Tạo góc nhìn mới về truyện cổ tích
Thủy Nguyên chia sẻ về điểm độc đáo của cuốn sách: “Truyện cổ tích là những sáng tác dân gian. Theo năm tháng và sự dịch chuyển qua các vùng đất, những câu chuyện có thể được bồi đắp, biến đổi để có thêm các dị bản. Tuy nhiên, dù thế nào, truyện cổ tích vẫn thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân rằng cái thiện nhất định chiến thắng cái ác, cái tốt chiến thắng cái xấu, đó là những bài học mang tính giáo dục. Nay, mình muốn làm mới chúng bằng một góc tiếp cận khác”.
Cuốn sách “kể lại” 16 truyện cổ tích quen thuộc với người Việt Nam như: Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Sự tích quả dưa hấu, Sự tích trầu cau, Trương Chi, Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây khế, Hồn Trương Ba – da hàng thịt… Mỗi truyện có một họa sĩ vẽ khác nhau, tạo nên sự đa dạng và đầy cá tính cho cuốn sách. “Thông thường, độc giả sẽ tiếp cận truyện cổ tích qua ngôi kể thứ ba. Thế nhưng, trong tập sách tranh này, mình chủ đích cho một số nhân vật kể ở ngôi thứ nhất. Với ngôi kể linh hoạt và tự do này, truyện được đánh giá khách quan và tự nhiên hơn, bạn đọc dễ nhận ra nhân vật nào đại diện cho phần Thiện và ngược lại. Hình thức “đóng vai” (role play) này là một kỹ năng trong giáo dục hiện đại, giúp trẻ đứng ở nhiều vị trí để thấu hiểu người khác, để tự phân biệt và tìm tòi các khái niệm đúng – sai, nên – không nên trong các câu chuyện giáo dục”, Thủy Nguyên cho biết.
Những câu chuyện sống động bằng tranh
Không chỉ độc đáo về mặt câu chữ, Thiện và Ác và Cổ tích còn là một cuốn “artbook” kỳ công. Sách có sự tham gia minh họa của 17 họa sĩ trẻ đang “hot” trên thị trường vẽ minh họa như: Khoa Lê, Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên, Trần Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoàng Dương, Trịnh Xuân Quyền…
Với sự sáng tạo của các họa sĩ, những câu chuyện cổ trong Thiện và Ác và Cổ tích đã được khoác lên “tấm áo” mỹ thuật đẹp, lôi cuốn. Trong các bức tranh, yếu tố văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống được lưu giữ nhưng được thể hiện với thẩm mỹ đương đại, phù hợp thị hiếu bạn đọc hôm nay.
Cuốn sách được trình bày theo hình thức một bức tranh đặt ở giữa, hai mặt trang sách là lời kể lại câu chuyện theo ngôi của phe thiện – ác, theo trục đối xứng. Sự kết hợp lôgíc giữa lời viết và tranh minh họa khiến cho câu chuyện của cuốn sách trở nên đa sắc và hấp dẫn với độc giả. “Không đơn thuần là những nét vẽ minh họa thông thường, đây còn là tâm huyết của những người trẻ đối với văn hóa dân tộc”, họa sĩ Võ Huỳnh Phú (một trong những họa sĩ vẽ minh họa cho cuốn sách) chia sẻ.
PGS. TS Trần Lê Hoa Tranh (khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) nhận xét: “Phụ huynh thường phàn nàn rằng, con em chúng ta gần đây hay đọc truyện tranh, mà đọc truyện tranh nhiều sẽ làm cách viết văn trở nên cộc lốc, thô lỗ, cụt ngủn, không lĩnh hội được cái hay của văn chương. Tuy nhiên, với cuốn sách Thiện và ác và cổ tích thì ngược lại. Đây là một cuốn sách xuất sắc về những tranh vẽ minh họa nhưng nội dung cũng rất cô đọng, mang đậm tính giáo dục sâu sắc. Đặc biệt, sau mỗi câu chuyện đều có phần tổng kết ngắn gọn và sự gợi mở cho người đọc”.
Hà Chi
Theo svvn.vn