Trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới theo bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới.

Ngày 5-6/12, Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 diễn ra với chủ đề Du lịch Việt Nam phát triển chất lượng, bền vững – Tầm nhìn 2030.

Du lịch Việt Nam phát triển nóng nhưng chưa đạt đỉnh

Mở đầu tham luận về nội dung đẩy mạnh du lịch Việt Nam thông qua nhãn quan người dùng, bà Tuyết Vũ, đại diện công ty tư vấn toàn cầu Boston (BCG), điểm lại những thành tựu đáng tự hào của du lịch Việt Nam trong bốn năm trở lại đây.

Trong năm 2017, Việt Nam đứng thứ 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới theo bình chọn của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), cùng với đó là tốc độ tăng trưởng khách quốc tế trung bình đều đạt khoảng 30% trong vài năm gần đây. Bà Tuyết Vũ cho rằng đây là con số mà rất nhiều quốc gia mong muốn đạt được.

Việt Nam có khoảng 15 tỷ USD vốn FDI được đầu tư vào du lịch trong năm 2017. Ngành công nghiệp không khói cũng tạo ra việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 2,5 triệu người. Du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có những đóng góp trực tiếp vào GDP của quốc gia. Đại diện BCG khẳng định với những thành tựu trên, trong tương lai du lịch vẫn sẽ là ngành đặc biệt quan trọng với kinh tế Việt Nam.

Du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng mơ ước của nhiều quốc gia.

Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch.

Được đánh giá là điểm đến phát triển nhanh nhưng du lịch Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Trong bốn năm gần đây, lượng tìm kiếm về điểm đến du lịch Việt Nam đã tăng khoảng 2 lần. Tuy nhiên, khách thực tế đến Việt Nam chỉ tăng khoảng 1,8 lần. Doanh thu từ du khách cũng chỉ tăng trưởng khoảng 1,5 lần. Như vậy vẫn còn những khoảng thiếu hụt rất lớn mà ngành du lịch chưa khai thác hết.

Bà Tuyết Vũ cho rằng: “Nếu chúng ta làm tốt hơn nữa thì có thể biến những quan tâm, tìm kiếm trên Internet thành khách đến Việt Nam và chi tiêu thật sự”.

Muốn phát triển phải thấu hiểu du khách

Để thu hút thêm khách quốc tế đến Việt Nam, ngành du lịch cần phải hiểu về hành vi, thói quen của họ. Đại diện BCG cho rằng cần phải nhìn nhận du khách trên nhiều khía cạnh ở từng phân khúc khác nhau để hiểu: Tại sao họ đi du lịch, đi làm gì, bằng phương tiện gì… để tìm ra những xu hướng thị trường, từ đó phục vụ tốt hơn.

Theo đó, ba xu hướng đặc trưng nhất của du khách hiện nay là: Sự phổ biến của kỹ thuật số, chi tiêu cho trải nghiệm và nhu cầu về tính chân thực.

Đầu tiên là về sự phổ biến của số hóa, công nghệ đang thay đổi và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách đi du lịch. Từ việc tìm kiếm thông tin, điểm đến, dịch vụ, đặt phòng, mua vé, tìm đường, chia sẻ những cảm xúc sau chuyến đi… tất cả đều xoay quanh các phương tiện kỹ thuật số.

Đồng ý với quan điểm trên, ông Nguyễn Trung Công, CEO của iViVu cho rằng trước đây, khách hàng phải tìm kiếm các dịch vụ mình cần trên Internet, nhưng bây giờ họ đòi hỏi nhiều hơn. “Sản phẩm của bạn phải xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ ngay khi khách hàng cần và đúng thứ họ tìm. Đó là những nhu cầu cơ bản của du khách trong kỷ nguyên số, buộc cả ngành du lịch phải chuyển đổi để phục tụ tốt hơn khách hàng của mình”, CEO iViVu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trung Vũ, CEO của IViVu.

Ông Nguyễn Trung Công, CEO của IViVu, tại sự kiện Diễn đàn Cấp cao Du lịch 2018.

