Thực tế cho thấy, tình trạng thất nghiệp hiện nay là do chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh. Sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Thất bại

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. HCM, thống kê của đơn vị này cho thấy, khoảng 80% sinh viên tại TP. HCM ra trường mỗi năm có việc làm. Khoảng 60% trong số đó làm đúng ngành nghề được đào tạo. Theo ông Tuấn, khoảng 20% sinh viên ra trường thất nghiệp là mức hợp lý. Vì mỗi năm có khoảng 175.000 sinh viên ở các trường đại học ra trường, trong khi thành phố chỉ có 150.000 việc làm mới. Nghĩa là, một bộ phận cử nhân phải thất nghiệp. Ông Tuấn dẫn thống kê của Bộ LĐ – TB – XH, hiện nay, có khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành. Thậm chí, nhiều sinh viên còn làm những công việc ở các khu công nghiệp như lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may và phổ biến nhất hiện nay là chạy “xe ôm công nghệ” cho các hãng như Grab hay GoViet, những công việc không đòi hỏi trình độ đại học.

 

Trong khi đó, TS Đinh Công Khải, khoa Quản lý Nhà nước, trường ĐH Kinh tế TP. HCM cho rằng, sinh viên ra trường thất nghiệp là điều bất bình thường, sự thất bại của thị trường lao động. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp. Sự thụ động trong tìm kiếm việc làm, thiếu linh hoạt, nhạy bén khi đi tìm việc. Thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch… Bên cạnh đó, sự ảo tưởng về công việc trong tương lai, không chấp nhận làm từ những công việc bình thường. Không biết tạo dựng mối quan hệ để trau dồi kiến thức, chia sẻ thông tin. Không có kinh nghiệm làm việc thực tế là những nguyên nhân chính mà các chuyên gia đã chỉ ra. “Chúng tôi nghĩ, sinh viên ra trường thất nghiệp là  chuyện không bình thường, khi họ là nguồn nhân lực có trình độ mà phải làm trái ngành. Nhiều người còn tự hạ trình độ khi khai hồ sơ để xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp. Đây là sự thất bại của thị trường lao động. Do đó, sinh viên hãy mạnh dạn đi làm cộng tác viên, làm bán thời gian, nộp hồ sơ xin thực tập tại các công ty ngay từ năm thứ hai để giải quyết yêu cầu về kinh nghiệm của nhà tuyển dụng”, ông Khải nói.

 

PGS.TS Cao Hào Thi, Hiệu trưởng ĐH Công nghệ Sài Gòn cho rằng, quyết định học đại học của mỗi cá nhân về bản chất không chỉ là đầu của riêng sinh viên và gia đình, mà còn là sự đầu tư của xã hội. Sinh viên học ở các trường công hay tư đều nhận được tài trợ nhiều hay ít từ Nhà nước và các tổ chức trong xã hội. Một trong những dấu hiệu cho thấy sự đầu tư học đại học không thành công là sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, nghĩa là xã hội đầu tư thất bại”, ông Thi nói.

 

Theo GS. TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TP. HCM, con số thống kê trong quý II năm 2018 cho thấy, 126.900 người có trình độ đại học thất nghiệp, chiếm 2,47%, giảm so với quý I năm 2018. Số người thất nghiệp giảm là tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn ở mức đáng báo động. Ngoài hơn 100.000 cử nhân thất nghiệp, vẫn còn 70.800 người trình độ cao đẳng cũng chưa có việc làm.Dù tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Nó cho thấy sự mất cân đối rất lớn giữa cung và cầu trong thị trường. Thông tin mới nhất cho biết, 41% doanh nghiệp không đủ tuyển dụng được lao động có trình độ tay nghề cao. Trong khi đó, trong vòng 3 tháng đầu năm 2018, số lượng tìm kiếm công việc mới tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Vì sao 60% sinh viên ra trường làm trái ngành?
Sinh viên tham gia chương trình “Phỏng vấn thử – Thành công thật” để lấy kinh nghiệm phỏng vấn.

