Chuyện tối thứ 4: Nếu không từ bỏ, bạn vẫn sẽ còn một cơ hội

“Thất bại là cơ hội để một người sáng tạo lại bản thân theo cách thông minh hơn” – Henry Ford.

Đáng thương nhất của đời người không phải là già đi theo năm tháng mà là đánh mất phương hướng của chính mình. Đáng tiếc nhất của con người chẳng phải là tuổi trẻ chẳng còn nữa mà là đã mất sự tự tin.

Nhân câu chuyện về “hai con tôm’ trên gói mỳ ăn liền Miliket, tuần này CafeF sẽ mang lại cho độc giả một câu chuyện “khác một tí” so với hàng tuần – câu chuyện thương hiệu và những cái tên vang bóng một thời.

Từ câu chuyện của Miliket

Việc thương hiệu Mì ăn liền Miliket của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket vừa đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch đã một lần nữa khuấy lên câu chuyện thương hiệu. Miliket – một thương hiệu với truyền thống 45 năm mà lúc lên sàn được định giá vỏn vẹn 124 tỷ đồng.

Những năm 90 của thế kỷ trước, nhắc đến mỳ ăn liền là nhắc đến Miliket với biểu tượng 2 con tôm trên vỏ bao kraft danh tiếng. Thị phần hãng mì này chiếm 90% và độc chiếm thị trường trong một thời gian dài.

Thế nhưng, nước sẽ chảy về chỗ trũng như một quy luật tự nhiên. Mảng mì tôm đã sớm được các doanh nghiệp khác nhận ra tiềm năng. Cuộc đổ bộ vốn đầu tư vào ngành mì tôm nhanh đến mức khủng khiếp. Cùng với quy mô vốn lớn, công nghệ hiện đại, sẵn kinh nghiệm phủ thị trường, chỉ một thời gian ngắn xâm nhập thị trường, những “đàn em” Acecook, Hảo Hảo…đã nhanh chóng “hất cẳng” Miliket trên các kệ hàng, chiếm thị phần.

Miliket bị đẩy về ký ức.

Hiện Miliket vẫn sống, vẫn lãi mấy chục tỷ mỗi năm nhưng là cuộc sống thoi thóp, thị phần độc tôn 90% lao dốc xuống còn 3-4%. Tất nhiên, quy mô thị trường đã mở ra rất nhiều cùng với sự thâm nhập của các nhãn hàng lớn nhưng Miliket đã không có thêm được chút lợi lộc nào từ quy mô tăng thêm đó.

Giữ mãi như cũ và còn bị lấy đi một phần khách hàng, doanh thu, lợi nhuận của Miliket đã giảm đi một ít mấy năm gần đây.

Thành công của ngày hôm qua không có nghĩa nó sẽ tiếp tục vào ngày mai. Rút kinh nghiệm từ thành công cũng quan trọng nhưng học hỏi từ thất bại mới là yếu tố quyết định thành công.

Không thể nào thay đổi Ngày hôm qua, nhưng Ngày hôm nay vẫn còn cơ hội. Có thể việc Miliket đưa cổ phiếu lên sàn cũng là một khởi đầu mới cho doanh nghiệp để hồi sinh? Khó nói trước được điều gì khi mà lý do Miliket lên sàn chưa từng được hé lộ, cổ phiếu thanh khoản vẫn nhỏ giọt. Miliket có đang tìm cơ hội bứt phá mình, huy động vốn, tìm kiếm cái bắt tay để tồn tại?


Đến câu chuyện hồi sinh của quả táo cắn dở Apple

Nhìn ra thế giới, “quả táo cắn dở” Apple từng suýt phá sản nhưng đã “kịp” tỉnh và hồi sinh mạnh mẽ là một ví dụ. Những năm 1980, chiếc máy tính cá nhân đầu tiên ra đời. Năm 1985, Steve Jobs rời khỏi Apple do mâu thuẫn nội bộ. Hãng công nghệ Apple tiếp tục phát triển một vài năm sau đó rồi tuột dốc dần.

Sự trở lại của Steve Jobs năm 1997 đã hồi sinh hãng công nghệ này với những thay đổi quyết liệt bằng việc mở rộng sản phẩm, nâng cấp công nghệ. Tiếp nối Steve Jobs Tim Cook – và từ đó hàng loạt sản phẩm như iMac, iPod, IPhone và iPad lần lượt ra đời và nhanh chóng lấy lại tên tuổi cho Apple, giúp thương hiệu này chiếm lĩnh thị trường công nghệ. Với mỗi dòng máy iPhone, Apple “gán” cho nó một slogan. Từ dòng iPhone đầu tiên là “Apple phát minh lại điện thoại” thì iPhone 6/ 6plus là “lớn hơn cả lớn” và iPhone 7 là “This is 7”.

Steve Jobs từng nói “Tôi tin rằng khoảng một nửa những gì khác biệt giữa doanh nhân thành đạt và không thành đạt là sự kiên trì tuyệt đối“. Apple đã nhanh chóng trở thành dòng điện thoại smart phone số 1 thế giới.