Ông Trung nhận định những nền tảng đặt phòng, ứng dụng không còn là nơi bán hàng mà phải là nơi để du khách tìm kiếm, chia sẻ trải nghiệm cá nhân trong chuyến đi. “Ở iViVu, từ cấp độ quản lý trở lên đều phải đọc những bài đánh giá, phản hồi của du khách, lắng nghe nhiều hơn để hiểu họ muốn gì, họ tìm kiếm gì ở một điểm đến và làm thế nào để đáp ứng lại những mong muốn ấy”, ông chia sẻ.

Tiếp đến là xác xu hướng về chi tiêu, trải nghiệm tính đặc sắc của từng điểm đến. Theo đó, dòng tiền của du khách dần chảy về các hoạt động mua sắm, trải nghiệm nhiều hơn là dành tiền mua vé máy bay hay đặt phòng khách sạn đắt tiền. Đó là những xu hướng du lịch cơ bản trong tương lai mà Việt Nam cần nắm bắt.

Tiếp thị kỹ thuật số là chìa khoá của tương lai

Sau khi chỉ ra những thói quen mới của du khách, bài toán đặt ra cho du lịch Việt Nam là làm sao để đáp ứng được những yêu cầu mới của khách hàng và lôi kéo thêm nhiều du khách đến Việt Nam.

Để làm được điều đó, Việt Nam cần phải xây dựng sản phẩm công nghệ mới cho du lịch và tạo khác biệt với thế giới. Ông Nguyễn Trung Công khẳng định: “Về cơ bản thế giới có những nền tảng kỹ thuật số gì, Việt Nam đều cập nhật ngay. Nhưng để tạo được sự khác biệt, mỗi công ty cần lấy khách hàng làm trung tâm, đi sâu vào những trải nghiệm cá nhân hoá của du khách dựa trên AI và Big Data”.

Một yếu tố quan trọng nữa là trải nghiệm di động mượt mà của du khách. Những khảo sát tiêu dùng của BCG và các ứng dụng du lịch phổ biến hiện nay chỉ ra rằng: 38% các booking được thực hiện vào giờ chót hoặc trước chuyến đi hai ngày. Trên 55% người dùng smartphone để tìm kiếm các chỉ dẫn ngay tại điểm đến.

“Du khách luôn chuyển động, tò mò nhưng lại thiếu kiên nhẫn. Họ tìm kiếm thông tin liên tục trên khắp hành trình nhưng sẵn sàng bỏ qua một gợi ý nếu quá 3 giây mà ứng dụng chưa chạy xong”, bà Tuyết Vũ nói. Đại diện BCG cho rằng để làm được những điều này, du lịch Việt Nam phải tối ưu hoá từng trải nghiệm nhỏ nhất để phục vụ khách hàng vì cảm xúc cá nhân trong chuyến đi là điều cực kỳ quan trọng.

Bà Tuyết Vũ - Đại diện BCG phát biểu tại Diễn đàn Du lich cấp cao Việt Nam 2018.

Bà Tuyết Vũ – Đại diện BCG phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018.

“Du lịch trực tuyến là xu hướng tất yếu, bất kỳ công ty du lịch nào cũng phải dựa vào nền tảng công nghệ để phát triển. Vấn đề là làm sao chúng ta tạo ra được những sản phẩm khác biệt, du khách chỉ tìm thấy những trải nghiệm đó khi đến Việt Nam”, ông Nguyễn Trung Công, CEO của iViVu, nhấn mạnh.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng trong kỷ nguyên số, thông tin cá nhân của du khách là cực quan trọng. Du khách phải cân nhắc khi chia sẻ thông tin cá nhân trên nền tảng kỹ thuật số.

“Việc bạn yêu thích một nhà hàng, khách sạn, bạn viết đánh giá về nơi bạn đi qua là những thông tin tốt, có thể chia sẻ được. Nhưng những thông tin nhạy cảm như thẻ ngân hàng… thì du khách cần cân nhắc”.

Ông Nguyễn Trung Công cho rằng, các công ty dịch vụ cũng cần phân loại nghiêm ngặt những thông tin nào của du khách thì được lưu trữ, thông tin nào không đảm bảo quy chuẩn bảo mật thì không được thu thập, tránh những rủi ro không cần thiết cho khách hàng.

Khương Nha

Theo VN Express

BÌNH LUẬN