Trung Quốc đang bước vào thời kỳ nhiều bất ổn, có thể khiến nhiều nước khác cũng gặp rắc rối.

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. GDP năm 2018 được dự báo tăng chậm nhất kể từ 1990. Và năm 2019 có thể sẽ còn tồi tệ hơn.

Nền kinh tế lớn nhì thế giới đang chịu ảnh hưởng từ triển vọng thương mại yếu đi và chính phủ kiềm chế tín dụng rủi ro. “Các yếu tố khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vẫn chưa hoàn toàn tác động lên nền kinh tế. Và sự kết hợp của chúng là chưa từng có tiền lệ”, các nhà phân tích tại Moody’s cho biết trong một báo cáo tháng trước, “Việc này đã tạo ra rủi ro và bất ổn rất lớn”.

Những gì diễn ra tại Trung Quốc có ảnh hưởng đến thị trường và doanh nghiệp toàn cầu. Họ là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, nhập nguyên liệu từ các nước khác để lắp ráp smartphone, laptop và hàng tấn sản phẩm khác. Tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh tại đây cũng biến nước này thành thị trường tiêu dùng khổng lồ, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận cho các công ty toàn cầu. “Trung Quốc đã trở thành cỗ máy tăng trưởng lớn nhất thế giới”, Rajiv Biswas – kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại hãng nghiên cứu IHS Markit nhận định.

Công nhân đang sơn lại nền tại một cảng của Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Công nhân đang sơn lại nền tại một cảng của Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Năm 2018, nỗi lo sợ về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc đã khiến các thị trường tài chính chao đảo. Chỉ số Shanghai Composite đã rơi vào thị trường giá xuống hồi tháng 6/2018 và mất 25% năm ngoái. Thị trường Mỹ và châu Âu cũng chịu chung số phận.

Điều thiếu chắc chắn hiện tại là mức độ suy giảm của Trung Quốc đến thế nào và chính phủ nước này sẵn sàng hành động đến đâu để xoa dịu ảnh hưởng này. Ẩn số lớn hiện nay là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu năm ngoái và sẽ tiếp tục trong năm nay.

Sau khi áp thuế nhập khẩu lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau, hai bên hiện trong thời kỳ 90 ngày đình chiến để đàm phán một thỏa thuận, muộn nhất là ngày 1/3. Nếu thất bại, thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng cao.

Thiệt hại kinh tế từ chiến tranh thương mại được dự báo sẽ rõ ràng hơn tại Trung Quốc trong vài tháng tới, kéo tụt xuất khẩu và lợi nhuận các công ty. “Tăng trưởng xuất khẩu vẫn sẽ chịu sức ép, kể cả nếu thuế không tăng nữa”, Evans-Pritchard – nhà kinh tế phụ trách Trung Quốc tại Capital Economics cho biết.

Giới phân tích cũng bất đồng về khả năng hai chính phủ đạt được một thỏa thuận bền vững trong 2 tháng tới. Do xung đột giữa hai nước không chỉ về thương mại, mà còn về công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, chính sách công nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường.

Ngoài áp thuế nhập khẩu, Chính phủ Mỹ năm ngoái còn ngăn hai hãng công nghệ lớn của Trung Quốc mua linh kiện cần thiết từ Mỹ, tăng rà soát các thương vụ đầu tư nước ngoài và còn tìm cách dẫn độ lãnh đạo cấp cao Huawei từ Canada sang Mỹ.

“Con đường hòa giải giữa hai siêu cường kinh tế này có lẽ còn gập ghềnh và kéo dài”, các nhà phân tích tại quỹ đầu tư Vanguard nhận định. Trong thời gian đó, hai nước có thể còn gây nhiều tổn hại kinh tế cho nhau.

“Chiến tranh thương mại có thể kéo tụt đáng kể tăng trưởng. Tuy vậy, điều này còn phụ thuộc vào việc hai bên sẵn sàng đẩy chuyện này đi đến đâu”, Gerard Burg – nhà kinh tế học khu vực Trung Quốc tại National Australia Bank dự báo. Tin tức về các cuộc đàm phán gần đây cho thấy Trung Quốc “cần đạt thỏa thuận nào đó với Mỹ để có khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết trong môi trường kinh tế ngày càng khắc nghiệt”, Diana Choyleva – kinh tế trưởng tại hãng nghiên cứu Enodo Economics cho biết.

Một câu hỏi quan trọng với Trung Quốc hiện tại là người tiêu dùng của họ phản ứng với sự bất ổn này thế nào. Tăng trưởng thần kỳ vài thập kỷ qua đã kéo hàng trăm triệu người dân nước này thoát nghèo, tạo ra sự bùng nổ tiêu dùng. “Chi tiêu của các hộ gia đình chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tại đây”, Edmund Goh – Giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Aberdeen Standard Investments nhận xét.

Tuy nhiên, những vết nứt trong tiêu dùng đã xuất hiện. Vài tháng qua, doanh số bán xe hơi giảm sút, khiến nhiều đại gia toàn cầu như Volkswagen hay Ford gặp rắc rối. Doanh số bán lẻ nhìn chung cũng đang chậm lại. Khối nợ tiêu dùng của người Trung Quốc đang tăng rất nhanh, có thể khiến họ ngần ngại chi tiêu, Goh cho biết.

Trung Quốc có thể sẽ phải giải quyết khó khăn trong nền kinh tế thông qua chính sách truyền thống là chi tiêu công. Đến nay, họ đã giảm thuế, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Năm nay, giới phân tích dự báo Trung Quốc còn phải tung nhiều biện pháp hơn nữa.

Giới chức có thể nới lỏng các lệnh hạn chế lên thị trường bất động sản, để khuyến khích các công ty tăng tốc xây dựng, các nhà kinh tế học gợi ý. Tuy vậy, tăng kích thích có thể làm chậm lại nỗ lực giải quyết các vấn đề gốc rễ hơn trong nền kinh tế Trung Quốc, như kiềm chế khối nợ trong hệ thống tài chính. “Chính phủ Trung Quốc đã tạm gác lại việc cải tổ và thay vào đó sẽ tập trung vào các biện pháp kích thích tăng trưởng”, Iris Pang – nhà kinh tế học tại ngân hàng ING kết luận.

Hà Thu (theo CNN)

Theo VnExpress

BÌNH LUẬN