Tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm các mô hình hỗ trợ cha mẹ trong chăm sóc, phát triển trẻ em” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng nay (6/12), bà Lê Kim Hằng (đại diện quỹ Plan tại Việt Nam) cho rằng, cha mẹ có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển toàn diện của trẻ, là người yêu thương, chăm sóc trẻ quan trọng nhất trong giai đoạn đầu đời, là bạn và là người thầy đầu tiên của trẻ, hướng dẫn trẻ các quy tắc và kỹ năng ứng xử, kỷ luật tích cực để trẻ trở thành công dân có ích sau này.
Do đó, việc giáo dục cha mẹ sẽ giúp cho các bậc cha mẹ quan tâm đến vai trò của mình và hướng tới cải thiện kỹ năng làm cha mẹ tốt hơn.
Theo đó, cha mẹ áp dụng hành vi tích cực trong chăm sóc và giáo dục con tại gia đình, thông qua thực hiện hành vi tích cực về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho con, tìm kiếm và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về chăm sóc và giáo dục con, biết tìm đến các dịch vụ khi cần hỗ trợ.
“Giáo dục cha mẹ còn giúp cho cha mẹ biết kết nối giữa gia đình, cộng đồng và nhà trường trong việc chăm sóc và dạy dỗ con. Chúng ta cần biết từng nhóm cha mẹ mong muốn gì ở con để cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc làm cha mẹ tốt” – bà Hằng cho hay.
Các ý kiến chia sẻ tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, với sự gần gũi và trách nhiệm cũng như thiên chức của mình, các bậc cha mẹ cần luôn có ý thức tìm hiểu, học hỏi để bổ sung kiến thức cần thiết, nuôi dạy con cho tốt.
Tại các địa phương, các mô hình giáo dục cha mẹ đã được thực hiện và có kết quả tốt.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN Việt Nam khẳng định, công tác chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện được Hội triển khai có hiệu quả với nhiều chương trình nhằm trao kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ cho các ông bố, bà mẹ tại cộng đồng.
Năm 2015, Hội phối hợp với Trung ương Đoàn thực hiện đề án chăm sóc phát triển toàn diện trẻ thơ. Theo đó, nhiều mô hình phát triển trẻ thơ như CLB nuôi dạy con tốt, CLB cha mẹ có con từ 0-8 tuổi, mô hình nhóm trẻ độc lập tư thục tại các khu công nghiệp… đã được thành lập để phát huy vai trò của cha mẹ trong phát triển trẻ em.
Đặc biệt, Hội phối hợp với tổ chức Plan tổ chức thành công thí điểm mô hình cha mẹ có con từ 0 – 8 tuổi tại 9 tỉnh/thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đã có kết quả tốt đẹp. Mô hình này hiện đang được nhân rộng ra 35 tỉnh, thành trong cả nước, với việc xây dựng 259 nhóm cha mẹ vận hành tại các tỉnh.