Khủng hoảng Venezuela tăng nhiệt khi Mỹ ra lệnh trừng phạt nhằm vào chính phủ Maduro.
“Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, đó là thực trạng”, Yulet, cô gái Venezuela nói về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở nước mình.
Venezuela đã lâm vào suy thoái trong 5 năm qua nhưng căng thẳng bị đẩy lên cao nhất vào tuần trước, khi một nhóm binh sĩ ngày 21/1 chiếm kiểm soát sở chỉ huy ở phía bắc Caracas. Trong video đăng trên mạng xã hội, họ tuyên bố không công nhận chính quyền Maduro và kêu gọi mọi người xuống đường ủng hộ mình.
Vụ chống đối nhanh chóng bị dập tắt và 27 binh sĩ bị bắt. Tuy nhiên, có nhiều người biểu tình ủng hộ nhóm binh sĩ tại một số khu phố của Caracas, theo AFP.
Tòa án Tối cao, bao gồm những người trung thành với Maduro muốn vô hiệu hóa quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Tòa tuyên bố quốc hội là cơ quan bất hợp pháp và các quyết định của họ không hợp lệ.
Maduro đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 10/1 trước Tòa án tối cao chứ không phải quốc hội như được quy định trong hiến pháp. Phe đối lập và một bộ phận lớn của cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ và Liên minh Châu Âu, không công nhận nhiệm kỳ thứ hai của ông, họ cho rằng cuộc bầu cử năm ngoái là bất hợp pháp.
Ngày 23/1, hàng chục nghìn người xuống đường ở thành phố Caracas và các nơi khác trong cuộc biểu tình của phe đối lập chống lại Maduro. Đụng độ nổ ra.
Trước đám đông ủng hộ, Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tuyên bố mình là “tổng thống lâm thời”. Ông cam kết sẽ thiết lập một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử tự do.
Tổng thống Mỹ Trump ngay lập tức ra tuyên bố công nhận Guaido là tổng thống. Canada và các nước Mỹ Lain như Brazil, Argentina và Colombia cũng theo chân. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc, Cuba, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía Maduro. Putin nói rằng cuộc khủng hoảng chính trị “đã bị kích động từ bên ngoài”.
Quyết định của Mỹ đã khiến căng thẳng kéo dài hai thập niên với Venezuela thêm trầm trọng. Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington.
Ngày 24/1, quân đội Venezuela khẳng định họ trung thành với Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino cáo buộc Guaido cố gắng “đảo chính” và nói Maduro là tổng thống hợp pháp. Trong khi đó, phe đối lập cố gắng thuyết phục quân đội từ bỏ ủng hộ với Maduro, hứa hẹn rằng họ sẽ được ân xá nếu phe đối lập lên nắm quyền.
Một ngày sau, 5 nước châu Âu là Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh ra tối hậu thư rằng họ sẽ công nhận Guaido là tổng thống nếu Maduro không công bố bầu cử trong 8 ngày. Caracas gọi đây là hành động xấc xược, yêu cầu họ rút lại tối hậu thư.Guaido ngày 25/1 kêu gọi người Venezuela tiếp tục biểu tình chống lại Maduro và tuyên bố rằng ông không loại trừ khả năng ân xá cho Maduro. Maduro tuyên bố sẵn sàng gặp Guaido để giải quyết bế tắc nhưng thủ lĩnh đối lập từ chối, cho rằng đó là cuộc đối thoại giả dối.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi tất cả quốc gia chấm dứt giao dịch tài chính với Maduro. Tùy viên quân sự Venezuela tại Washington tuyên bố không đứng về phe Maduro, kêu gọi “anh em trong quân đội” ủng hộ Guaido.
Tuy nhiên, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nga và Trung Quốc chặn dự thảo nghị quyết của Mỹ về việc ủng hộ quốc hội Venezuela do Guaido lãnh đạo.
Ngày 27/1, Guaido kêu gọi các cuộc biểu tình mới vào ngày 30/1 và 2/2, gọi đây là “biểu tình lớn tầm quốc gia và quốc tế”. Những người ủng hộ truyền tay nhau các bản sao biện pháp ân xá quốc hội sẽ thông qua cho các thành viên quân đội nếu họ đổi phe. Một số người biểu tình công khai đốt tài liệu.
Maduro sau đó xuất hiện tại một cuộc diễn tập quân sự, kêu gọi quân đội thể hiện “đoàn kết và kỷ luật” để đánh bại “âm mưu đảo chính”.
Israel và Australia cũng công nhận Guaido là tổng thống lâm thời. Ngoại trưởng Australia kêu gọi Venezuela “chuyển sang nền dân chủ càng sớm càng tốt và các bên “tham gia xây dựng giải pháp hòa bình” cho cuộc khủng hoảng.
Căng thẳng càng nóng lên khi Mỹ ngày 29/1 tung loạt biện pháp cấm vận nhằm vào tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA), bao gồm đóng băng 7 tỷ USD tài sản của PDVSA ở Mỹ và giới hạn các giao dịch của tập đoàn này, nhằm cắt nguồn thu ngoại tệ từ dầu mỏ cho chính phủ Maduro.
Mỹ là khách hàng lớn nhất và quan trọng nhất của ngành công nghiệp dầu mỏ Venezuela, chiếm 39% sản lượng xuất khẩu của nước này trong năm 2018. Trong khi đó Venezuela là nước cung cấp dầu lớn thứ tư vào Mỹ trong tháng 10/2018 với số lượng 506.000 thùng/ngày. Các lệnh trừng phạt nhằm vào PDVSA sẽ giáng đòn mạnh với nền kinh tế đang trên bờ vực sụp đổ của Venezuela, nhưng Mỹ cũng có thể chịu thiệt hại không nhỏ.
Maduro cáo buộc Mỹ cố đánh cắp Citgo, nhà máy lọc dầu mà PDVSA thiết lập tại Mỹ. Ông tuyên bố sẽ có bằng hành động pháp lý để đáp trả việc này.
Bất ổn kể từ cuộc nổi loạn của binh lính đã khiến 35 người thiệt mạng, 850 người bị bắt. Giáo hoàng Francis không nghiêng về Maduro hay Guaido nhưng ông cảnh báo về hậu quả trầm trọng của cuộc khủng hoảng.
“Tôi lo sợ điều gì? Một cuộc đổ máu. Vào thời điểm này, tôi ủng hộ tất cả người dân Venezuela vì họ là những người phải chịu đựng đau khổ”, ông nhấn mạnh.