Với tình trạng dị ứng ở trẻ nhỏ, phương pháp giải mẫn cảm là phương pháp điều trị duy nhất có khả năng thay đổi diễn tiến tương lai của bệnh bằng cách đưa các kháng nguyên gây dị ứng đặc hiệu cho từng bệnh nhân cụ thể vào cơ thể người bệnh, tăng liều lên đến liều dung nạp, giúp bệnh nhân dung nạp với dị ứng nguyên, từ đó giảm triệu chứng và ngăn tái phát bệnh gây ra bởi tác nhân dị ứng.
Đại cương
- Giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp (AIT- Alergen specific immunotherapy) là một phương pháp điều trị hiệu quả được sử dụng bởi các bác sĩ về dị ứng – miễn dịch. Phương pháp là đưa các kháng nguyên gây dị ứng đặc hiệu cho từng bệnh nhân cụ thể vào cơ thể người bệnh, tăng liều lên đến liều dung nạp, giúp bệnh nhân dung nạp với dị ứng nguyên, từ đó giảm triệu chứng và ngăn tái phát bệnh gây ra bởi tác nhân dị ứng.
- AIT là phương pháp điều trị duy nhất có khả năng thay đổi diễn tiến tương lai của bệnh.
- AIT có tính đặc hiệu cho từng kháng nguyên.
- AIT có 2 giai đoạn:
– GĐ 1: Tăng liều: Tăng liều giải mẫn cảm đến khi đạt liều duy trì: thời gian thay đổi tùy theo phương pháp (với phương pháp tăng liều từ từ cần 3-8 tháng).
– GĐ 2: Duy trì: Khi đạt đến liều duy trì, các mũi tiêm duy trì về sau sẽ giãn cữ, thường mỗi 3-4 tuần/ mũi.
Tác dụng
- Giảm độ nặng của bệnh dị ứng.
- Giảm nguy cơ tiến triển (Viêm mũi dị ứng/ Suyễn).
- Tác dụng cải thiện triệu chứng lâu dài hơn 3 năm sau khi ngưng điều trị.
- Ngăn trẻ xuất hiện của dị ứng mới.
- Hiệu quả về kinh tế.
Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
- BN viêm mũi/viêm kết mạc/suyễn dị ứng khó kiểm soát triệu chứng bằng biện pháp tránh tiếp xúc và dùng thuốc; dùng phối hợp nhiều loại thuốc, liều cao hoặc cả 2 để kiểm soát triệu chứng.
- Đối với BN suyễn, tình trạng suyễn phải được kiểm soát và FEV1 >=75%.
- BN bị tác dụng phụ của thuốc (chóng mặt quá mức do antihistamin, tác dụng phụ corticoid).
- Giảm chất lượng cuộc sống (do bệnh, thuốc): bệnh ảnh hưởng đến giấc ngủ, khả năng học, làm việc.
- AIT có thể hiệu quả với viêm da cơ địa nếu bệnh liên quan với tăng nhạy cảm do tác nhân hô hấp.
Chống chỉ định
- Suyễn nặng/không kiểm soát: Bệnh nhân suyễn dùng corticoid uống kéo dài, có những đợt suyễn nặng cần nhập viện hoặc đặt nội khí quản trong vòng 6 tháng, FEV1 <75%.
- Đang dùng Bblockers, ACEI.
- Bệnh tim mạch.
- Trẻ <5 tuổi: Tương đối.
- Ngoài ra, Bệnh nhân có tiền căn không tuân thủ điều trị, bệnh lý tâm thần kinh, khiếm khuyết về thể chất không có khả năng giao tiếp rõ ràng với Nhân viên y tế thì không thích hợp cho AIT.
- Bệnh nhân dị ứng thức ăn, mề đay mạn/phù mạch, dị ứng latex, dị ứng thuốc không có chỉ định AIT.
Điều kiện thực hiện AIT
Tham vấn: Về các lựa chọn điều trị và chi phí từng lựa chọn (AIT, dùng thuốc, hạn chế phơi nhiễm dị nguyên), lợi ích của AIT, cách thực hiện, các phản ứng tại chỗ – toàn thân và nguy cơ sốc phản vệ, đáp ứng điều trị, chế độ theo dõi và tuân thủ điều trị, nguy cơ tái lại khi ngưng trị. Dựa trên sự đồng thuận giữa bác sĩ và bệnh nhân để quyết định có thực hiện AIT không.
