Chương trình các môn học đều có sự giảm tải, đổi mới về nội dung, cấu trúc so với bản hiện hành.

Chiều 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với 20 môn học, hoạt động giáo dục. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục trung học, thông tin chương trình mới chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).

Nội dung giáo dục cấp tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Toán; Tiếng Việt; Đạo đức; Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5); Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4 và 5); Khoa học (lớp 4, 5); Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5); Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm; và hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2). Thời lượng giáo dục 2 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 7 tiết, mỗi tiết không quá 35 phút.

Nội dung giáo dục THCS gồm 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học; Giáo dục thể chất; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 2. Thời lượng giáo dục 1 buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết học 45 phút.

Nội dung giáo dục THPT gồm 7 môn học và hoạt động bắt buộc gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018 tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018 tại TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Cấp THPT có năm môn học lựa chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Thời lượng giáo dục một buổi/ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút.

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở kết quả xây dựng chương trình, tình hình chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, Bộ Giáo dục thực hiện lộ trình chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 áp dụng đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.

Xem chi tiết chương trình các môn:

Toán Khoa học Hoạt động trải nghiệm
Ngữ văn Khoa học tự nhiên Tiếng Anh lớp 1-2
Tin học Vật lý Tiếng Anh lớp 3-12
Giáo dục công dân Hóa học Tiếng Pháp
Tự nhiên và Xã hội Sinh học Tiếng Đức
Lịch sử và Địa lý tiểu học Công nghệ Tiếng Nhật
Lịch sử và Địa lý THCS Âm nhạc Tiếng Hàn
Lịch sử Mỹ thuật Tiếng Trung
Địa lý Giáo dục thể chất Tiếng Nga

Còn theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành vào tháng 7/2017, chương trình cần đảm bảo để học sinh phổ thông đạt được 5 phẩm chất gồm yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; 10 năng lực gồm tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ, toán học, khoa học, công nghệ, tin học, thẩm mỹ, thể chất.

Trước đó ngày 19/1, Bộ Giáo dục công bố dự thảo chương trình. Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết cho biết so với hiện hành, chương trình các môn học có sự giảm tải với nhiều điểm mới, chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực cho người học, đặc biệt là khả năng áp dụng kiến thức, kỹ năng đã học được vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Từ các năng lực đó, mỗi môn xác định nội dung và yêu cầu cần đạt riêng.

Theo Nghị quyết Quốc hội, thời gian bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đảm bảo tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp THPT.

*Tiếp tục cập nhật. 

Dương Tâm

Theo VnExpress

BÌNH LUẬN