Đến cái chết đầy tiếc nuối của Nokia

Không thể phục hồi như Apple, cái chết của Nokia đã khiến không ít tín đồ điện thoại tiếc nuối. Những năm 1990, công nghệ điện thoại bắt đầu bùng nổ. Nhanh chóng bắt nhịp, các dòng sản phẩm bình dân của Nokia lần lượt ra đời phục vụ cho nhu cầu khách hàng. Nokia độc chiếm số 1 về doanh thu, thị phần và thương hiệu sản phẩm – là nhà sản xuất di động hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, sự ra đời của smart phone đã đẩy Nokia vào thế khó. Hãng lại “đứng yên” khi thế giới vận động, nên Samsung, rồi Apple…đã lần lượt chiếm lĩnh lấy thị trường di độngsmart phone trên thế giới. Việc bạn đứng yên trong khi các đối thủ không ngừng vươn lên đã là một sai lầm trí mạng.

CEO của Nokia đã từng phát biểu “Chúng tôi không làm điều gì sai, nhưng bằng cách nào đó, chúng tôi đã thua cuộc”. Cái thua cuộc của Nokia là đã không chịu học hỏi, bỏ lỡ sự thay đổi cần thiết, và do đó họ mất cơ hội trong tay để tiến tới một tầm cao mới.

Không chỉ đánh lỡ mất cơ hội kiếm tiền, Nokia đã bỏ qua mất cơ hội để sống sót. Gã khổng lồ điện thoại một thời đã phải “bán mình” cho Microsoft. Sau khi đổi chủ, Nokia cũng không thể giữ nổi thương hiệu khi Microsoft từng bước ngừng sử dụng thương hiệu Nokia, đánh dấu sự kết thúc hoàn toàn của thương hiệu Phần Lan đã hơn 100 năm lịch sử.

“Nét như Sony” cũng không tồn tại được lâu

Không chỉ Nokia, cái chết của Sony Ericsson – liên danh thương hiệu Sony (Nhật Bản) và Ericsson (Thụy Điển) cũng là cái chết bất ngờ đầy tiếc nuối. Slogan một thời “Nét như Sony” đã làm nên tên tuổi của dòng điện thoại này với độ nét sắc sảo cho camera và dàn âm thanh trong trẻo của Ericsson.

Tuy nhiên, không bắt kịp đà phát triển, Sony Ericsson nhanh chóng bị các dòng điện thoại khác “cướp” mất thị trường và cuối cùng đã biến mất hoàn toàn vào ngày 16 tháng 2 năm 2012, khi Tập đoàn Sony mua lại toàn bộ cổ phần của Ericsson trong liên doanh và đổi tên công ty thành Sony Mobile Communications Inc và chỉ sử dụng thương hiệu Sony cho sản phẩm mobile của mình.

Đến các thương hiệu có tiếng trong nước một thời

Xà bông Cô Ba, Dạ Lan, dầu Khuynh Diệp, Dầu Cao Sao Vàng, Dầu Phật Linh hay thậm chí cả nước hoa Miss Sài Gòn…đã là thương hiệu vang tiếng một thời ở Việt Nam. Phần lớn những tên tuổi này đã không còn được nhắc đến do không chịu thay đổi theo xu hướng, một phần nữa đang tồn tại chỉ để đủ sống kiểu như Miliket.

Nhìn lại thương hiệu nước hoa Miss Sài Gòn – nước hoa một thời của Việt Nam. Trải qua bao nhiêu năm, Miss Sài Gòn không thay đổi nhiều về mẫu mã. Vẫn là những chai nước hoa mang hình cô gái mặc áo dài, và mới đây thêm các loại áo tứ thân theo các miền Nam – Trung – Bắc. Do vậy Miss Sài Gòn đã không thể cạnh tranh được với hàng loạt mẫu mã nước hoa đẹp từ các nước ngoài nhập về. Doanh thu doanh nghiệp năm ngoái này chỉ mới đột phá lên mức 300 tỷ đồng, lợi nhuận vẫn chỉ đủ sống ở hàng chục tỷ.

Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận” là câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Mỹ John D. Rockefeller. Những doanh nghiệp tiếp nhận và đổi mới theo xu thế, đáp ứng nhu cầu khách hàng ắt thắng.

Đến ngã rẽ cuộc đời và bạn phải quyết định: Hoặc bạn đóng vai nạn nhân và sống 1 cuộc sống không trọn vẹn hoặc bạn tận dụng cơ hội to lớn này để vươn lên – Tustus Ute Lawrence. Việc luôn tìm một hướng đi mới để phát triển, mở rộng thị trường, đổi mới mẫu mã là yêu cầu thiết yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Không ngừng mở rộng thị trường mới, không ngừng khai thác các mô hình kinh doanh mới chính là cách tốt nhất để giải quyết khó khăn, tạo ra nguồn thu lớn. Khi bạn thực sự không nghĩ ra được cách giải quyết vấn đề, hãy cứ đi ra ngoài xem sao!

Trong kinh doanh, dù mình ở thế độc quyền vẫn có thể xuất hiện cạnh tranh từ các đối tác – hay thậm chí, người tiêu dùng hoàn toàn có thể có lựa chọn thay thế. Do vậy, luôn đổi mới sáng tạo cả trong phương pháp kinh doanh lẫn các sản phẩm để bắt kịp nhu cầu.

Phương Chi

Theo Trí thức trẻ

BÌNH LUẬN