Chuẩn bị: Thực hiện: tại cơ sở y tế chuyên về dị ứng và có đầy đủ các phương tiện hồi sức cấp cứu đề phòng phản ứng phản vệ xảy ra. Sau mũi tiêm giải mẫn cảm, bệnh nhân cần được theo dõi tại cơ sở y tế ít nhất 30 phút. Ở những Bệnh nhân có nguy cơ cao phản ứng toàn thân (rất mẫn cảm với dị nguyên, kiểm soát suyễn khó khăn, khó kiểm soát các phản ứng tại chỗ bằng thuốc antihistamin, corticoid), có thể bắt đầu với liều loãng hơn.
Theo dõi – Đánh giá hiệu quả AIT
Theo dõi: Tại mỗi lần
Bệnh nhân đến khám, cần thực hiện những điều sau để tăng độ an toàn:
– Đối chiếu phần hành chánh (tên, ngày sinh) bệnh nhân với mẫu hồ sơ làm SCIT để tránh nhầm lẫn (nguyên nhân thường gặp gây phản ứng toàn thân là sai liều do sai tên bệnh nhân). Mỗi bệnh nhân sẽ có một hồ sơ thông tin cá nhân, hình ảnh (nếu được), tình hình sức khỏe và các loại thuốc đang hoặc vừa mới sử dụng, thông tin về lọ thuốc giải mẫn cảm, liều thuốc chích mỗi lần khám, vị trí chích, các phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân (nếu có) và cách xử trí.
– Xem có hay không các phản ứng tại chỗ hoặc toàn thân xảy ra sau mũi tiêm trước.
– Bệnh nhân cần được hướng dẫn về dấu hiệu của phản ứng toàn thân để báo ngay với nhân viên y tế khi đang ở tại cơ sở y tế giải mẫn cảm, đồng thời cần báo lại với BS dị ứng về các phản ứng toàn thân trễ nếu có.
- Sự thành công của AIT: AIT có tác dụng giảm triệu chứng bệnh từ từ theo thời gian. AIT không có khả năng chữa bệnh dị ứng, nhưng sẽ giảm triệu chứng và giảm nhu cầu dùng thuốc.
Mỗi cá nhân khác nhau sẽ đáp ứng với AIT ở mức độ khác nhau và rất khó dự đoán chính xác mức độ cải thiện của Bệnh nhân. Đa số Bệnh nhân sẽ cải thiện triệu chứng rõ trong 6-12 tháng.
- Nếu sự cải thiện không thể hiện rõ sau 1 năm, cần kiểm tra:
– Tiếp xúc với các chất kích thích không phải dị nguyên (thuốc lá).
– Xác định và điều trị thiếu dị nguyên.
– Thất bại trong việc điều trị với liều phù hợp.
- Nếu sau khi loại trừ các nguyên nhân trên mà vẫn không tìm ra lý do, cần cân nhắc ngưng AIT, thay bằng phương pháp điều trị khác.
Ngưng trị
- Xem xét ngưng trị sau thời gian điều trị 3-5 năm. Tuy nhiên thời điểm ngưng trị cần có sự thống nhất giữa bác sĩ- bệnh nhân dựa trên nguy cơ- lợi ích.
- Cải thiện kém.
- AEs quá khả năng chịu đựng của Bệnh nhân dù đã dùng thuốc chống dị ứng và giảm liều; SR nghiêm trọng.
Tác dụng lâu dài
- Sau khi ngưng điều trị, một số Bệnh nhân đạt trạng thoái lui bệnh hoàn toàn, tuy nhiên 1 số tái phát (tỷ lệ cao trong vòng 3 năm sau ngưng trị). Cho nên, BN cần được khuyên đem theo thuốc antihistamin hoặc adrenaline dù đã hoàn thành đợt giải mẫn cảm.
- Hiện nay chưa có xét nghiệm đặc hiệu nào giúp phân biệt BN có khả năng tái phát với những BN đạt trạng thoái lui bệnh hoàn toàn.
Ths. BS Lý Kiều Diễm
Phó Trưởng khoa Nội Tổng hợp,
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn