Để chống lại căn bệnh ung thư, hiện nay, có một lời khuyên không chính thống (không có dữ liệu từ các công trình nghiên cứu) được lan truyền và dẫn đến nhiều tranh cãi, đó là “Hãy bỏ đói tế bào ung thư bằng cách không ăn đường, sữa và thịt đỏ”, với lý giải rằng, thịt đỏ tạo ra môi trường axit là môi trường thuận lợi để tế bào ung thư phát triển. Có nên làm theo lời khuyên này?
Những dữ liệu khoa học sau đây cùng với ý kiến của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lãnh vực ung thư sẽ giúp bạn có cách nhìn đúng đối với lời khuyên này.
Vào ngày 26 tháng 10 năm 2015, Cơ quan Nghiên cứu bệnh ung thư quốc tế (IARC: International Association for Research on Cancer) và Tổ chức Y tế Thế giới, đã đưa ra các định nghĩa và một số nhận định về mối liên quan giữa thịt đỏ, thịt chế biến sẵn với căn bệnh ung thư như sau:
- Thịt đỏ là phần cơ nạc (thịt nạc) của các động vật có vú, như thịt bò, thịt bê, thịt heo, thịt cừu, thịt ngựa, thịt dê…
- Thịt chế biến sẵn là thịt được chế biến ở nhiều dạng: ướp muối, sấy khô, ủ để lên men, hun khói… để tạo ra các sản phẩm như xúc xích, thịt giăm bông, lạp xưởng (dồi), khô bò, thịt đóng hộp, xúc xích đóng hộp…
- Nguy cơ mắc ung thư được đánh giá từ các nghiên cứu có liên quan đến 16 loại ung thư. Mối liên quan mạnh nhất được tìm thấy là ung thư đại trực tràng – loại ung thư rất phổ biến trên thế giới.
- Nguy cơ mắc ung thư tăng khi lượng thịt trong khẩu phần hàng ngày tăng. Dữ liệu từ các công trình nghiên cứu cho ra ước tính là ăn 50g thịt mỗi ngày sẽ tăng khoảng 18% nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.
- Nguy cơ mắc bệnh ung thư khi sử dụng thịt đỏ chưa được khẳng định do chưa có đủ chứng cứ khoa học mạnh mẽ. Tuy vậy, từ vài nghiên cứu gợi ý rằng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng tăng 17% khi mỗi ngày ăn 100g thịt đỏ.
- Thịt đỏ đã nấu chín và thịt chế biến sẵn tạo ra heterocyclic aromatic amines và polycyclic aromatic hydrocarbons, được xem là những chất gây ung thư; tuy nhiên, số công trình nghiên cứu và các dữ liệu vẫn chưa đủ độ mạnh để khẳng định là dùng thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn dẫn đến bệnh ung thư.
- Vì thịt đỏ vẫn mang lại các lợi ích sức khỏe, nên để giảm nguy cơ ung thư, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề nghị người trưởng thành không nên ăn nhiều hơn 50g thịt đỏ mỗi ngày; khuyến nghị của Hiệp hội Ung thư Mỹ (American cancer society) là không ăn nhiều hơn 70g thịt đỏ mỗi ngày (cung cấp từ 12g đến 15g chất đạm) và nên tránh hoàn toàn thịt chế biến sẵn.
Những nhận định và khuyến nghị trên khẳng định rằng cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa mới có thể đưa đến kết luận là ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn sẽ bị ung thư. Đặc biệt là nội dung “người bệnh ung thư không nên ăn thịt đỏ” không hề được các nhà khoa học đề cập đến.
Theo thống kê tại các bệnh viện, có 50 đến 90% bệnh nhân ung thư bị sụt cân và trên 90% bệnh nhân ung thư bị suy kiệt ở giai đoạn cuối. Trong thực tế, đa số người bệnh ung thư ăn không ngon miệng, thậm chí thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa do tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị khối u (xạ trị, hóa trị, phẫu thuật…), một chế độ ăn khoa học sẽ giúp người bệnh đủ khả năng chiến đấu với căn bệnh ác tính này.
Lời khuyên nhận được từ các chuyên gia dinh dưỡng khi chăm sóc cho người bệnh ung thư là “Hãy tăng lượng đạm (protein) trong khẩu phần” vì sau các liệu pháp điều trị, cơ thể người bệnh cần một lượng đạm vượt trội để tái tạo mô và chống lại hiện tượng nhiễm trùng, nhu cầu khuyến nghị về chất đạm cho người bệnh ung thư là 1g/kg cân nặng/ngày (nhiều hơn người bình thường), có thể tăng đến 1,5g/kg cân nặng/ngày khi người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng. Ví dụ: Người bệnh ung thư có cân nặng 50kg, mỗi ngày cần được cung cấp 50g đến 75g chất đạm (1 – 1,5g/kg cân nặng x 50kg).
Như vậy, tổng hợp từ các nghiên cứu khoa học, thực hành lâm sàng, lời khuyên từ các chuyên gia và các tổ chức uy tín trên thế giới, thực hành chăm sóc người bệnh ung thư ở nội dung này như sau:
- Thêm thực phẩm giàu đạm (protein) như thịt nạc, cá, phô mai, đậu vào các món ăn của người bệnh.
- Không dùng nhiều hơn 70g thịt đỏ mỗi ngày và sử dụng đa dạng các thực phẩm giàu đạm để đạt được khuyến nghị về chất đạm là từ 1 đến 1,5g/kg cân nặng/ngày (phô mai, các loại đậu, trứng, cá, thịt gia cầm, bơ đậu phộng, sữa, sữa hột gà, bánh pudding, sữa chua…).
- Dùng thêm sữa hoặc các loại thức uống có chứa chất đạm trong thành phần.
- Tránh hoàn toàn thịt chế biến sẵn.
BS CKI Nguyễn Thị Ngọc Hương
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn