Trong thời bình, mỗi ngày vẫn có 22 người ra đường và mãi mãi không trở về. Một con số lớn hơn rất nhiều so với các loại bệnh tật hiểm nghèo hay do bom đạn chiến tranh. Vấn đề giao thông ở Việt Nam hiện nay đang có sự đối lập về mặt vật chất và ý thức: Số lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng nhưng văn hóa tham gia giao thông của nhiều người điều khiển phương tiện lại ngày càng đi xuống.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, trên cả nước đã xảy ra 18.232 vụ tai nạn, bao gồm 9.446 vụ tai nạn từ ít nghiêm trọng trở lên và 8.786 vụ va chạm giao thông, làm 8.125 người chết, 5.124 người bị thương và 9.070 người bị thương nhẹ, tức là mỗi ngày có 22 người rời nhà ra đường và mãi mãi không bao giờ trở về. Một con số lớn hơn rất nhiều so với các loại bệnh tật hiểm nghèo hay do bom đạn chiến tranh.

Năm 2018 – là năm “điển hình” của nạn “xe điên” khi hàng loạt những vụ tai nạn thảm khốc trên cả nước đều do người cầm lái không làm chủ được hành vi dẫn đến đâm chết người hoặc bị thương.

Ngày 18/12/2018, nữ tài xế cầm lái chiếc SUV màu đen. Khi xe đến nhà số 91 Trích Sài (quận Tây Hồ) đã đâm liên tiếp vào 3 người đi bộ trên vỉa hè. Sau đó tiếp tục tăng ga, đâm 4 xe máy khác chạy cùng chiều phía trước. Xế hộp không dừng lại mà tiếp tục lao thẳng về phía ôtô biển xanh của cảnh sát giao thông chạy chiều ngược lại. Tiếp đó, chiếc Lexus chạy lùi, húc thêm 3 xe máy phía sau cùng một taxi rồi mới dừng hẳn. Tai nạn làm 6 người phải nhập viện cấp cứu, trong đó một học sinh bị cuốn vào gầm ôtô, trọng thương.

Ngày 21/10/2018, nữ tài xế điều khiển ô tô 51F-279.10 lưu thông trên đường Điện Biên Phủ hướng từ quận 1 về cầu Sài Gòn. Đến đoạn đường gần cầu vượt Hàng Xanh (phường 21, quận Bình Thạnh), chiếc xe điều khiển tông vào 5 xe gắn máy đang chờ đèn đỏ và húc vào một taxi 7 chỗ mới dừng lại. Hậu quả của vụ tai nạn khiến 1 người tử vong tại chỗ, 5 người bị thương.

Một vụ tai nạn nghiêm trọng khác vào đầu năm 2019, ngày 2/1 xe container 62C – 04348 chạy từ Long An đi TP.HCM đến ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã đâm trực diện hơn 20 người đứng chờ đèn đỏ. Hậu quả, 3 người chết tại chỗ, một người chết tại bệnh viện và hơn 10 người khác nhập viện cấp cứu.

Hay gần đây nhất vào ngày 21/1/2019, một vụ tai nạn thảm khốc thuộc địa bàn xã Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương do xe tải 29C-71953 đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, tai nạn khiến 8 người chết (7 chết tại chỗ, 1 người chết trong bệnh viện), 3 người bị thương.

Theo Báo cáo Toàn cầu năm 2018 về an toàn đường bộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khu vực Đông Nam Á thì Indonesia là quốc gia có số lượng người chết do tham gia giao thông cao nhất với 31.282 trường hợp, nhưng tỉ lệ thiệt mạng do tai nạn giao thông ở Thái Lan lại đứng đầu khu vực, lên tới 32,7/100.000 người. Còn ở Việt Nam có 8.125 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đứng thứ 4 trong khu vực và đứng thứ 2 về số người chết do va chạm trên đường với tỉ lệ 26,4/100.000 người.

Những con số lạnh lùng đến ghê rợn đó, cho thấy mức độ kinh hoàng của số lượng người chết và bị thương do tai nạn giao thông, đang xảy ra hằng ngày hằng giờ trên cả nước. Nạn “xe điên” hoành hành còn nguy hiểm hơn những căn bệnh nan y như ung thư, tim mạch, bởi nó đột ngột đến nỗi người dân không thể tự dự báo trước được. Ngỡ rằng ở trong chính ngôi nhà mình là an toàn nhất nhưng vẫn có những cái chết thương tâm do xe tải lao thẳng vào nhà. Thế là, dù đang yên ấm và tự nghĩ rằng an toàn trong ngôi nhà của mình, thì người dân lại vẫn trở thành nạn nhân của “xe điên”, của những người cầm lái vô trách nhiệm.

Một điểm chung của những vụ tai nạn đó là người lái sử dụng chất kích thích như rượu, bia, heroin, các chất kích thích khác, nên họ không làm chủ được tốc độ khi điều khiển phương tiện. Họ được cấp bằng lái xe khi đã đủ tiêu chuẩn vượt qua những vòng thi tuyển về quy trình thì chặt chẽ, nhưng họ lại không tự chuẩn bị cho mình một “tấm bằng” lương tâm. Sự vô trách nhiệm không chỉ làm ảnh hưởng đến chính họ mà nguy hiểm và đáng trách hơn, nó còn gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của cộng đồng, của những người khác. Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mệnh của biết bao người dân vô tội, đã cướp đi người thân của biết bao gia đình êm ấm, đã để lại di chứng suốt đời trên thân thể của những người vốn sinh ra lành lặn.

Lương tâm khi lái xe là biết nghĩ đến mình và nghĩ cho người khác, những tưởng điều đó thật đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Nếu bạn lỡ có chút men trong người xin đừng cố cầm lái để thể hiện “cái tôi” to lớn, nếu bạn quá mệt mỏi khi lái xe đường dài xin hãy dành cho bản thân một giấc ngủ rồi sau đó lại tiếp tục chặng đường, nếu bạn lỡ đi muộn tới sự kiện xin hãy bình tĩnh cầm lái đừng phóng nhanh bởi…nhanh một phút thôi nhưng sẽ chậm cả đời.

Sau tai nạn là nỗi mất mát của nạn nhân, gia đình nạn nhân còn người cầm lái phải đối mặt với những chế tài mà pháp luật quy định. Bản án của Tòa đối với những tài xế gây tai nạn dù 3 năm, 5 năm, 10 năm hoặc hơn thế nữa nhưng sẽ không đáng sợ bằng bản án lương tâm day dứt, đeo bám họ suốt những năm tháng sau này của cuộc đời, những ám ảnh luôn hiện hữu khi chính bàn tay mình trực tiếp đâm xe gây tai nạn chết người.

Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng máu, bằng khối óc tỉnh táo chứ đừng bằng cồn, bằng heroin. Ranh giới giữa các quốc gia là đường biên giới rộng lớn nhưng ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong vài gang tấc. Đừng đánh đổi mạng sống của người vô tội chỉ bởi sự ích kỉ của bản thân. Hãy là người cầm lái có lương tâm biết nghĩ cho mình và cộng đồng.

Trước khi cấp tấm bằng lái cho lái xe, thì người lái xe cần phải xứng đáng để được nhận tấm bằng lương tâm!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Vũ Thủy

Theo Nguoiduatin.vn

BÌNH LUẬN