Thành phố tại bang Alaska đang trải qua thời kỳ bóng tối kéo dài gọi là “đêm vùng cực”.
Mặt Trời mọc hôm 16/11, trước khi đêm vùng cực diễn ra. Ảnh: Olivia Kennedy. |
Người dân tại thành phố Utqiagvik, Alaska, Mỹ, trải qua hoàng hôn cuối cùng trước khi bước vào “đêm vùng cực” hôm 18/11, Fox News đưa tin. Trong thời kỳ kéo dài 65 ngày này, thành phố sẽ chìm vào bóng tối. Khoảng 4.400 cư dân tại đây phải chờ đến 13h04 ngày 23/01/2019 (giờ địa phương) để thấy lại Mặt Trời.
Hiện tượng đêm vùng cực xảy ra ở một số khu vực thuộc Alaska, Canada, Greenland, Phần Lan, Nga và Thụy Điển. Utqiagvik là thành phố cực bắc của Mỹ và nằm ở phía bắc của vòng Bắc Cực. Do đó, hiện tượng Mặt Trời biến mất vài ngày vào mùa đông không phải bất thường. Trong thời kỳ này, Mặt Trời không bao giờ nhô lên cao hơn đường chân trời. Càng gần cực bắc, ban ngày càng dài hơn vào mùa hè và ngắn hơn vào mùa đông, các chuyên gia giải thích.
Một số người địa phương vui vẻ chào đón đêm vùng cực hôm 19/11. Ảnh: Kristen Alburg. |
Người dân thành phố Utqiagvik sẽ thấy một chút ánh nắng lúc chạng vạng, khi Mặt Trời nằm dưới đường chân trời khoảng 6 độ. Chạng vạng kéo dài khoảng 6 tiếng và sẽ giảm xuống còn ba tiếng vào giữa thời kỳ đêm vùng cực. Trong thời gian này, nhiệt độ có thể hạ xuống -10 độ C.
Người Alaska rất quen thuộc với đêm vùng cực. Một số thậm chí tổ chức tiệc nhân dịp đêm vùng cực bắt đầu hoặc chia sẻ những hình ảnh thú vị về thời kỳ này trên mạng xã hội.