Ông Phong cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao ở sinh viên tốt nghiệp đại học đã chỉ ra sự mất cân bằng giữa kỹ năng làm việc của các bạn trẻ với yêu cầu phía doanh nghiệp. Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP. HCM đề nghị, khi các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo, cần tham khảo ý kiến của doanh nghiệp. Các trường cần liên kết doanh nghiêp nhiều hơn, tổ chức học kỳ tại doanh nghiệp, các đợt thực tập… Mặt khác, sinh viên cũng phải chủ động cộng tác, làm bán thời gian, nộp hồ sơ đi xin thực tập tại các công ty ngay từ khi còn đi học để giải quyết yêu cầu về kinh nghiệm của nhà tuyển dụng.

Trách nhiệm của ai?

GS. TS Nguyễn Đông Phong nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu then chốt đối với hệ thống giáo dục đại học là đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn, đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Do đó, xây dựng và tăng cường các mối liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp được xem là yêu cầu quan trọng được đặt ra. Vì vậy, xây dựng và tăng cường sự liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội.

 

Đánh giá thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nhân lực hiện nay, ông Trần Anh Tuấn cho biết nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện, chủ động hơn trong việc liên kết với đào tạo như hỗ trợ nhà trường trong vấn đề thực tập, thực hành cho sinh viên. Tuy nhiên, việc đóng góp ý kiến phản hồi về xây dựng chương trình đào tạo để nhà trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp vẫn chưa được sự chú trọng, quan tâm của doanh nghiệp. Về phía nhà trường đã chủ động trong việc liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Nhưng việc khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp chưa thực sự chính xác, vì vậy hiệu quả mang lại cho sự liên kết đào tạo theo yêu cầu chưa cao. Ông Tuấn đưa ra hàng loạt kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường mở rộng đào tạo liên kết với các doanh nghiệp, cập nhật nội dung giảng dạy sát với thực tiễn chú trọng đào tạo kỹ năng, tác phong công nghiệp và ngoại ngữ giao tiếp để nâng cao năng lực đào tạo theo nhu cầu xã hội.

 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM, cho rằng TP. HCM xác định giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính mình. Với TP. HCM, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm. Bình quân mỗi năm giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Với việc làm cho sinh viên, TP. HCM đã có 10 trường đại học được công nhận đạt chuẩn quốc tế, 21 trường đại học và cao đẳng đạt tiêu chuẩn giáo dục và hơn 700 sinh viên các nước châu Á đang học tập. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng tại TP. HCM đạt 72,3%.

 

Ngoài ra, TP. HCM đã thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học, với 46 thành viên. Xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh với  372.000 doanh nghiệp và đạt gần 400.000 sinh viên. Theo ông Nguyễn Thành Phong, đây là cơ sở quan trọng phát huy nguồn lực giáo dục đại học, thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc đào tạo và giải quyết việc làm. Qua đó, góp phần hoàn chỉnh thị trường lao động và tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho các sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng tại đây. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP. HCM cũng thừa nhận, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên sau khi tốt nghiệp còn nhiều thách thức.

 

“Thực tế cho thấy, một trong những tồn tại, hạn chế chủ yếu của việc thất nghiệp hiện nay là do chúng ta chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh. Sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi. Vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp… Tôi xin nêu một thực tế để làm rõ hơn vấn đề này. Vừa qua, có một bài báo quốc tế đăng tình trạng sinh viên nước ta tốt nghiệp đại học nhưng phải đi làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Điều này cũng là chính đáng, song nó cho thấy một nỗi trăn trở lớn khi hoài bão và ước mơ đi vào ngõ cụt sau những năm học hành trên giảng đường. Chúng ta thấy rằng, giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính quyền với xã hội. Trong đó, nhà trường đóng vai trò quan trọng. TP. HCM xác định giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính mình. TP. HCM cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phong nói.

Quế Sơn

Theo Svvn.vn

BÌNH LUẬN