu được, mọi người đồng lòng trích ra để mua cho bà Vân một chiếc thẻ bảo hiểm y tế.

Sức khỏe - Niềm vui của cụ bà được nhận thẻ bảo hiểm đổi từ… rác thải (Hình 2).
Sức khỏe bà Vân nay đã khá hơn nhờ được chữa trị kịp thời

Lan tỏa yêu thương bằng hành động thiết thực

Cho đến năm 2018, thời điểm này các con đã đi làm ăn xa, chỉ còn người con trai út ở với mẹ, thì cũng là lúc bà Nguyễn Thị Vân phát hiện mình mắc phải bệnh viêm túi mật.

“Trong một lần tôi cảm thấy đau quặn thắt ở vùng hạ sườn phải. Lúc này đi khám thì các bác sĩ bắt phải nhập viện điều trị. Các bác sĩ bảo, viêm túi mật nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm”, bà Vân kể.

Việc điều trị kéo dài và khá tốn kém, lúc này chiếc thẻ bảo hiểm của chị em trong hội phụ nữ đã trở thành “phao cứu sinh” cho bà Vân. Bà càng thấm thía ý nghĩa của tấm thẻ này.

“Đầu năm 2018, chị em trong hội phụ nữ đưa cho tôi thẻ bảo hiểm y tế. Vì vậy khi phát hiện bệnh viêm túi mật tôi mới dám đi điều trị. Nói thật, nếu như lúc trước thì tôi sẽ không dám đi. Trải qua quá trình phẫu thuật hiện sức khỏe tôi đã ổn định”, bà Vân cười cho hay.

Sức khỏe - Niềm vui của cụ bà được nhận thẻ bảo hiểm đổi từ… rác thải (Hình 3).
Gom rác thải rồi bán lấy tiền mua thẻ bảo hiểm. Ảnh KH.

Chị Hoàng Thị Tình, Chủ tịch hội phụ nữ xã Nghi Thạch cho biết, không chỉ riêng bà Nguyễn Thị Vân mà rất nhiều chị em đã nhận được lợi ích từ chiếc thẻ bảo hiểm. Điều này càng chứng tỏ việc làm thu gom rác để bán là hoạt động vô cùng ý nghĩa và nên nhân rộng.

“Trong xã có tới 157 gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người bị bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày. Vì vậy, để chia sẻ khó khăn, giúp đỡ những phụ nữ kém may mắn này, chúng tôi đã vận động chị em trong xã gom rác thải phế liệu tại nhà, định kỳ hàng tháng đem nộp rồi bán lấy tiền”, chị Tình cho hay.

Theo Chủ tịch hội phụ nữ xã Nghi Thạch, hàng quý các chi hội đã kêu gọi các hội viên tập kết phế liệu vào nhà văn hóa, phân loại rồi bán lấy tiền. Sau bình xét hội viên, mọi người sẽ mua thẻ bảo hiểm rồi chia nhau đến gia đình có hoàn cảnh khó khăn để trao.

“Việc gom phế liệu như thế này không những giúp xóm làng sạch hơn, mà còn có thể giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy lúc đầu có người chưa đồng tình, nhưng sau đó thấy được ý nghĩa của việc làm nên đã nhiệt liệt tham gia. Năm 2019, chúng tôi đang cố gắng phát huy chương trình này lớn mạnh hơn nữa”, chị Tình phấn khởi nói.

Kiều Oanh – Minh Tú

Theo Nguoiduatin.vn

BÌNH LUẬN